1. Cho trẻ bị sởi ăn đa dạng thực phẩm, không kiêng khem
Khi bị bệnh sởi, trẻ có thể chán ăn, sốt, ho và tiêu chảy. Việc mắc bệnh sởi gây ra những thay đổi trong mô ruột và chức năng miễn dịch khiến trẻ mất protein trong phân khi mắc bệnh này, khi hệ thống miễn dịch cần tăng cường protein nhất. Vì vậy, cha mẹ cần bổ sung hàng ngày những thực phẩm tốt trong thời gian trẻ bị sởi.
CNĐD. Đỗ Thị Thúy Hậu, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Khi trẻ bị sởi, không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng. Cách chế biến thức ăn: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị người bệnh. Chú ý không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.
Đối với trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng).
Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A, bổ sung vitamin A để dự phòng thiếu vitamin này, giúp bảo vệ mắt. Liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, thường như sau:
- Trẻ dưới 6 tháng: uống 50.000 đơn vị / ngày x2 ngày liên tiếp.
- Trẻ 6- 12 tháng: uống 100.000 đơn vị / ngày x2 ngày liên tiếp.
- Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ ngày x2 ngày liên tiếp.
Trong trường hợp thiếu vitamin A lặp lại sau 4-6 tuần theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý bổ sung cho trẻ để tránh nguy cơ ngộ độc. Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu cần trợ giúp về cách chăm sóc ăn uống cho trẻ bị sởi.
2. Những điểm dinh dưỡng quan trọng của bệnh sởi cần ghi nhớ
Đánh giá tăng trưởng
Cân nặng của trẻ so với chiều cao (chỉ số khối cơ thể hoặc BMI) phải ở mức khỏe mạnh. Trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và có nhiều biến chứng do nhiễm trùng hơn. Vì vậy nên cho trẻ ăn những khẩu phần dồi dào tất cả các chất dinh dưỡng đa lượng, bao gồm cả carbohydrate và chất béo truyền thống.
Kiểm tra dấu hiệu thiếu sắt
Các dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt: bên cạnh tình trạng nhiễm trùng thường xuyên, da trẻ thường xanh xao, tĩnh mạch nhìn thấy qua da, niêm mạc nhợt nhạt, chậm tăng cân, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, tăng động không liên tục, trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng, hoặc ngủ không ngon giấc…
Một số thực phẩm giàu sắt nên bổ sung vào chế độ ăn của trẻ như: ức vịt không da, thịt bò nạc, trứng gà, gan gà, các loại đậu, rau lá xanh đậm…
Vitamin A là chìa khóa chống lại bệnh sởi
Vitamin A nên có nhiều trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ. Đặc biệt, vitamin A có tác dụng bảo vệ đặc biệt chống lại virus sởi và sẽ bị cạn kiệt do nhu cầu của hệ thống miễn dịch nếu con bạn bị phơi nhiễm. Dầu gan cá tuyết, sữa nguyên chất hoặc bơ từ bò ăn cỏ, rau và trái cây có màu sắc rực rỡ đều là những nguồn tốt hoặc bổ sung chất béo omega 3, giúp điều chỉnh chức năng miễn dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bổ sung vitamin A để giảm bớt các triệu chứng và giảm các biến chứng do bệnh sởi, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc bất cứ nơi nào nghi ngờ thiếu vitamin A.
Kẽm tăng miễn dịch
Ăn thực phẩm giàu kẽm hàng ngày như hạt điều thô, bơ hạt, hạt bí ngô hoặc hạt hướng dương, thịt lợn, thịt cừu, thịt bò, nấm hoặc các loại đậu là những nguồn tốt. Trường hợp cần dùng thuốc bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
Tình trạng protein
Tình trạng protein đề cập đến chức năng mô tốt và lượng protein dự trữ trong cơ thể. Cung cấp cho trẻ nguồn protein lành mạnh bằng thực phẩm tốt, để hệ thống miễn dịch có các khối xây dựng cần thiết để tạo ra globulin và các phân tử miễn dịch khác nhằm tăng cường khả năng phòng vệ. Trẻ nên ăn 35-60 g protein mỗi ngày tùy theo độ tuổi, từ nhiều nguồn khác nhau nghĩa là không chỉ sữa, phô mai và sữa chua.
Tác động của dinh dưỡng đối với bệnh sởi và làm giảm tác động của bệnh đã được chứng minh. Nếu bạn muốn đánh giá dinh dưỡng cho con mình với các khuyến nghị phù hợp với nhu cầu của trẻ, hãy liên hệ với bác sĩ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bác sĩ khuyến cáo quan trọng phòng ngừa bệnh tay chân miệng.