1. Vai trò của tập luyện đối với bệnh viêm tụy
Theo chức năng sinh lý bình thường, tuyến tụy sẽ tiết ra các men tụy để hỗ trợ vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men này được tiết ra dưới dạng không hoạt động (tiền men) và chúng chỉ được hoạt hóa trở thành có tác dụng ở tá tràng. Tình trạng viêm tụy cấp là một tiến trình tự hủy mô do chính men tụy gây ra.
Nếu dịch tiêu hóa rò rỉ ra ngoài tuyến tụy có thể ăn mòn các cơ quan nội tạng xung quanh, gây suy đa tạng, thậm chí đe dọa tính mạng. Ở một số người có thân hình gầy, dù có nạp lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn với số lượng nhiều thì các chỉ số trong cơ thể dường như không thay đổi. Nhưng với nhóm người thừa cân, cơ thể tích tụ nhiều mỡ, khi dùng mỗi bữa ăn thịnh soạn lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Viêm tụy cấp do tăng triglycerid là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa thường xảy ra sau khi ăn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, đặc biệt là sau những lần uống rượu, bia. Một nguyên nhân cũng góp phần gây ra bệnh này là lối sống thụ động, lười vận động, ít tập thể dục trong khi ăn nhiều dầu mỡ.
Sau điều trị, khi tuyến tụy đã trở lại chức năng bình thường, người bệnh có thể bắt đầu tập thể dục với sự cho phép của bác sĩ. Tập thể dục cải thiện chức năng toàn diện của cơ thể cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhìn chung, tập thể dục mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, không nên tập thể dục khi đang trong cơn viêm tụy cấp. Trong một số trường hợp, tập thể dục có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng này và làm chậm quá trình phục hồi.
Người bệnh chỉ nên bắt đầu tập luyện khi tuyến tụy đã trở lại chức năng hoạt động bình thường với hình thức vận động đơn giản như đi bộ, tập yoga, thiền… Điều quan trọng là cần lắng nghe cơ thể và điều chỉnh kế hoạch tập luyện tùy theo tình trạng sức khỏe của bạn.
2. Các bài tập phù hợp với người bệnh viêm tụy
Người bệnh viêm tụy nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, tập yoga, thái cực quyền… Đồng thời, tránh các hình thức vận động cường độ cao, quá sức, như cử tạ, chạy bộ, hay các môn thể thao đối kháng.
2.1. Đi bộ
Đi bộ là hình thức vận động đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện. Các nghiên cứu đã chứng minh những lợi ích mà đi bộ đem lại đối với sức khỏe tổng thể, trong đó có thể kể đến như thư giãn tinh thần, giúp ngủ ngon, cải thiện sức khỏe…
Nên đi bộ ở những nơi yên tĩnh, có bầu không khí dễ chịu, tránh xa những cung đường có nhiều xe cộ qua lại, không khí bụi, ô nhiễm… Khi đi bộ, hãy hít thở chậm, sâu để thông thoáng đường hô hấp.
2.2. Tập yoga
Yoga không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn chưa từng tập các bài tập này, tốt nhất hãy tham gia một lớp cơ bản để được hướng dẫn các kỹ thuật cần thiết, đảm bảo tập đúng động tác, tránh chấn thương.
2.3. Thái cực quyền
Các bài tập thái cực quyền có cường độ vừa phải, nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm người bệnh viêm tụy. Tập luyện đúng cách sẽ giúp người bệnh giảm lo lắng, mệt mỏi, cải thiện tâm trạng, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể.
2.4. Khí công
Trong y học Trung Quốc, khí công giúp chữa lành và điều hòa cơ thể, tâm trí và tinh thần. Khí công giúp cải thiện lưu lượng máu, tăng năng lượng, giảm lo lắng và căng thẳng, đồng thời hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch. Bởi vậy, đây là một trong những bài tập phù hợp giúp người ốm chóng khỏe.
3. Lưu ý khi tập luyện
Để đảm bảo an toàn, tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lựa chọn hình thức vận động phù hợp. Nên tập luyện ở cường độ vừa phải, nghĩa là người tập sẽ cảm thấy hơi thở gấp nhưng vẫn có thể nói chuyện. Hãy bắt đầu từ từ, nhẹ nhàng với thời gian tập luyện ngắn, sau đó tăng dần theo thời gian và sức khỏe. Ngừng tập khi gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, như đau bụng, buồn nôn, khó thở.
Về thời gian luyện tập, nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Bạn có thể chia nhỏ thời gian tập luyện thành nhiều đợt ngắn trong ngày. Đừng quên khởi động, giãn cơ trước và sau khi tập.
Đặc biệt, cần chú ý uống đủ nước, tránh rơi vào tình trạng mất nước, đồng thời tăng cường sự trao đổi chất của cơ thể. Uống nước đặc biệt quan trọng nếu bạn bị viêm tụy hoặc mới hồi phục sau viêm tụy cấp hoặc có nguy cơ phát triển tình trạng này.