Điều chỉnh chế độ ăn cho người thiếu máu do thiếu sắt

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Sắt là một khoáng chất quan trọng được cơ thể chúng ta sử dụng để hình thành các tế bào hồng cầu và cung cấp oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt gây mệt mỏi, khó thở, đau đầu, chóng mặt, khó tập trung và dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh.

Khi bị thiếu máu, người bệnh thường có biểu hiện: Mệt mỏi, khó tập trung, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; Lông, tóc, móng khô dễ gãy; Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu; Đau ngực, khó thở, đặc biệt khi gắng sức; Tim đập nhanh, nặng hơn có thể dẫn đến suy tim…

Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt kéo dài có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động.

Điều chỉnh chế độ ăn cho người thiếu máu do thiếu sắt- Ảnh 1.

Thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Ảnh minh họa.

Chế độ dinh dưỡng bổ sung thực phẩm giàu sắt có vai trò đặc biệt quan trọng trong dự phòng và điều trị thiếu máu do thiếu sắt. Theo TS.BS. Phan Bích Nga, Trưởng Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thiếu máu dinh dưỡng là kết quả của sự thiếu hụt một hoặc nhiều vi chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là sắt.

Ở giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu, người bệnh cần bổ sung sắt qua thức ăn và uống các chế phẩm chứa sắt. Nên tiếp tục bổ sung sắt thêm 3 tháng sau khi lượng huyết sắc tố đã trở về bình thường. Ngoài ra cần phối hợp điều trị nguyên nhân, tìm được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu do thiếu sắt.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Ăn đủ chất

Biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt là cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cụ thể: Ăn đa dạng và đảm bảo ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, bao gồm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng.

Nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thụ các chất dinh dưỡng, trong đó có sắt.

Thực phẩm giàu sắt

Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt. Thực phẩm có nguồn gốc động vật có hàm lượng sắt cao nhất như: thịt bò, thịt gà, gan động vật, trứng, ngao, sò, hàu, sữa…

Thực phẩm thực vật chứa sắt bao gồm: các loại đậu, đậu lăng, đậu phụ, khoai tây, hạt điều, các loại rau có lá màu xanh đậm, ngũ cốc nhiều cám, trái cây khô…

Tuy nhiên, chất sắt trong thực phẩm có nguồn gốc động vật (thường được gọi là sắt heme) là dạng sắt tốt nhất, vì nó được cơ thể dễ dàng hấp thụ. Còn sắt chủ yếu có trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như ngũ cốc và rau (sắt không phải heme) được hấp thụ kém hiệu quả hơn nhiều so với sắt heme.

Ngoài ra cần tăng cường ăn rau xanh và các loại quả tươi giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Lưu ý không nên uống nước trà đặc quá gần bữa ăn, chỉ nên uống cách sau bữa ăn từ 2 giờ trở đi vì chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thụ sắt.

Thực phẩm giàu vitamin C

Không chỉ giúp tăng cường miễn dịch, vitamin C còn được chứng minh là giúp tăng cường hấp thụ sắt. Nó thu giữ sắt không phải heme và lưu trữ ở dạng cơ thể bạn dễ hấp thụ hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy, uống vitamin C trong bữa ăn làm tăng khả năng hấp thụ sắt lên 67%.

Do đó, khi uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt, bạn nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thu sắt như: trái cây họ cam quýt, rau lá xanh đậm, ớt chuông, dưa, dâu tây, chuối, xoài…

Đối với người ăn chay (một trong những đối tượng có nguy cơ cao thiếu sắt), việc hấp thụ sắt có thể được tối ưu hóa bằng cách cách tăng cường các loại rau quả chứa nhiều vitamin C trong bữa ăn hàng ngày.

Thực phẩm giàu kẽm

Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh thiếu máu dinh dưỡng không đơn thuần là thiếu sắt mà thường thiếu cùng các vi chất khác, điển hình là kẽm. Chính vì vậy, để giúp giúp dự phòng nguy cơ thiếu máu, ngoài đảm bảo đủ lượng sắt nên bổ sung đủ kẽm trong bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là ở em.

Thực phẩm giàu kẽm bao gồm: thịt đỏ, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, hàu, sò, cua, cà rốt, đậu nành, giá đỗ, đậu Hà Lan…

3. Gợi ý một số thực phẩm tốt cho người bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Các loại thịt

Các loại thịt như: Thịt bò, thịt gà, thịt lợn, thịt cừu… rất giàu chất sắt cơ thể dễ hấp thụ. Lưu ý, mặc dù thịt đỏ là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào nhưng nó chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, chúng ta không nên ăn quá nhiều mà nên kết hợp với các thực phẩm giàu sắt khác.

Điều chỉnh chế độ ăn cho người thiếu máu do thiếu sắt- Ảnh 3.

Thịt bò rất giàu chất sắt.

Hải sản

Nhiều loại hải sản rất giàu chất sắt như: cá ngừ, cá mòi, tôm, hàu, sò… giàu chất sắt tương tự như thịt.

Gan động vật

Gan động vật là thực phẩm chứa nhiều sắt, đặc biệt là gan lợn, gan bò. Tuy nhiên, do chúng chứa hàm lượng cholesterol cao, chúng ta nên ăn lượng vừa phải kết hợp thực phẩm giàu sắt khác.

Đậu phụ

Đậu phụ là một loại thực phẩm thực vật giàu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, magie, phốt pho, vitamin B, sắt. Trong 126g đậu phụ có thể cung cấp 3,4mg sắt. Đây là món ăn lý tưởng rất phù hợp để cung cấp sắt và các vi chất khác cho những người ăn chay.

Hạt dẻ cười

Các loại hạt cũng là nguồn cung cấp folate dồi dào giúp cải thiện sự hấp thụ sắt. Đặc biệt, hạt dẻ cười là một món ăn nhẹ giàu chất sắt nhưng không chứa nhiều calo như các loại hạt khác.

Hạt dẻ cười rất giàu các chất dinh dưỡng có lợi như: protein, chất xơ, chất béo lành mạnh, vitamin A, vitamin C, canxi, sắt. Nó cũng là một trong những loại hạt giàu chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.

Hạt bí ngô

Hạt bí ngô sống rất giàu chất sắt, với hơn 2mg sắt trong một chén hạt bí ngô nguyên chất. Khi rang hạt bí ngô, bạn nên rang ở nhiệt độ thấp để tránh làm giảm lượng sắt.

Điều chỉnh chế độ ăn cho người thiếu máu do thiếu sắt- Ảnh 4.

Hạt bí ngô giàu chất sắt.

Rau có lá màu xanh đậm

Nhóm rau tươi có màu xanh đậm là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất quan trọng cho cơ thể như: chất xơ, vitamin A, C, K, canxi, sắt. Bạn nên chọn các loại rau như: bông cải xanh, cải ngọt, cải xoăn… Những loại rau này cũng chứa vitamin C, giúp cơ thể hấp thụ chất sắt từ chế độ ăn uống.

Trái cây họ cam quýt

Người bệnh thiếu máu do thiếu sắt nên ăn các loại trái cây giàu vitamin C để giúp hấp thụ sắt tốt hơn. Trái cây có hàm lượng vitamin C cao nhất bao gồm trái cây họ cam quýt, chanh, bưởi…

Lưu ý quan trọng: Nếu bạn hoặc con bạn có các dấu hiệu, triệu chứng gợi ý thiếu máu do thiếu sắt, hãy đến gặp bác sĩ. Thiếu máu thiếu sắt không phải là bệnh lý có thể tự chẩn đoán hoặc điều trị. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán thay vì tự mình bổ sung sắt. Việc cơ thể nạp quá nhiều sắt có thể nguy hiểm vì sự tích tụ sắt quá mức có thể làm tổn thương gan và gây ra các biến chứng khác.

Xem thêm:

Vì sao người bị thiếu máu do thiếu sắt cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin C?Vì sao người bị thiếu máu do thiếu sắt cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin C?

SKĐS – Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, người bệnh cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống như tăng cường thực phẩm giàu chất sắt và bổ sung thực phẩm giàu vitamin C. Vậy vitamin C có vai trò gì, vì sao cần phải tăng cường thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn uống của người bệnh thiếu sắt?


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *