1. Bệnh lậu lây nhiễm như thế nào?
Bệnh lậu lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh lây qua quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn và miệng họng. Ngoài ra, bệnh dễ lây truyền từ mẹ sang con khi sinh đẻ gây lậu mắt trẻ sơ sinh, các lây truyền khác không qua đường tình dục có thể gặp nhưng rất hiếm.
Ngoài ra, bệnh lậu cũng dễ lây lan trong các trường hợp sau:
- Chạm vào mắt nếu tay mang chất dịch bị nhiễm bệnh.
- Lây truyền giữa những phụ nữ có quan hệ tình dục với phụ nữ.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn sinh dục – tiết niệu, hậu môn, họng do lậu cầu (Neisseria gonorhoeae) là một song cầu Gram (-), chỉ có vật chủ là người. Bệnh thường lây trực tiếp khi tiếp xúc tình dục.
Vi khuẩn lậu thường phát triển ở những vùng ẩm ướt của cơ thể. Ảnh hưởng của bệnh lậu có thể thấy ở niệu đạo, ống dẫn trứng, cổ tử cung, tử cung, âm đạo, dương vật, trực tràng, mắt, cổ họng và khớp.
2. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh lậu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu không được điều trị, bệnh lậu có thể dẫn đến vô sinh, gây các biến chứng về sức khỏe sinh sản và tình dục khác. Nó cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Đối với nữ giới: Các biểu hiện bệnh lậu thường âm thầm, không rõ, dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm âm hộ, âm đạo như: đau rát khi đi tiểu, tăng tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Các biến chứng và di chứng ở phụ nữ như viêm vùng chậu, chửa ngoài tử cung và vô sinh.
Đối với nam giới: Các biểu hiện sớm nhất là: cảm giác khó chịu dọc niệu đạo kèm đái rắt, đái buốt, đái ra mủ, miệng sáo, quy đầu viêm đỏ, có mủ chảy ra tự nhiên hoặc chảy ra khi vuốt dọc từ gốc dương vật, sốt, mệt mỏi… Biến chứng ở nam giới là sưng bìu, hẹp niệu đạo và vô sinh.
WHO cũng nhấn mạnh rằng, tình trạng kháng kháng sinh đối với bệnh lậu là một vấn đề nghiêm trọng ngày càng gia tăng, khiến nhiều nhóm kháng sinh không còn hiệu quả và có nguy cơ không thể điều trị được.
Đối với trẻ sơ sinh: Lậu mắt ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện sau đẻ từ 1-3 ngày. Mắt sưng nề không mở được, có rất nhiều mủ từ mắt chảy ra, kết mạc giác mạc viêm đỏ và loét. Có thể bị nhiễm trùng một hoặc cả hai mắt, nếu không được điều trị dễ dẫn đến mù lòa.
Ở người lớn có biểu hiện viêm kết mạc, giác mạc có mủ, mắt sưng… Trong một số ít trường hợp, nhiễm khuẩn lậu cầu lan tỏa có thể xảy ra, biểu hiện bằng sốt và nhiễm trùng ở nhiều cơ quan trong cơ thể như da, tim, khớp, màng não.
3. Cần phát hiện sớm để điều trị
Theo BSCKI. Hoàng Hường, chuyên Khoa Sản phụ khoa, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh lậu là rất quan trọng để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh lậu thường không có triệu chứng rõ ràng, thậm chí không có biểu hiện trong giai đoạn đầu nhưng nếu có quan hệ tình dục không an toàn mà thấy bất kỳ một triệu chứng nào sớm nhất nghi ngờ mắc bệnh lậu, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc điều trị bệnh lậu đòi hỏi phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm. Cách tốt nhất để phòng ngừa lây nhiễm bệnh lậu là quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
Nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu tăng lên nếu có nhiều bạn tình. Vì vậy, chỉ quan hệ an toàn với một bạn tình khi cả hai không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục; tuyệt đối không quan hệ tình dục với người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh lậu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người phụ nữ bị virus tấn công vùng kín, suy sụp vì tưởng bệnh lậu .