1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh khí phế thũng
Khí phế thũng là một dạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xảy ra do giảm khả năng đàn hồi, thậm chí làm mất khả năng hồi phục thành của các tiểu phế quản và phế nang, gây ra những khó khăn về hô hấp, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người bệnh.
Người bệnh khí phế thũng nên tập thể dục thường xuyên, vừa sức. Loại bài tập tốt nhất cho người bệnh khí phế thũng phụ thuộc vào sức khỏe cũng như tình trạng bệnh của từng người. Người bệnh có thể tập kéo giãn, thể dục nhịp điệu, yoga, đi bộ nhanh, đi bộ chậm…
Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu tập vận động và nên tập vừa với sức mình, mọi sự cố gắng quá mức đều không tốt. Tập thể dục phù hợp, đều đặn sẽ giúp tăng cường sức khỏe, nhờ đó cơ bắp khỏe mạnh hơn, các cơ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn, giảm bớt cảm giác khó thở.
Ngoài ra, các hoạt động thể chất còn giúp tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống loãng xương, chống teo cơ cứng khớp, cải thiện sức bền, tăng cảm giác khỏe khoắn trong các hoạt động thường ngày… Hiệu quả của thể dục và vận động đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nói chung và bệnh khí phế thũng nói riêng đã được chứng minh và là một phần trong kế hoạch điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống ở người bệnh khí phế thũng.
2. Các bài tập thể dục tốt cho người bệnh khí phế thũng
2.1. Đi bộ
Đi bộ rất tốt cho người bệnh khí phế thũng. Nếu cảm thấy mệt trong khi đang đi bộ, người bệnh có thể tạm nghỉ ngắn rồi tiếp tục vận động. Nên đặt ra chỉ tiêu cho mỗi lần tập, lần sau cao hơn lần trước, ví dụ hôm nay đi bộ được 15 phút thì sẽ cố gắng đạt 20 phút ở những lần sau và cứ thế tăng dần. Điều này giúp người bệnh tăng dần khả năng vận động và có cảm giác sảng khoái khi hoàn thành mục tiêu.
Nếu chưa hoàn thành được bài tập, hãy tiếp tục kiên trì tập luyện vào thời gian mát mẻ buổi sáng hoặc buổi tối. Để đảm bảo an toàn, nên đi bộ ở khu vực ít xe cộ qua lại, không khí trong lành.
2.2. Tập thái cực quyền
Thái cực quyền đặc trưng bởi các chuyển động nhẹ nhàng, tốt cho tim, phổi và giúp săn chắc cơ bắp. Các động tác thái cực quyền cũng làm giảm căng thẳng và giúp người bệnh thư giãn, một lợi ích đặc biệt nếu bệnh khí phế thũng khiến bạn lo lắng.
Người bệnh nên thở chậm trong khi tập thể dục. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng gấp đôi thời gian hít vào. Nếu hơi thở của bạn nhanh hoặc nông, hãy dừng lại và nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể.
2.3. Bài tập cơ tay trước
Sử dụng chai nước hoặc tạ có trọng lượng phù hợp để tập cơ tay. Cách tập như sau: Giữ tạ (hoặc các dụng cụ có khối lượng tương tự khác) ở trước thân, khuỷu tay hơi duỗi, lòng bàn tay hướng về phía trước, hít vào. Co cơ tay nâng tạ về phía ngực của bạn, gấp khuỷu tay và thở ra từ từ.
Lặp lại liên tục hai bước của động tác, thực hiện tối đa hai hiệp, mỗi hiệp 10-15 lần sẽ giúp người bệnh khí phế thũng gia tăng sức khỏe, dễ dàng thực hiện hoạt động hàng ngày hơn.
2.4. Bài tập vai và tay trên
Giữ tạ dọc hai bên thân, hai lòng bàn tay hướng vào trong, hít vào; sau đó thở ra từ từ và nâng hai tay hướng về phía trước, lên cao ngang vai; hít vào từ từ và hạ tay về vị trí ban đầu.
Bài tập này giúp tăng sức mạnh và sức bền của phần vai và tay trên. Thực hiện bài tập 2 hiệp, mỗi hiệp 10-15 lần, bắt đầu bằng mức tạ nhẹ và gia tăng trọng lượng mỗi 2 đến 3 tuần để kích thích cơ bắp phát triển ở người bệnh khí phế thũng.
2.5. Bài tập chân
Đứng cách ghế 15-30cm với hai bàn chân rộng bằng hông, hai tay bám vào thành ghế. Hít vào, kiễng gót chân lên, giữ trong khi đếm đến 6; thở ra, hạ gót chân xuống đất. Thực hiện 10-15 lần lặp lại, khi khỏe hơn, hãy thực hiện từng chân một.
2.6. Bài tập cho cơ hoành
Động tác này tăng cường sức mạnh cho cơ hô hấp quan trọng nhất đó là cơ hoành. Người bệnh nằm ngửa trên sàn, gấp đầu gối vuông góc hoặc ngồi thẳng lưng, hai chân xếp bằng ở tư thế thoải mái nhất (một tay đặt trên ngực và một tay đặt trên bụng).
Từ từ hít vào bằng mũi sao cho bụng phình lên, có thể cảm thấy bàn tay di chuyển lên; thở ra với đôi môi mím lại và siết chặt bụng (cảm nhận bàn tay trên bụng hạ thấp xuống). Thực hiện trong 5-10 phút, 3-4 lần mỗi ngày.
Lưu ý, tay đặt trên ngực không di chuyển.
3. Người bệnh khí phế thũng cần lưu ý những gì?
Để đảm bảo tập luyện đúng cách, người bệnh cần tự theo dõi sức khỏe của mình, điều chỉnh cường độ tập sao cho phù hợp, không nên tập gắng sức, nếu mệt cần nghỉ ngơi rồi tập tiếp.
Khi gặp các triệu chứng ho, khó thở bất thường thì nên ngừng tập thể dục và tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, cần tuân thủ điều trị, bỏ thuốc lá, tránh khói bụi để bảo vệ phổi…