1. Đau bụng kinh do nhiều nguyên nhân
Đau bụng kinh thường là những cơn đau nhói hoặc đau quặn ở bụng dưới. Nhiều phụ nữ bị đau bụng kinh ngay trước và trong thời kỳ kinh nguyệt. Đối với một số phụ nữ, cơn đau bụng chu kỳ kinh này chỉ gây khó chịu nhưng có những người nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong vài ngày mỗi tháng. Đau bụng kinh không phải do tình trạng bệnh lý gây ra có xu hướng giảm dần theo tuổi tác và thường cải thiện sau khi sinh.
Có 2 loại đau bụng kinh là đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.
Đau bụng kinh nguyên phát là cơn đau không xác định được nguyên nhân trong chu kỳ kinh nguyệt và đây là một trong những nguyên nhân gây đau vùng chậu phổ biến nhất ở phụ nữ. Điều này có thể xảy ra do nồng độ prostaglandin và leukotriene tăng lên, kèm theo tình trạng viêm, có thể gây co thắt cơ trơn tử cung và chuột rút.
Sinh lý bệnh của đau bụng kinh nguyên phát là kết quả của quá trình cyclooxygenase sản xuất ra prostaglandin. Hơn nữa, sự gia tăng prostaglandin có thể gây co bóp tử cung làm hạn chế lưu lượng máu và tăng sản xuất các chất chuyển hóa kỵ khí kích thích các thụ thể đau. Đau bụng kinh nguyên phát thường xảy ra khoảng 6 đến 12 tháng sau khi có kinh lần đầu, khi bắt đầu chu kỳ rụng trứng và xảy ra cùng với mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
Đau bụng kinh thứ phát là do một tình trạng bệnh lý có thể xác định được và nó chiếm khoảng 10% tổng số trường hợp mắc chứng rối loạn này. Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này là lạc nội mạc tử cung. Các nguyên nhân khác bao gồm các bất thường bẩm sinh hoặc mắc phải như u tuyến, u vùng chậu và nhiễm trùng.
Đau bụng kinh thứ phát có thể bắt đầu sau khi có kinh lần đầu hoặc muộn hơn. Tình trạng này đi kèm với các triệu chứng nhất quán hơn, chẳng hạn như đau vùng chậu ngày càng trầm trọng, chảy máu tử cung bất thường, tiết dịch âm đạo và đau khi giao hợp. Đau bụng kinh thứ phát nghiêm trọng hơn đau bụng kinh nguyên phát và có thể là dấu hiệu của vô sinh, đặc biệt là do lạc nội mạc tử cung. Các biến chứng khác bao gồm sa cơ quan vùng chậu, chảy máu nhiều và thiếu máu.
Theo ThS.BS Nguyễn Công Định, BV Phụ Sản Hà Nội, có một số cách giảm đau tự nhiên mà chị em có thể áp dụng nhằm giảm bớt cơn đau như giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là vùng bụng, có thể dùng nước ấm để chườm bụng dưới cho bớt đau; Tránh vận động mạnh; Thực hiện chế độ ăn, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, uống nhiều nước lọc… Ngoài ra, có thể sử dụng những loại thuốc chống viêm không có steroid, thuốc giảm đau hay thuốc tránh thai để hạn chế tình trạng mất máu và những cơn đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, trường hợp đau bụng kinh nghiêm trọng làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, các triệu chứng ngày càng tệ hơn, những cơn đau bụng kinh dữ dội cần đi khám càng sớm càng tốt.
2. Mối liên quan giữa trầm cảm và đau bụng kinh
Ngoài những cảm giác đau bụng dữ dội khi có kinh nguyệt, nhiều chị em còn gặp các triệu chứng trầm cảm như thay đổi tâm trạng và cáu kỉnh trong thời kỳ kinh nguyệt. Một nghiên cứu mới cho thấy thực sự có thể có mối liên hệ di truyền giữa đau bụng kinh và trầm cảm.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên Briefings in Bioinformatics, những phụ nữ bị mất ngủ do triệu chứng trầm cảm có thể có nhiều khả năng bị đau bụng kinh hơn.
Đối với nghiên cứu này, các tác giả đã kiểm tra dữ liệu di truyền của khoảng 600.000 người gốc Âu và 8.000 người từ Đông Á. Nhóm nghiên cứu đã xác định được một số gene dường như đóng vai trò trong cả chứng trầm cảm và đau bụng kinh.
Phân tích cho thấy những người bị trầm cảm có khả năng bị đau bụng kinh cao hơn 51%. Nghiên cứu cũng phát hiện, những người bị trầm cảm và mất ngủ, một triệu chứng phổ biến của rối loạn tâm trạng có khả năng bị đau bụng kinh cao gấp 3 lần so với những người không bị trầm cảm.
Tác giả nghiên cứu cao cấp John Moraros, Tiến sĩ, giáo sư và hiệu trưởng Trường Khoa học tại Đại học Xi’an Jiaotong – Liverpool ở Trung Quốc cho biết: Ở những người bị trầm cảm, những thay đổi về nồng độ hormone và chất dẫn truyền thần kinh có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý cơn đau. Điều này có thể khiến phụ nữ bị đau bụng kinh nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy nguy cơ mắc bệnh trầm cảm tăng cao ở những người bị đau bụng kinh dữ dội, còn gọi là thống kinh.
Một hạn chế của nghiên cứu này là các nhà nghiên cứu chỉ xem xét các mối liên hệ di truyền có thể có giữa chứng trầm cảm và đau bụng kinh, chứ không phải các yếu tố khác có thể đóng vai trò trong những trải nghiệm này, chẳng hạn như mức độ căng thẳng, thói quen tập thể dục hoặc các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Đây cũng không phải là một thí nghiệm có kiểm soát được thiết kế để chứng minh liệu chứng trầm cảm có thể trực tiếp gây ra chứng đau bụng kinh hay không hoặc chứng đau bụng kinh có thể trực tiếp gây ra chứng trầm cảm như thế nào.
Những phát hiện này cũng khác với một số nghiên cứu gần đây khác. Một phân tích dữ liệu gộp từ 10 nghiên cứu với khoảng 4.700 người tham gia cho thấy những người bị đau bụng kinh có khả năng mắc chứng trầm cảm cao hơn 72% so với những người không bị đau bụng kinh.
3. Làm thế nào để giảm đau bụng kinh khi bị trầm cảm?
Mặc dù vậy, theo tiến sĩ, phó giáo sư dược lý Omar Gammoh tại Đại học Yarmouk ở Irbid, Jordan, người không tham gia vào nghiên cứu mới này, những phát hiện mới cho thấy những người bị trầm cảm hoặc gặp vấn đề về giấc ngủ có thể giảm đau bụng kinh bằng cách thực hiện các bước cải thiện sức khỏe tinh thần và giấc ngủ.
Tiến sĩ Gammoh cho biết: Cải thiện chứng trầm cảm và giấc ngủ có thể giúp giảm cường độ đau bụng kinh ở phần lớn phụ nữ. Điều này có thể bao gồm một loạt các biện pháp can thiệp, chẳng hạn như liệu pháp trò chuyện, nhóm hỗ trợ đồng đẳng, thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Kinh nguyệt nhiều hay ít thì có hại?