Bài tập hỗ trợ điều trị cho trẻ bị khoèo chân bẩm sinh

1. Vai trò của tập luyện với người bị khoèo chân bẩm sinh

Khoèo chân bẩm sinh là một dị tật bàn chân xảy ra trong thời kỳ bào thai, bao gồm phần trước bàn chân nghiêng, xoay trong và bị kéo xuống dưới; phần gót chân bị kéo vào trong, một số cơ và dây chằng bị ngắn lại và co rút. Bên cạnh đó, khoèo chân bẩm sinh có thể kèm theo các dị tật khác như trật khớp háng, cứng khớp gối, trật khớp xương bánh chè, cứng khớp khuỷu, bàn tay khoèo.

Trẻ bị khoèo chân bẩm sinh cần được thăm khám tỉ mỉ và có biện pháp điều trị thích hợp với từng cá nhân ngay từ đầu. Việc tập luyện mặc dù rất cần thiết trong hỗ trợ điều trị nhưng cần được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tập luyện giúp người bị khoèo chân bẩm sinh:

  • Hỗ trợ đưa bàn chân về tư thế đúng, tạo dáng đi đúng về sau.
  • Làm mạnh cơ vùng bàn chân, cẳng chân, đùi hạn chế co rút cơ vùng này.
  • Hạn chế biến chứng teo cơ, cứng khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, háng.
  • Giúp trẻ không tự ti mặc cảm, hòa nhập xã hội khi lớn lên…

2. Một số bài tập dễ áp dụng

2.1 Gập bàn chân cho trẻ bị khoèo chân bẩm sinh

Các bước thực hiện :

  • Đặt trẻ nằm ngửa, cha mẹ hoặc người thực hiện đặt một tay hoặc lòng bàn tay dưới gót chân trẻ, tay kia nhẹ nhàng nắm lấy bắp chân trẻ.
  • Thực hiện uốn cong bàn chân bé lên từ từ cho đến khi bé bắt đầu phản kháng.
  • Thời gian tập: 10 giây/lần, lặp lại 10 lần.

Lưu ý: Không nên tạo áp lực lên lòng bàn chân của trẻ vì điều đó sẽ khiến các ngón chân cong lại.

images

Cách thực hiện gập bàn chân cho trẻ khoèo chân bẩm sinh.

2.2 Xoay đầu gối

Các bước thực hiện:

  • Cho em bé nằm ngửa, sau đó, bố mẹ nhẹ nhàng nắm lấy bàn chân trước bằng một tay trong khi tay kia giữ bắp chân.
  • Nhẹ nhàng xoay bàn chân hướng ra ngoài một góc 90⁰ hoặc theo một góc mà trẻ có thể chịu đựng được.
  • Thời gian tập: 10 giây/lần, lặp lại 10 lần.

Lưu ý: Bài tập xoay đầu gối cần được hướng dẫn và giám sát bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế có kinh nghiệm, cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh gây áp lực quá mạnh có thể gây tổn thương cho chân.

di-tat-ban-chan-o-tre-1

Thực hiện xoay đầu gối cho trẻ bị khoèo chân bẩm sinh.

2.3 Di động mô mềm vùng cổ bàn cẳng chân

Các bước thực hiện:

  • Đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt phẳng mềm, dùng tay nhẹ nhàng nâng chân của bé lên.
  • Sau đó dùng các đầu ngón tay để massage nhẹ nhàng lên các nếp nhăn ở phía trước của bàn chân của bé.
  • Thời gian tập: Lặp lại động tác trong vòng 1 – 2 phút.

Lưu ý: Cần được thực hiện đều đặn hàng ngày.

2.4 Xoa bóp

Xoa bóp vùng ngón chân, mu bàn chân và phía dưới cẳng chân (cơ sinh đôi, cơ dép). Xoa bóp, massage nhẹ nhàng từ trên xuống dưới ngày 02 lần mỗi lần 7-10 phút.

xoa bóp

Xoa bóp bàn chân hạn chế cứng cơ ở trẻ bị khoèo chân bẩm sinh.

2.5 Bài tập kéo giãn thụ động tại khớp cổ chân-bàn chân

Làm theo thứ tự từ sau bàn chân đến trước bàn chân và khớp cổ chân.

Các bước tiến hành:

  • Bước 1: Kéo nhẹ xương gót xuống phía dưới (kéo giãn gân Asin).
  • Bước 2: Kéo nhẹ xương gót ra phía ngoài (để sửa lại phần trước bàn chân bị nghiêng trong).
  • Bước 3: Kéo nhẹ phần trước bàn chân về phía trước.
  • Bước 4: Đẩy nhẹ xương sên ra phía sau và kéo nhẹ phần trước bàn chân ra phía ngoài để sửa lại phần trước bàn chân bị khép và nghiêng trong.
  • Bước 5: Kéo nhẹ xương gót xuống dưới và đẩy phần trước bàn chân lên trên để sửa lại tư thế cổ chân bị gập mặt lòng.
  • Bước 6: Chỉnh nghiêng trong bàn chân bằng nắn chỉnh 3 điểm: gót kéo ra ngoài, phần trước bàn chân kéo ra ngoài và phần giữa mép ngoài bàn chân đẩy vào trong.
maxresdefault

Bài tập kéo giãn thụ động cho trẻ khoèo chân bẩm sinh.

2.6 Bài tập vận động khớp khuỷu

Bố mẹ dùng một tay giữ vùng cánh tay, một tay giữ vùng cẳng tay trẻ, vận động nhẹ nhàng gấp duỗi khớp khuỷu, kèm xoa bóp massage các cơ vùng cẳng tay của trẻ từ trên xuống dưới ngày 5-7 phút một lần, ngày 02 lần.

2.7 Bài tập gập duỗi khớp háng, mạnh cơ tứ đầu đùi

Bố mẹ để trẻ nằm thoải mái, dùng tay gập duỗi khớp háng, xoa bóp massage vùng đùi từ trên xuống dưới ngày 3-5 phút, ngày 02 lần.

– Khi trẻ được 3 tuổi có thể tập luyện chơi bóng, tập cho trẻ nhận biết hình ảnh, ghép tranh để giúp trẻ hòa nhập xã hội, mạnh cơ tay chân.

– Khi trẻ lớn hơn có thể tập đi bộ, đạp xe tại chỗ, học múa, hát để mạnh cơ tay chân, hạn chế cứng khớp, trẻ vui vẻ hòa nhập với bạn học, tạo dáng đi đúng.

– Trẻ 7 tuổi trở lên có thể chơi cầu lông, bóng bàn, bơi lội giúp trẻ phát triển cơ xương khớp, phát triển toàn diện thể chất, tinh thần

3. Lưu ý khi tập luyện cho trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh

  • Cần tập luyện thường xuyên, liên tục để đạt hiệu quả.
  • Khi tập cần tham khảo ý kiến bác sỹ chuyên nghành chọn bài tập phù hợp độ tuổi thể chất của trẻ.
  • Cần sự tham gia bố mẹ, thầy cô, bạn bè, cộng đồng xã hội.
  • Bài tập thực hiện song song phương pháp điều trị như bó bột nắn chỉnh…
  • Khi tập cần chú ý đến phản kháng của trẻ.

Mời bạn xem tiếp video:

Phẫu thuật thành công cho trẻ dị tật bẩm sinh bàn chân khoèo | SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *