1. Thoa kem dưỡng ẩm khi da đang khô căng
Kem dưỡng ẩm sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng trên nền da đang ẩm. Ở trạng thái này, các dưỡng chất trong kem dưỡng có thể thẩm thấu nhanh hơn và thực hiện nhiệm vụ khóa ẩm tốt hơn.
Sau khi tẩy trang và rửa mặt sạch, bạn hãy thêm vào các bước hỗ trợ (chẳng hạn như toner, lotion, nước hoa hồng, đắp mặt nạ làm dịu da…) rồi thoa kem dưỡng ẩm ở bước cuối cùng.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ pH tự nhiên của da là từ 5 đến 5.5, và có thể bị thay đổi bởi khí hậu ô nhiễm, mỹ phẩm, xà phòng hay ngay cả nước máy. Sự thay đổi này sẽ tạo ra cảm giác căng rít, khô rát trên da, khiến da dễ mắc phải những vấn đề về mụn. Vì thế sau bước rửa mặt, bạn hãy dùng toner hoặc lotion để cân bằng lại độ pH cho làn da.
2. Bỏ qua bước dưỡng ẩm khi da nổi mụn
Nhiều người cho rằng việc dưỡng ẩm sẽ khiến cho da càng trở nên bí bách và gây khó chịu khi da đang nổi mụn. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến da tiết nhiều dầu nhờn là do thiếu độ ẩm trên da. Và khi tiết dầu nhiều sẽ vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn P.acnes (vi khuẩn gây mụn) phát triển, kết hợp với bụi bẩn và da chết tiếp tục hình thành các nốt mụn viêm sưng trên da.
Do đó, đối với làn da mụn, nên lựa chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp nhằm hạn chế tình trạng tiết dầu thừa, giảm tình trạng tăng sinh bã nhờn giúp lỗ chân lông thông thoáng và ngăn ngừa mụn tái phát hiệu quả. Theo đó, hãy ưu tiên loại kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng nhẹ, thấm hút nhanh, dịu nhẹ, không chứa dầu giúp cho da khỏe và ngăn ngừa mụn tốt hơn.
3. Thoa kem dưỡng ẩm càng dày, hiệu quả càng cao
Thực tế, thoa nhiều kem dưỡng ẩm không liên quan tới việc da trở nên căng mướt và đủ ẩm. Thoa quá nhiều kem dưỡng ẩm sẽ khiến da bị “quá tải”. Điều này khiến các lỗ chân lông bị bít tắc dễ gây ra tình trạng mụn ẩn.
Để thoa đủ lượng kem dưỡng ẩm cần thiết, bạn có thể áp dụng phương pháp đo bằng đầu ngón tay. Phương pháp đo bằng đầu ngón tay được xác định với bàn tay người lớn cùng đầu bơm sản phẩm kích cỡ tiêu chuẩn là 5mm. Một đơn vị ngón tay (FTU) được quy định là lượng sản phẩm tính từ đầu ngón tay tới nếp gấp giữa đốt ngón tay thứ nhất và thứ hai của ngón tay trỏ. Theo quy ước, đơn vị này không được tính cho serum và lotion do kết cấu và đặc tính sản phẩm khác nhau.
Lượng kem dưỡng ẩm dùng cho mặt tương đương với 1.0 FTU – 1 đơn vị ngón tay (tương đương 1.2g). Theo đó, lượng kem dưỡng ẩm dùng cho cổ và ngực trên là 1.2 FTU (tương đương 1.2g).
4. Trang điểm ngay sau khi thoa kem dưỡng ẩm
Mọi bước dưỡng da đều cần thời gian để sản phẩm thấm vào da. Khi các bước chăm sóc bị chồng chéo lên nhau, không có thời gian để sản phẩm thẩm thấu thì hiệu quả cũng bị giảm đi.
Sau khi thoa kem dưỡng ẩm, bạn nên chờ vài phút để sản phẩm thẩm thấu vào da, sau đó tiếp tục tiến hành các bước trang điểm tiếp theo. Điều này giúp da căng mịn hơn, lớp trang điểm tiệp màu nhanh hơn, sáng và đẹp hơn.
5. Sử dụng kem dưỡng ẩm không phù hợp với làn da
Da có rất nhiều loại khác nhau từ da dầu, da hỗn hợp, da khô, nên việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc da cần rất cẩn thận bởi mỗi loại da sẽ phù hợp với những loại sản phẩm khác nhau. Việc sử dụng kem dưỡng ẩm không phù hợp với làn da sẽ không mang lại hiệu quả dưỡng ẩm cần thiết, thậm chí khiến da kích ứng, bong tróc, nóng rát…
Mời bạn đọc xem tiếp video:
6 lầm tưởng phổ biến nhất về dưỡng da.