Dự án Hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam xây dựng Luật Phòng bệnh, do Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) thực hiện (thông qua hợp đồng dịch vụ), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, với hai đối tác chính là Cục Quản lý Môi trường Y tế và Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế). Thời gian thực hiện từ 10/2022 đến 31/12/2024.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (PCBTN) được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, đã khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong việc thực thi Nhà nước pháp quyền trong PCBTN, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.
PGS.TS Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế phát biểu tại Hội thảo.
Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, mô hình bệnh tật thay đổi, quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách về phòng chống bệnh dịch cũng cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.
Một số quy định trong Luật PCBTN chưa đáp ứng hoặc chưa phù hợp yêu cầu thực tế của công tác PCBTN như phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, dinh dưỡng, rối loạn sức khỏe tâm thần, y tế trường học, vệ sinh trong cung cấp nước sạch; bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động; phòng chống tai nạn thương tích; đánh giá tác động sức khỏe… cùng các điều kiện bảo đảm cho các hoạt động này.
Từ những yêu cầu đó, việc xây dựng Luật Phòng bệnh để thay thế Luật PCBTN là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về lĩnh vực phòng bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân…
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong khuôn khổ Dự án TA-9950 REG: Hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam xây dựng Luật Phòng bệnh, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) đã hỗ trợ Cục Quản lý Môi trường y tế, Cục Y tế Dự phòng và các đơn vị liên quan về các nội dung chuyên môn theo Kế hoạch triển khai lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh, tập trung vào các nội dung:
– Hỗ trợ Cục Quản lý Môi trường Y tế rà soát các quy định pháp luật liên quan đến vệ sinh môi trường, các yếu tố nguy cơ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, qua đó phát hiện các bất cập, vướng mắc, chồng chéo, khoảng trống trong quy định hiện hành; khảo sát tình hình thực thi các văn bản pháp luật và chính sách hiện hành liên quan, tham vấn ý kiến của các đơn vị địa phương liên quan về các nội dung quy định chi tiết được đề xuất, thuộc lĩnh vực sức khỏe môi trường, đưa vào trong Dự thảo Luật Phòng bệnh.
– Hỗ trợ mở rộng cho các lĩnh vực do Cục Y tế Dự phòng làm đầu mối bao gồm: Hoàn thiện các Hồ sơ dự thảo Luật Phòng bệnh, các nội dung chính sách cụ thể liên quan đến phòng chống bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng, các điều kiện bảo đảm thực thi Luật và nhiều nội dung quan trọng khác…
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới sẽ tập trung rà soát kỹ hơn một số nội dung đang được Đảng, Nhà nước, cộng đồng quan tâm, nhưng chưa có trong các Luật hiện hành hoặc nằm rải rác như: Tai nạn thương tích, y tế trường học, vệ sinh cá nhân – vệ sinh môi trường, xã hội hóa công tác y tế dự phòng…
Dự thảo Luật Phòng bệnh hiện được xây dựng gồm 8 chương, 74 điều, trong đó:
Chương I: Những quy định chung (tương ứng với Chương I Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp…).
Chương II: Thông tin giáo dục, truyền thông về phòng bệnh (được thiết kế trên cơ sở thừa kế nội dung mục 1 Chương II Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với phạm vi rộng hơn liên quan đến phòng bệnh).
Chương III: Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Chương IV: Phòng chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Chương V: Dự phòng thương tích và các yếu tố nguy cơ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chương VI: Dinh dưỡng trong phòng bệnh.
Chương VII: Các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh.
Chương VIII: Điều khoản thi hành.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Nguyên nhân nào khiến bệnh trầm cảm gia tăng ở giới trẻ? | SKĐS