Gần đây giới trẻ rộ lên trào lưu uống Ginger Shots hay còn gọi là nước ép gừng với thành phần bao gồm gừng tươi và các thành phần khác nhau tùy vào cách chế biến của từng người. Mục đích của việc uống loại nước ép này là để thải độc, giảm cân, chống oxy hóa….
Ở một số cách làm thì chỉ cần với nước gừng tươi, có loại thì bao gồm luôn cả nước chanh, cam, nghệ, hạt tiêu và mật ong. Các thành phần trên đem kết hợp ép với gừng tươi, tạo nên thức uống Ginger Shots.
Nhiều người cho rằng, gừng từ lâu đã được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh tự nhiên rất hiệu quả. Nên nhiều người đã sử dụng Ginger Shots thường xuyên, họ cho rằng điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Tuy nhiên, 1 số ý kiến lại cho rằng, thường xuyên uống Ginger Shots là điều không nên.
Mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết và hình ảnh liên quan đến thức uống Ginger Shots (nước ép gừng). Ảnh chụp màn hình.
Có nên thường xuyên uống Ginger Shots hay không?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS.BS. Trần Thái Hà – Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương cho biết, gừng là 1 vị thuốc đông y, có vị cay nóng, tính ấm. Gừng có nhiều dạng sử dụng nhưng chủ yếu sử dụng ở dạng khô và tươi.
BS. Trần Thái Hà cho hay, theo y học cổ truyền, gừng có 1 số tác dụng tốt cho sức khỏe, tốt cho đường tiêu hóa, giúp cầm nôn, giải độc, giúp ôn ấm tỳ vị.
Ngoài ra, theo 1 số nghiên cứu mới đây, gừng còn có 1 số tác dụng lên hệ thống thần kinh giao cảm; giúp tăng tuần hoàn, tăng huyết áp; giúp ức chế 1 số nhóm vi khuẩn.
Trong đông y, gừng được xếp vào nhóm ôn lý, trừ hàn. Gừng sống (sinh khương) có tác dụng chính là giúp phát tán phong hàn. Trong nhiều món ăn, gừng tươi được kết hợp để làm ôn ấm cơ thể.
Gừng khô (can khương) có tính nóng hơn nhiều so với gừng tươi. Chủ yếu được sử dụng cho các bệnh nhân có bệnh về đường tiêu hóa. Thiên hướng về những trường hợp bụng lạnh, đầy chướng, như tiêu chảy.
Ginger Shots (nước ép gừng) và các loại rau củ quả được nhiều người yêu thích. Ảnh Internet.
Ngoài ra, gừng cũng được kết hợp với một số vị thuốc đông ý khác để sử dụng cho các bệnh nhân bị đau xương khớp, hay sử dụng để xoa bóp, ngâm tay chân…
Tuy nhiên, BS. Trần Thái Hà cho rằng, gừng không có tác dụng giúp thanh lọc cơ thể, chống oxy hóa. Trong đông y, gừng không được sử dụng với mục đích để detox, giảm cân hay chống oxy hóa.
“Dùng gừng với mục đích thanh lọc cơ thể thì không đúng với tác dụng dược lý. Nếu sử dụng gừng liên tục với lượng lớn để mong detox, giảm cân,… thì cần phải xem xét lại. Gừng lúc này có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe”, BS. Trần Thái Hà nói.
BS. Trần Thái Hà giải thích, vì gừng có tính nóng, nên nếu dùng kéo dài thì không tốt. Nhất là đối với những người cao tuổi, có bệnh lý nền như tăng huyết áp, uống nhiều nước gừng có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.
Với người khỏe mạnh, tính nóng lạnh trong cơ thể đang được cân bằng. Nếu dùng gừng kéo dài, liên tục, không đúng chỉ định sẽ làm cơ thể bị nóng. Chính vì vậy với người khỏe mạnh chỉ nên sử dụng gừng để làm gia vị cho các món ăn.
“Bản chất gừng không phải là vị thuốc đông y để làm thanh lọc, detox cơ thể. Chưa có cơ sở khoa học để sử dụng gừng với mục đích này… Khi sử dụng cần đúng, đủ, không nên tự ý dùng vào các mục đích khác như giảm cân, detox… vì rất có thể sẽ khiến cơ thể gặp nguy hiểm”, BS. Trần Thái Hà khuyến cáo.