Căng thẳng học tập với những buổi “cày” trên thư viện cả ngày, tối học bài khuya, ngủ không đủ giấc, hàng xấp ghi chú học tập và chồng tài liệu cao ngập đầu, thật khó để sĩ tử ưu tiên những thói quen lành mạnh trong thời gian nước rút trước kỳ thi.
Các sĩ tử hãy lưu ý rằng, việc duy trì lối sống lành mạnh vượt qua giai đoạn căng thẳng có thể giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất có thể. Jacky Samaniego – Chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Hoa Kỳ đưa ra 5 mẹo giúp các sĩ tử đạt được và duy trì lối sống lành mạnh trong thời gian thi cử:
1. Tập trung ôn thi nhưng đừng bỏ bữa
Đôi khi sĩ tử có thể cảm thấy muốn bỏ bữa để học xong một phần bài nữa nhưng việc phớt lờ những dấu hiệu đói và bỏ bữa sẽ khiến bộ não mệt mỏi thêm. Bạn nên biết não rất cần glucose nhưng không phải là lượng đường nhanh chóng từ kẹo có thể đạt mức glucose cao nhất rồi đột ngột giảm xuống.
Điều cần thiết là bạn phải cung cấp glucose liên tục từ carbohydrate phức hợp. Việc cung cấp glucose liên tục sẽ giúp học sinh đạt sự tập trung mà không cảm thấy đói thường xuyên. Đảm bảo bao gồm những thứ sau trong mỗi bữa ăn: 1/2 đĩa đầy rau, 1/4 đĩa carbohydrate và 1/4 đĩa protein.
- Carbohydrate: nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, quinoa, yến mạch nguyên hạt. Bạn cũng có thể bổ sung các loại rau có tinh bột như một phần trong khẩu phần carbohydrate, chẳng hạn như khoai lang, bí ngòi và bí ngô.
- Protein: thịt nạc (thịt có hàm lượng chất béo thấp) như thịt gà, gà tây, cá, thịt lợn nạc, thịt bò nạc.
- Rau: tất cả các loại rau (chọn nhiều loại rau không chứa tinh bột), đặc biệt là rau lá xanh.
2. Đồ ăn nhẹ rất quan trọng với sĩ tử
Khi cảm thấy căng thẳng và/hoặc lo lắng, mọi người thường cảm thấy cần thứ gì đó ngọt hoặc mặn như khoai tây chiên, bim bim, kẹo hoặc bánh quy. Ăn nhiều đường và muối không chỉ cung cấp lượng calo rỗng (không có calo bổ dưỡng) mà còn khiến sĩ tử cảm thấy đói ngay sau đó. Một bữa ăn nhẹ giúp giữ cho lượng đường trong máu và mức năng lượng ổn định.
Carbohydrate là nguồn năng lượng ưa thích của não nhưng chất lượng của carbohydrate rất quan trọng. Để có năng lượng lâu dài, hãy ăn đồ ăn nhẹ có chứa chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả. Sau đó, kết hợp món này với thực phẩm giàu protein như bơ hạt/hạt, phô mai, sữa chua Hy Lạp hoặc bơ đậu phộng. Thêm một bữa ăn nhẹ bất cứ khi nào cách các bữa ăn chính 4 giờ trở lên.
3. Hạn chế lượng caffeine
Mặc dù caffeine giúp tăng cường năng lượng trong một thời gian ngắn nhưng sau đó nó có thể khiến bạn cảm thấy bồn chồn, hồi hộp hoặc lo lắng. Hơn nữa, tùy thuộc vào lượng caffeine mà cơ thể dung nạp, bạn có thể bị đau bụng và mất ngủ.
Theo TS. Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực tế, caffeine chỉ khiến bạn bị phân tán và tạm quên đi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi trong chốc lát. Bộ não vốn đã mệt mỏi lại bị bắt hoạt động khiến cơ thể càng mệt mỏi, thiếu minh mẫn, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Nếu sĩ tử vẫn muốn uống cà phê, hãy hạn chế lượng tiêu thụ trong ngày. Thay vào đó, hãy chọn nước lọc, nước có gas, trà thảo dược hoặc cà phê đã khử caffeine. Hãy nhớ rằng sĩ tử nên được nghỉ ngơi đầy đủ trước kỳ thi và tiêu thụ nhiều caffeine có thể là lý do gây mất ngủ vào đêm trước ngày thi.
4. Hydrat hóa là “chìa khóa” cho bộ não khỏe mạnh
Người lao động trí óc căng thẳng như sĩ tử nên uống trung bình 2 lít nước mỗi ngày, nhưng nhiều khi bận rộn khiến chúng ta quên uống nước. Tình trạng mất nước có thể ập đến khiến bạn cảm thấy choáng váng hoặc thậm chí bị đau đầu do mất nước.
Luôn mang theo một chai nước có thể tái sử dụng bên mình giúp nhắc nhở bạn uống nước thường xuyên hơn. Nên sử dụng nước đun sôi để nguội, nước khoáng hay nước bù điện giải,… hạn chế sử dụng nước ngọt đóng chai các loại.
5. Ngủ ngon là cách tốt để sĩ tử duy trì sức khỏe
Ngủ không đủ giấc có thể khiến sĩ tử xuống tâm trạng và cáu kỉnh, thậm chí ảnh hưởng không tốt tới khả năng ghi nhớ. Chất lượng và số lượng giấc ngủ rất quan trọng trong tuần thi và trước ngày thi. Ngủ ít hơn 7-9 tiếng mỗi đêm có thể khiến sĩ tử kém tỉnh táo và có nguy cơ hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Hãy cố gắng hết sức để tạo ra một lịch trình học tập đảm bảo sĩ tử có thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sĩ tử nên ăn gì và kiêng gì để có sức khỏe tốt, tăng cường trí nhớ trong mùa thi?