Hoa chuối (bắp chuối) không chỉ được sử dụng để chế biến trong ẩm thực mà còn là vị thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền. ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết:
Theo dược học cổ truyền, hoa chuối vị ngọt, tính lạnh, có công dụng hóa đàm nhuyễn kiên, bình can tiêu ứ, thông kinh hoạt lạc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như ngực bụng đầy chướng, hay ợ chua, nôn nhiều đờm rãi, mắt hoa đầu choáng, đau tức vùng tim, rối loạn kinh nguyệt, chỉ khát nhuận phế, thông huyết mạch…
1. Thành phần dinh dưỡng của hoa chuối
Trong 100g hoa chuối đã ngâm nước muối nhạt có chứa:
- Lượng calo: 23
- Carb: 4g
- Chất béo: 0g
- Chất đạm: 1,5g
Loại hoa này cung cấp nhiều acid amin thiết yếu mà cơ thể cần và chứa ít đường tự nhiên hơn quả chuối cũng như nhiều loại trái cây nhiệt đới khác. Các chất dinh dưỡng bao gồm một số khoáng chất như phốt pho, canxi, kali, đồng, magie, sắt, kẽm, đồng rất quan trọng đối với một số chức năng của cơ thể và một lượng nhỏ protein.
Các chất chống oxy hóa trong hoa chuối bao gồm quercetin, catechin, phenol, saponin và tannin. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do và có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
2. Lợi ích sức khỏe tiềm năng của hoa chuối
Không chỉ ở Việt Nam, hoa chuối còn được sử dụng trong y học cổ truyền ở nhiều nơi trên thế giới để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Dưới đây là một số lợi ích của hoa chuối:
Có thể làm giảm cholesterol và lượng đường trong máu
Hoa chuối có nhiều hợp chất giúp làm giảm lượng cholesterol và lượng đường trong máu cao, hai yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim và đái tháo đường type 2. Sterol thực vật được biết là giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol từ ruột, điều này có thể giúp giảm mức độ của dấu hiệu sức khỏe này.
Chất chống oxy hóa quercetin và catechin trong hoa chuối có thể làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Những chất chống oxy hóa này hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại enzyme hấp thụ carbs.
Hỗ trợ sức khỏe đường ruột
Hoa chuối ít calo và chất béo, cung cấp sự cân bằng giữa chất xơ không hòa tan và hòa tan. Chất xơ hòa tan có thể giúp giảm lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Mặt khác, chất xơ không hòa tan giúp nó di chuyển qua hệ thống tiêu hóa. Điều này giúp ngăn ngừa táo bón và các vấn đề tiêu hóa khác, cũng như giúp cảm thấy no lâu hơn.
Hoa chuối giàu chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Hoa chuối đặc biệt chứa nhiều chất xơ không hòa tan, một loại chất xơ khó tiêu, làm tăng khối lượng phân để đảm bảo chất thải di chuyển qua ruột kết. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều hoa chuối thì lại ngược tác dụng.
Tăng cường mức độ sắt cho người thiếu máu do thiếu sắt
Hàm lượng sắt dồi dào trong hoa chuối có thể bổ sung sắt dự trữ và cải thiện các triệu chứng liên quan đến thiếu máu như mệt mỏi, nhịp tim không đều, da nhợt nhạt, bàn chân và bàn tay lạnh. Thường xuyên bổ sung hoa chuối phù hợp vào bữa ăn sẽ làm tăng lượng hồng cầu và chống lại bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Các chất chống oxy hóa trong hoa chuối như flavonoid, tannin cùng các acid amin khác có tác dụng hạn chế ảnh hưởng của gốc tự do lên các tế bào của cơ thể. Nhờ đó, người ăn hoa chuối thường xuyên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường…
Có thể ngăn ngừa phì đại tuyến tiền liệt
Một vấn đề tiết niệu phổ biến ở nam giới trên 50 tuổi là tuyến tiền liệt phì đại, có thể phát triển thành các vấn đề về tiết niệu như dòng nước tiểu yếu, bí tiểu…
Trong y học cổ truyền, hoa chuối được dùng để điều trị các vấn đề về tiết niệu. Đặc tính chống viêm của chiết xuất hoa chuối làm giảm kích thước tuyến tiền liệt phì đại. Thành phần acid citric và acid amin của hoa một phần tác dụng này.
Chất chống oxy hóa trong hoa chuối, bao gồm quercetin, đã được chứng minh là giúp giảm viêm ở tuyến tiền liệt và cải thiện lưu lượng nước tiểu khi kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Góp phần ngăn ngừa loãng xương
Hoa chuối được sử dụng để làm giảm bớt sự khó chịu ở khớp, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng loãng xương. Hoa chuối chứa đáng kể kali, canxi, cũng như vitamin A, C và E ngoài các chất flavonoid mạnh như quercetin và catechin. Chất chống oxy hóa quercetin và catechin xuất hiện tự nhiên trong hoa chuối có thể giúp ngăn ngừa loãng xương, quercetin có đặc tính bảo vệ xương nhờ lợi ích chống oxy hóa và chống viêm. Hoa chuối cũng là nguồn cung cấp kẽm giúp ngăn ngừa loãng xương.
Hỗ trợ giảm cân
Với hàm lượng chất xơ dồi dào, các món từ hoa chuối có thể giúp no lâu hơn, hạn chế tiêu thụ các món ăn giàu calo khác. Chính những điều này giúp người ăn hoa chuối giảm cân dễ dàng hơn.
Hoa chuối giúp lợi sữa
Với bà mẹ sau sinh, hoa chuối rất có lợi trong việc làm lành vết thương trong quá trình sinh nở do có chứa ethanol. Bên cạnh đó, hoa chuối đã được nghiên cứu về tác dụng tăng tiết prolactin – một hormone giúp tăng tiết sữa.
Phụ nữ sau sinh có thể sử dụng các món ăn được chế biến đúng cách từ hoa chuối như canh hoa chuối nấu sườn, canh hoa chuối nấu với thịt gà…
Nếu thỉnh thoảng ăn hoa chuối và các món được chế biến từ hoa chuối không có gì cần lưu ý đặc biệt nhưng nếu ăn thường xuyên, nhất là những người có tình trạng sức khỏe kém, người có bệnh lý phải tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn. Tuyệt đối không coi hoa chuối là phương pháp chữa bệnh thay thế phương pháp điều trị đang áp dụng theo chỉ định của bác sĩ.
3. Cách sơ chế và chế biến hoa chuối
Để thưởng thức phần lõi ăn được của hoa chuối, hãy bóc lớp vỏ cứng màu tím bên ngoài như bóc củ hành. Khi bóc ra sẽ thấy bên trong có màu ngà. Những bông hoa ăn được có thể được nấu chín sau khi loại bỏ nhị và nhụy. Có nhiều cách để cắt hoa chuối, phương pháp đơn giản nhất là cắt hoa chuối thành hai nửa rồi thái mỏng.
Hoa chuối có độ ẩm cao và rất dễ bị hư hỏng nên dễ bị chuyển sang màu nâu khi tiếp xúc với không khí. Tốt nhất nên để hoa nguyên vẹn cho đến khi sử dụng. Ngâm hoa chuối trong nước chanh hoặc muối nhạt có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa sau khi cắt chúng thành từng miếng. Ngâm trong nước có tính acid như giấm cũng làm giảm vị đắng từ nhựa cây giữa các cánh hoa.
Hoa chuối thường được sử dụng theo cách bào mỏng, thái mỏng để nấu canh hoặc làm nộm (gỏi). Các món ăn làm từ hoa chuối thường được yêu thích như nộm (gỏi) hoa chuối tai lợn hoặc gà; Hoa chuối nấu sườn, móng giò; Hoa chuối om lươn; Hoa chuối xào ốc hoặc hoa chuối ăn với lẩu cua, cá…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những người nào cần hạn chế ăn ớt?