1. Giá trị dinh dưỡng của chanh dây
Chanh dây hay chanh leo có màu tím hoặc vàng là một loại trái cây dinh dưỡng tương đối phổ biến trên toàn cầu. Có rất nhiều lợi ích sức khỏe của chanh dây, vì nó chứa nhiều khoáng chất, vitamin, chất xơ và chất chống oxy hóa quan trọng.
Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam, quả chanh dây chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa… có lợi cho sức khỏe của bạn.
Tự hào với thành phần dinh dưỡng tuyệt vời, chanh dây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một trái chanh dây cung cấp gần 2g chất xơ, khoảng 5,4 mg vitamin C, chiếm gần 6-7% lượng tiêu thụ hàng ngày. Một quả chanh dây còn cung cấp gần 5mg magie, 229 IU vitamin A và 63 mg kali, gần tương đương với 2% lượng kali tiêu thụ hàng ngày và 1-2% giá trị vitamin A được khuyến nghị hàng ngày.
Chanh dây cũng chứa lần lượt là 0,29mg và 1,9g sắt và chất xơ. Loại trái cây nhiệt đới này còn có vitamin B6, phospho và niacin rất có lợi cho cơ thể. Trong chanh dây cũng có 17 calo, cần thiết để sản xuất năng lượng.
2. 8 lợi ích sức khỏe thú vị của chanh dây
Là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, chanh dây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là 8 lợi ích cơ bản của chanh dây, là lý do nên thêm loại trái cây này vào chế độ ăn uống của mình:
2.1 Chanh dây rất giàu chất dinh dưỡng
Nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, chanh dây chứa vitamin A và C chống oxy hóa. Nó cũng chứa niacin, phospho và vitamin B6, những chất cần thiết để duy trì cơ thể và tinh thần khỏe mạnh.
2.2 Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Một lợi ích lớn khác của chanh dây đó là nguồn giàu chất chống oxy hóa như beta carotene, cần thiết để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Chất chống oxy hóa trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, từ đó mang lại lợi ích to lớn. Ngoài việc giảm mức độ viêm, chất chống oxy hóa còn làm giảm căng thẳng tế bào và giảm căng thẳng oxy hóa.
2.3 Chất xơ trong chanh dây tốt cho sức khỏe
Không nhiều người biết rằng cùi của loại quả này cũng là một nguồn giàu chất xơ, rất tốt cho chế độ ăn uống. Chất xơ được biết đến với vai trò điều chỉnh hệ thống tiêu hóa cũng như đường ruột khỏe mạnh, là thành phần quan trọng trong mọi chế độ ăn kiêng. Không chỉ vậy, chế độ ăn đầy đủ chất xơ còn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm cả bệnh đái tháo đường và béo phì.
2.4 Chanh dây có giá trị GI thấp
Một trong những lợi ích chính của chanh dây là giá trị chỉ số đường huyết (GI) của nó khá thấp so với các loại trái cây khác như dưa và dứa. Yếu tố này làm cho loại quả này trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho bệnh nhân đái tháo đường vì nó không gây tăng đột ngột lượng đường trong máu.
2.5 Chanh dây giúp cải thiện độ nhạy cảm với insulin
Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng hạt chanh dây có thể giúp cải thiện độ nhạy cảm với insulin. Khi độ nhạy cảm với insulin giảm, lượng đường trong máu tăng cao dẫn đến nguy cơ đái tháo đường type 2. Chất xơ trong chanh dây giúp giảm nguy cơ mắc nhiều chứng rối loạn, bao gồm cả bệnh đái tháo đường.
2.6 Tăng cường cơ chế phòng vệ cho cơ thể
Chanh dây là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào nên nó giúp bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của các gốc tự do. Vitamin C còn được biết đến với việc giúp cơ thể hấp thụ lượng sắt bổ sung, ngoài ra còn tăng cường hệ thống miễn dịch, nhờ đó giúp cơ thể tránh khỏi nhiễm trùng.
2.7 Tốt cho tim mạch
Một lợi ích lớn khác của chanh dây là giàu kali và ít natri, rất có lợi cho tim mạch. Khi bạn ăn loại trái cây nhiệt đới này mà không bỏ hạt, nó cũng góp phần vào việc loại bỏ cholesterol dư thừa từ bên trong mạch máu, từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch. Chanh dây cũng giúp cải thiện huyết áp vì nó có hàm lượng natri thấp.
2.8 Chanh dây giúp bạn có làn da rạng rỡ
Chanh dây chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Vitamin A nổi tiếng góp phần thúc đẩy làn da khỏe mạnh bằng cách mở đường cho quá trình tái tạo tế bào, bên cạnh việc chống lại các gốc tự do gây hại cho da. Do đó, tiêu thụ chanh dây thường xuyên sẽ mang lại cho bạn một làn da rạng rỡ và trẻ trung.
3. Kết hợp chanh dây trong chế độ ăn uống của bạn
Chanh dây là sự bổ sung hoàn hảo cho chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Một cách để tiêu thụ chanh dây là ăn sống. Bạn chỉ cần bổ đôi quả chanh, ăn cả hạt và thịt. Vì loại quả này khá linh hoạt nên nó có thể được thêm vào cocktail hoặc đồ uống dưới dạng nước trái cây. Siro chanh dây cũng được sử dụng làm lớp phủ trong các món tráng miệng, như kem và bánh ngọt.
Có thể thêm chanh dây vào sữa chua và sinh tố hoặc chế biến thạch/mứt từ cùi hạt. Thậm chí, thêm loại trái cây này vào món salad để có kết cấu lạ miệng và hương vị ngọt ngào.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ăn quá nhiều chanh dây cũng gây ra một số tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc đầy bụng. Chanh dây có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Xem thêm video đang được quan tâm:
4 cách pha chế chanh đẩy lùi các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh.