1. Vai trò của tập luyện với người ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là bệnh khối u ác tính xuất phát từ trong lòng hoặc thành của đại trực tràng, là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong do ung thư.
Chẩn đoán ung thư đại tràng ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt nhờ các phương pháp nội soi ống mềm, giúp cho việc chẩn đoán sớm và chính xác hơn, do vậy bệnh nhân được can thiệp và điều trị kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, đặc biệt là thời gian sống thêm cho người bệnh.
Trong điều trị ung thư đại tràng, phẫu thuật là phương pháp chính để loại bỏ khối u, nạo vét hạch vùng, đồng thời phối hợp với các phương pháp điều trị toàn thân, điều trị bổ trợ khác.
Tuy nhiên những phương pháp điều trị này cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật như mệt mỏi, suy nhược cơ thể…
Một số bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp cho người bệnh giảm bớt sự mệt mỏi, cải thiện chất lượng cuộc sống và đẩy nhanh quá trình hồi phục của bệnh.
Đối với người mắc bệnh ung thư đại tràng, tập luyện còn giúp điều hòa nhu động ruột, tăng cường chức năng tiêu hóa.
Ở người ung thư đại tràng, nhu động ruột thường bị rối loạn, khi co bóp nhanh, khi co bóp chậm, tập luyện giúp kích thích chuyển động tự nhiên của đường ruột, giúp hệ vi sinh đường ruột được tăng cường.
Ngoài ra, các hoạt động thể dục thể thao còn giúp đẩy máu đến hệ tiêu hóa, từ đó việc vận chuyển, hấp thu dưỡng chất được thực hiện tốt hơn.
Những bằng chứng chỉ ra rằng việc tập luyện thể thao là một trong những liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả nhất. Bắt đầu và duy trì một quá trình hoạt động thể dục có thể giúp bạn nâng cao sức mạnh thể chất cũng như cải thiện tinh thần lạc quan, đưa người bệnh thoát khỏi tâm lý sợ sệt của bệnh nhân ung thư.
2. Các bài tập cho người ung thư đại tràng
2.1. Bài tập 1: Bài tập gập bụng
– Cách thực hiện:
+ Nằm thẳng người, hai chân co một góc 90 độ với cơ thể.
+ 2 tay đan nhau sau gáy. Từ từ nhấc vai lên, siết cơ bụng. Vai cách mặt đất khoảng 10cm. Lưng dưới vẫn chạm sàn.
+ Giữ nguyên tư thế siết cơ bụng khoảng 1 – 2 giây.
+Thực hiện lặp lại các động tác 10 – 20 lần.
– Tác dụng: Bài tập gập bụng giúp thoát khí trong đường ruột hiệu quả, đồng thời kích thích nhu động đại tràng, giúp cho quá trình đại tiện được dễ dàng hơn.
2.2. Bài tập 2: Bài tập đứng lên ngồi xuống
– Cách thực hiện:
+ Đứng thẳng hai chân rộng bằng hông. Hai tay đưa thẳng ra phía trước.
+ Từ từ hạ người thấp xuống sao cho hai đùi song song với mặt đất, giữ lưng thẳng. Hai đầu gối không vượt quá hai mũi chân.
+ Giữ nguyên tư thế này 1 – 2 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
+ Lặp lại động tác khoảng 10 – 12 lần.
– Tác dụng: Bài tập này giúp toàn thân vận động tốt hơn, tăng cường lưu thông máu đến các cơ vùng bụng, cơ bắp tay, chân, hông, eo và hệ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa tình trạng chướng bụng, đầy hơi và giúp cho việc tiêu hóa được thuận lợi hơn.
2.3. Bài tập 3: Tư thế con thuyền
– Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa, thẳng người trên thảm tập.
+ Co hai đầu gối và nâng cao, vòng tay qua ôm gối ép gần sát vào ngực.
+ Nhẹ nhàng di chuyển đầu gối sang hai bên. Trong khi di chuyển lưu ý giữ phần bụng cố định, thẳng lưng.
+ Thực hiện bài tập từ 10 – 15 lần.
– Tác dụng: Bài tập này có tác dụng đẩy máu đến các cơ quan nội tạng, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp giảm đầy bụng, ăn không tiêu, cải thiện tình trạng táo bón ở những người bị bệnh đại tràng vô cùng hiệu quả.
2.4. Bài tập 4: Tư thế con mèo
– Cách thực hiện:
+ Chống đỡ cơ thể bằng hai tay và hai đầu gối.
+ Võng lưng ưỡn ngực xuống hết cỡ và hít vào, mặt hướng lên trên.
+ Từ từ thở ra và cong gù lưng lên trên, mặt cúi xuống. Lúc này bạn sẽ cảm nhận được sự mở ra của hai bả vai.
+ Thực hiện động tác lặp lại 5 – 10 lần.
– Tác dụng: Bài tập này giúp thúc đẩy khả năng di chuyển của cột sống, từ đó kéo giãn ruột, kích thích nhu động ruột, giúp thức ăn di chuyển dễ dàng trong hệ tiêu hóa, tránh tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hóa, rất thích hợp cho người bệnh ung thư đại tràng.
2.5. Bài tập 5: Tư thế tam giác
– Cách thực hiện:
+ Đứng thẳng, mở rộng hai chân cách nhau khoảng 3 – 4 bàn chân.
+ Điều chỉnh cho chân phải hướng ra bên ngoài một góc 90 độ, chân trái hướng theo chân phải một góc nhỏ khoảng 15 độ. Trong quá trình thực hiện cần đảm bảo toàn bộ bàn chân đặt xuống sàn. Toàn bộ trọng lượng cơ thể đứng trên hai bàn chân.
+ Uốn người qua phía bên phải, tay phải hạ xuống chạm sàn, đảm bảo phần cổ tay luôn thẳng.
+ Tay trái nâng lên tạo với tay phải một đường thẳng đứng.
+ Tùy khả năng có thể đặt tay phải lên chân hoặc chạm xuống sàn, đảm bảo hông trái luôn được kéo giãn, mắt hướng theo tay trái.
+ Hít sâu và thu mình về tư thế ban đầu. Thực hiện động tác tương tự với bên còn lại.
+ Thực hiện bài tập khoảng 10 – 15 lần.
– Tác dụng: Bài tập phối hợp toàn bộ tay, chân và phần thân mình giúp cho cơ thể dẻo dai, vững chắc, các cơ được thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất toàn thân. Đồng thời bài tập còn giúp kích thích hệ tiêu hóa, giảm tình trạng rối loạn nhu động đại tràng hiệu quả, rất phù hợp cho người bệnh ung thư đại tràng.
2.6. Bài tập 6: Bài tập ngồi vặn mình
– Cách thực hiện:
+ Ngồi duỗi thẳng cả hai chân. Sau đó gập chân trái lại.
+ Đặt bàn chân trái bên ngoài đầu gối phải, giữ lưng luôn thẳng.
+ Thả cánh tay phải sang bên đầu gối trái.
+ Tay trái chống xuống phía sau làm trụ để xoay thân người sang trái.
+ Hít thở vài nhịp rồi đổi bên làm tương tự.
+ Thực hiện bài tập 10 – 15 lần.
– Tác dụng: Bài tập vặn mình giúp máu dễ dàng lưu thông đến các cơ quan như gan, tụy và ruột… đồng thời kích thích và làm giãn các cơ phần lưng và bụng, từ đó tăng cường hoạt động tiêu hóa hiệu quả.
2.7. Bài tập 7: Bài tập xoa vùng bụng
– Cách thực hiện:
+ Có thể nằm xuống hoặc ngồi ở tư thế thoải mái nhất.
+ Xoa nóng 2 bàn tay với nhau rồi đặt lên bụng bắt đầu xoa bóp theo chiều kim đồng hồ.
+ Dùng lực tay vừa phải, tránh làm tổn thương các mô mềm.
+ Xoa đều tay trong vòng 10 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
– Tác dụng: Bài tập này giúp khắc phục các cơn đau quặn bụng do rối loạn nhu động ruột gây ra, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và điều hòa nhu động ruột.
3. Lưu ý khi tập luyện
Để đảm bảo an toàn khi thực hiện các bài tập thể dục, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
– Khởi động cơ bản trước khi tập luyện để làm nóng cơ thể, tránh tình trạng kéo giãn cơ đột ngột.
– Với những người mới phẫu thuật ở vùng bụng, người thoát vị đĩa đệm, phụ nữ mang thai không nên thực hiện bài tập tư thế con thuyền.
– Nếu bệnh nhân bị ung thư di căn xương cần thực hiện các bài tập ít tác động và thực hiện một cách nhẹ nhàng, không gắng sức mạnh.
– Nếu có các triệu chứng bất thường xảy ra trong quá trình tập luyện như chóng mặt, thở khò khè, tức ngực, tim đập nhanh hoặc đau nhức, mệt mỏi… hãy ngừng tập ngay và hỏi ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ.
– Tập luyện mỗi ngày trong khoảng 20 – 30 phút là lý tưởng.
– Chọn thời điểm tập luyện phù hợp với cơ thể, không tập khi đói hoặc no bụng.
– Tập luyện phù hợp với sức khỏe và thể trạng cá nhân, mức độ bệnh và giai đoạn bệnh.
– Mặc trang phục thoải mái để dễ dàng thực hiện các động tác.
– Chọn không gian yên tĩnh, sạch sẽ và tập trung khi luyện tập.
– Kết hợp chế độ ăn uống phù hợp. Không ăn quá no trong cùng một bữa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh nhân ung thư đại tràng cần lưu ý những gì?