Trường hợp nào nên phẫu thuật tạo hình thành bụng?
Loại trừ trường hợp thừa cân khi còn trẻ, đa số phụ nữ trước khi sinh con đều sở hữu vòng eo hấp dẫn. Nhưng sau khi thực hiện thiên chức làm mẹ phụ nữ phải đối diện với một thử thách lớn trong việc duy trì hình thể, đặc biệt là việc giữ vòng 2 sao cho săn chắc, thon thả.
Trong quá trình mang thai, tất cả các thành phần của thành bụng, nhất là phần từ rốn trở xuống đều bị biến đổi. Lớp da bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bị căng giãn. Sự căng giãn cơ học một cách từ từ nhưng trong thời gian dài tới 9 tháng cũng khiến các thành phần collagen của da (có tác dụng co giãn) khó phục hồi hoàn toàn.
Càng sinh nhiều lần thì độ bền vững, co giãn của da càng kém đi, thậm chí là khó hồi phục. Chỉ trừ trường hợp chị em có cấu trúc da tốt thì lớp da này mới ít bị thay đổi.
Cùng với sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai cũng gây ảnh hưởng lớn đến làn da. Chính vì thế, những vết rạn, vết nhăn da, tích lũy mỡ bụng sau khi mang bầu, sinh con gần như là không tránh khỏi với chị em.
Về mức độ và vị trí da bị rạn nứt vô cùng đa dạng. Có người chỉ vài ba vết ở vùng bụng dưới, vùng đùi, nhưng có người từ trên rốn 10cm xuống dưới, nhất là vùng quanh rốn bị nhăn nhúm. Trường hợp mổ đẻ còn có thể để lại sẹo xấu…
Để khắc phục nhược điểm trên, ngoài hút mỡ thừa, cần phẫu thuật tạo hình thành bụng mới mang lại hiệu quả cao giúp chị em lấy lại eo thon…
Phẫu thuật tạo hình thành bụng là một phẫu thuật nhằm tái tạo lại tối đa những cấu trúc của thành bụng, trong đó chủ yếu là phần bụng dưới với mục đích cải thiện vòng 2. Kỹ thuật này đáp ứng nhu cầu cho trường hợp giãn da bụng nhiều sau sinh nở, nhất là bụng dưới. Trường hợp có sẵn sẹo mổ dọc dưới rốn là những trường hợp phẫu thuật mang lại hiệu quả cao nhất.
Với người có lớp da bị giãn khá nhiều, cùng với thành bụng dày mỡ, nhất là phần trên rốn có thể kết hợp phẫu thuật với kỹ thuật hút mỡ để cho hiệu quả cao hơn. Còn trường hợp chỉ thấy bụng nây đều, da ít giãn, bụng vuông đều thì hoàn toàn không nên phẫu thuật.
Phẫu thuật tạo hình thành bụng có khó không?
Trong thực tế có một hình thái phẫu thuật đơn thuần là cắt bỏ mảng da, mỡ thừa kích thước khoảng 10 x 25cm vùng dưới rốn rồi khâu lại, không chuyển dịch rốn. Phẫu thuật này can thiệp nhẹ nhàng, sẹo ít hơn nhưng hiệu quả cũng không cao. Nhưng đây chưa được gọi là phẫu thuật tạo hình thành bụng thực sự nhưng đôi khi có thể áp dụng.
Phẫu thuật tạo hình thành bụng có chuyển dịch rốn là một kỹ thuật khá phức tạp. Kỹ thuật này phải được thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê tủy sống. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường từ phía mào chậu bên này đi qua vùng mu sang tới bên kia. Đường rạch phải được tính toán sao cho nằm ở vị trí được che khuất được sẹo sau khi phẫu thuật. Mục đích của đường mổ này là để khi chị em đi bơi mặc bikini hoặc thời trang mặc quần trễ rốn không bị lộ sẹo.
Sau đó, theo lớp cân cơ của thành bụng, lớp da và mỡ thừa sẽ được bóc lên đến tận mũi ức, bờ sườn hai bên. Lỗ rốn nguyên thủy sẽ được cắt lại cùng với một phần tổ chức ở dưới để có mạch máu nuôi dưỡng. Tiếp theo bác sĩ sẽ dùng các loại chỉ chậm tiêu hoặc không tiêu để khâu thu cân cơ thành bụng, với mục đích làm cho eo nhỏ lại. Mức độ nhỏ lại nhiều hay ít phụ thuộc độ nhão của cân cơ. Cân cơ nhão thì khâu được nhiều hơn cân cơ chắc.
Bước tiếp theo cả vạt da mỡ sẽ được căng từ trên xuống, phần da mỡ thừa được cắt bỏ (đa phần là cắt từ ngang rốn trở xuống). Bác sĩ sẽ chích một lỗ thủng ở phần da lành, tương đương vị trí của rốn cũ để đưa rốn nguyên thủy ra rồi khâu lại, tạo thành lỗ rốn mới. Vết mổ ở dưới được khâu đóng lại, với những ống dẫn lưu dịch.
Thời gian phẫu thuật từ 2 – 4 giờ tùy tình trạng bụng to hay nhỏ, da thừa nhiều hay ít. Sau mổ, bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi vài ba ngày, tập vận động sau 3 – 5 ngày, cắt chỉ sau 10 ngày.
Ưu điểm và nhược điểm sau phẫu thuật tạo hình thành bụng
Nếu như được chỉ định đúng, kỹ thuật tiến hành tốt thì mang lại khá nhiều ưu điểm:
- Loại bỏ được hết lớp da thừa bùng nhùng, bèo nhèo dưới rốn. Thay vào đó là lớp da mịn màng.
- Loại bỏ được lớp mỡ dày tích lũy ở bụng và thu nhỏ vòng 2 khá nhiều.
- Làm biến mất sẹo dọc dưới rốn (với trường hợp trước phẫu thuật tạo hình thành bụng đã có sẵn sẹo).
Tuy nhiên, chị em cần phải đối diện các nhược điểm của phương pháp này như:
– Đây không phải loại phẫu thuật mà bác sĩ có thể hoàn toàn yên tâm thực hiện. Dù là bác sĩ phẫu thuật có tay nghề cao vẫn có thể gặp phải một số nguy cơ không mong muốn.
– Vấn đề khó chịu nhất vẫn là sẹo sau mổ. Bệnh nhân sẽ có hai đường sẹo, một đường sẹo ngang trên mu và một đường sẹo quanh rốn. Với đường sẹo ngang, trường hợp có cơ địa sẹo tốt thì đường sẹo có thể khá mờ, càng lâu sẹo càng mờ dần. Tuy nhiên cấu tạo của người châu Á đa phần là có sẹo lồi. Do đó sẹo để lại thường khá rõ, gồ lên trên mặt da, màu sắc thường sẫm hơn da xung quanh nên sẽ gây mất thẩm mỹ.
Nếu bác sĩ phẫu thuật khéo tay đưa đường sẹo thấp ở dưới nếp quần thì khả năng giấu sẹo sẽ tốt. Trường hợp đường sẹo cao trên nếp quần thì sẽ bị lộ sẹo xấu.
Tương tự như vậy với sẹo ở rốn. Trường hợp cơ địa sẹo tốt, phẫu thuật khéo thì rốn sẽ đẹp, nhưng cơ địa sẹo lồi cùng kỹ thuật kém thì sẹo quanh rốn gây mất thẩm mỹ. Thậm chí có trường hợp sẹo co rút làm rốn chỉ còn là một lỗ nhỏ sâu dễ gây viêm nhiễm do ứ đọng mồ hôi, chất bẩn…
Hiện nay kỹ thuật tạo rốn mà không cần rạch da để tránh đường khâu quanh rốn, tránh nguy cơ sẹo xấu đã được thực hiện ở một số bệnh viện.
– Phẫu thuật tạo hình thành bụng và hút mỡ không phải là giải pháp vĩnh viễn cho vòng eo thon gọn. Phương pháp này chỉ giúp giải quyết loại bỏ lượng da, mỡ thừa tại thời điểm đó. Nếu chị em tiếp tục có chế độ ăn uống vô tư và lười tập luyện thì vòng 2 sẽ vẫn tiếp tục tăng trong một thời gian không xa.
Mời độc giả xem thêm video:
Giảm béo cấp tốc: Nên tiêm giảm béo hay hút mỡ?