Phấn đấu giảm dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng giống nòi vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế

Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,4 triệu em bé ra đời, trong đó, khoảng 30% được tầm soát chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Tuy nhiên, điều không may là có khoảng 1,5 – 2% trẻ mắc phải các dị tật bẩm sinh (khoảng 22.000 – 28.000 trẻ).

Đáng lưu ý, mỗi năm có khoảng 1.400 -1.800 trẻ bị mắc bệnh Down, khoảng 250 – 250 trẻ mắc hội chứng Edwards, có 1.000 – 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 300 – 400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, đặc biệt có khoảng hơn 15.000 trẻ bị thiếu men G6PD, khoảng 8.000 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh…

Phấn đấu giảm dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng giống nòi vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Khám thai cho thai phụ người đồng bào dân tộc thiểu số tại Cao Bằng. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện chỉ có một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… có tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cao. Còn tại các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi việc này chưa thực sự được sản phụ quan tâm.

Nguyên nhân là do tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân chưa có thói quen đi khám thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Các thai phụ thường chỉ đến bệnh viện để sinh con, thậm chí có nơi thai phụ còn sinh con tại nhà.

Hơn nữa các thai phụ không có đầy đủ thông tin, không nhận thức được tầm quan trọng của việc khám sức khỏe thai kỳ và sàng lọc trước sinh các bệnh tật cho thai nhi. Vì lý do này mà thai phụ đã không được tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh về bệnh tật, do đó họ có thể sinh ra những đứa trẻ bị bệnh.

Ngoài ra, do phong tục tập quán, tín ngưỡng, nhiều phụ nữ cho rằng việc mang thai và sinh con là quá trình khỏe mạnh bình thường và tự nhiên, vì thế không cần tới gặp các nhân viên y tế để khám thai. Bên cạnh đó, điều kiện đi lại khó khăn cũng là một trong những rào cản để phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ khám thai và sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Việc không được chẩn đoán sớm một số bệnh đã khiến đứa trẻ sinh ra mất cơ hội được điều trị kịp thời (bệnh tim bẩm sinh, bệnh suy giáp…). Hơn nữa thai nhi bị bệnh có thể gây ra tình trạng nhiễm độc thai nghén, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ.

Theo nghiên cứu “Những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Viện nghiên cứu Phát triển Mekong và Trung tâm nghiên cứu của Trường Đại học Toronto (Canada) được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp với Bộ Y tế hỗ trợ đã chỉ ra rằng, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước sinh (khám thai ít nhất 4 lần) thấp hơn 58 điểm phần trăm so với tỷ lệ chung toàn quốc (16% so với 74%), ít quan tâm đến sàng lọc sơ sinh.

Theo các chuyên gia, trẻ mắc dị tật bẩm sinh không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là gánh nặng của ngành Y tế và toàn xã hội. Vì vậy, việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm các bệnh tật trước sinh và sơ sinh, làm giảm thiểu số trẻ sinh ra bị bệnh tật bẩm sinh và giảm số trẻ tử vong do các bệnh di truyền sẽ góp phần làm giảm chi phí xã hội, gánh nặng ngân sách y tế cho việc điều trị, từ đó giúp nâng cao chất lượng dân số.

Tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần sinh ra những đứa con khỏe mạnh

Để nâng cao chất lượng dân số trên cả nước nói chung và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể. Theo đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ: “Công tác dân số phải chú trọng toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số”, trong đó, đề ra mục tiêu đến năm 2030: “70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất”.

Trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng nhấn mạnh: Cần nhân rộng các mô hình có hiệu quả, tập trung đầu tư ở một số địa bàn trọng điểm, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, bao gồm giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chú trọng triển khai cung cấp dịch vụ phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi và trẻ em.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1999/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

Chương trình có mục tiêu chung nhằm phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Riêng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Cụ thể:

Tại Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em với mục tiêu là: Cải thiện sức khỏe người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngày Dân số Việt Nam năm 2024: Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinhNgày Dân số Việt Nam năm 2024: Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh

Năm 2023, dân số Việt Nam đạt trên 104 triệu người, trong đó có khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 16% dân số; dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *