Khi uống thuốc Đông y, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Số lần uống thuốc
Thông thường, mỗi thang thuốc được sắc 2 lần (2 nước). Nếu muốn tận dụng dược liệu thì sắc 3 lần (3 nước). Để hàm lượng, nồng độ thuốc trong mỗi lần uống giống như nhau, cần hợp hai (hoặc ba) nước thuốc lại với nhau, quấy đều. Sau đó, tùy theo bệnh tình và thể chất người bệnh, có thể chia ra uống trong ngày (uống ngay một lần hoặc uống nhiều lần).
– Chia uống trong ngày: Chia thuốc thành 2-3 phần bằng nhau, uống ngày 2-3 lần; có thể áp dụng trong trường hợp bệnh tương đối nhẹ, hoặc bệnh mạn tính.
– Uống ngay một lần: Hợp các nước sắc của một thang thuốc lại với nhau, uống hết một lần. Cách uống này hay sử dụng đối với loại thuốc phát hãn (làm ra mồ hôi để giải cảm, giải độc), thuốc tả hạ (tẩy, thông tiện mạnh) và thuốc thanh nhiệt; thích hợp với những trường hợp bệnh nặng, với mục đích tập trung sức thuốc, để có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng.
Cách uống thuốc, thời gian uống, độ nóng thích hợp của thuốc sẽ giúp nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
– Uống nhiều lần: Uống tùy thích, uống từng ít một mà nhiều lần, giống như uống trà, thường áp dụng đối với một số trường hợp sau:
- Người có thể chất vị khí hư nhược, dạ dày hấp thụ yếu, không chịu nổi tác động mạnh của thuốc;
- Bệnh nhân bị nôn nặng, uống lượng lớn sẽ nôn ngược ra và làm mất thời cơ chữa trị.
- Đối với những chứng bệnh ở phía trên cơ hoành, như đau họng, đau răng, viêm lưỡi, bệnh mắt; uống dần từng ít một sẽ tạo điều kiện để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ổ bệnh.
2. Thời điểm uống thuốc
– Uống thuốc trước bữa ăn: Một số loại thuốc như thuốc trừ thấp lợi thủy, thuốc tả hạ (tẩy), thuốc khu trùng (trừ giun, sán…), uống lúc đói hoặc sáng sớm, cũng sẽ có tác dụng mạnh hơn. Sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc trước bữa ăn khoảng 30-50 phút… khi dạ dày đang trống rỗng, do đó uống thuốc tư bổ vào sẽ hấp thu tốt hơn.
Đối với những chứng bệnh ở phần dưới cơ thể, uống trước bữa ăn thuốc không bị thức ăn cản trở, không bị giữ lại ở thượng tiêu (phần trên cơ thể), mượn sức của thức ăn để đưa thuốc xuống thẳng hạ tiêu.
– Uống thuốc sau bữa ăn: Với những thang thuốc gồm có một số vị thuốc kích thích dạ dày, thuốc phát hãn giải biểu (giải cảm), thuốc điều trị những chứng bệnh ở thượng tiêu nên uống sau bữa ăn 20-30 phút.
Huyết dụ, vị thuốc chỉ huyết (cầm máu) nên uống lạnh.
3. Nhiệt độ của thuốc
Độ nóng (nhiệt độ) của thuốc có ảnh hưởng nhất định đến tác dụng của thuốc:
– Uống nóng: Để chữa bệnh có tính hàn, cần dùng loại thuốc có tính nhiệt và uống nóng.
– Uống ấm: Nói chung, các loại thuốc thang đều nên uống khi nước thuốc âm ấm. Đặc biệt là đối với loại thuốc điều hòa khí huyết, bồi bổ tạng phủ, bồi dưỡng thể chất, an định tâm thần, thì không nên uống lạnh, cũng không nên uống nóng, mà chỉ nên uống ấm. Ngoài ra, trong thang thuốc có một số vị thuốc có tính kích thích đối với dạ dày, ruột, như qua lâu nhân, nhũ hương, một dược… uống ấm sẽ giảm bớt sự kích thích đối với đường ruột.
– Uống lạnh: Các loại thuốc thang nên uống lạnh thường áp dụng với loại thuốc chỉ huyết (cầm máu), thu sáp (làm co lại), điền cố (chữa hoạt tinh, tiểu nhiều lần)… để có thể kéo dài thêm thời gian tác dụng của thuốc.
Để chữa bệnh nhiệt nên dùng thuốc có tính hàn và uống lạnh hoặc trong trường hợp người bệnh bị nôn hay thời tiết mùa hạ cần uống lạnh.
Mời bạn xem thêm video:
Nước thanh nhiệt có hiệu quả làm mát gan? |SKĐS