Dự án Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023 đã kết thúc và đã đóng góp to lớn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, đảm bảo tính bền vững liên tục trong việc huy động các nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS.
Với sự đánh giá cao của nhà tài trợ đối với Dự án Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023 và trước nhu cầu cấp thiết của công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho Dự án giai đoạn 2024-2026. Đây là một thành công rất lớn với sự nỗ lực của Việt Nam trong việc kêu gọi tài trợ vốn ODA, cũng như khẳng định uy tín, việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài trợ tại Việt Nam.
Một số khó khăn khi triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV
Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV cho biết, hiện dịch HIV/AIDS vẫn âm thầm tiến triển với các hình thái mới. Số nhiễm mới hàng năm vẫn còn cao và có xu hướng tăng, chủ yếu được phát hiện trong nhóm tuổi trẻ. Có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi từ 15 – 29 tuổi.
Nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ chiếm tới xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện; vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khỏe cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV còn sống.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV.
Về triển khai Dự án, PGS.TS Phan Thị Thu Hương chia sẻ, vẫn còn một số bất cập về cơ chế thực hiện, góp phần vào việc chậm tổ chức triển khai dự án. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí tài trợ cho giai đoạn mới không tăng và còn có nguy cơ bị cắt giảm do khả năng giải ngân thấp (hiện mới đạt gần 20%) và vẫn còn khoảng 26 tỉnh/TP có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, cá biệt TP. Hồ Chí Minh 0%….
Thời gian chuyển tiếp Dự án giai đoạn cũ và mới cũng chưa được trơn tru do các quy định thay đổi, dẫn đến các nguồn lực nhất là hàng hóa, vật tư, thuốc, sinh phẩm khi điều phối, chuyển giao, phân bổ, hạch toán, quản lý có vướng mắc nhất định.
Báo cáo của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV cho biết, đến hết quý 3/2024, các chỉ tiêu, chỉ số đã giữ và đạt được gần tương đương với cùng kỳ năm trước: Tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV đến cuối kỳ báo cáo 99.39%; tỷ lệ người lớn (15 tuổi trở lên) nhiễm HIV được điều trị ARV đến cuối kỳ báo cáo 99.46%; tỷ lệ trẻ (dưới 15 tuổi) nhiễm HIV được điều trị ARV đến cuối kỳ báo cáo 94.93%… Một số chỉ số đạt hơn 100% kế hoạch như: Tỷ lệ NCMT được tiếp cận với dịch vụ can thiệp dự phòng đạt 120%, số MSM được nhận dịch vụ PrEP ít nhất một lần trong kỳ báo cáo đạt 107.60%.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu còn thấp và chưa có số liệu tính toán, như xét nghiệm trong các trại giam, trại tạm giam mới đạt gần 50%, tỷ lệ tiếp cận các gói can thiệp dự phòng nhóm nghiện chích ma túy đạt 53%, nhóm MSM đạt dưới 50%. Xét nghiệm tải lượng virus và xét nghiệm CD4 còn khó khăn do phải mua sắm sinh phẩm, dịch vụ; vẫn còn 9 tỉnh chưa đạt 50% chỉ tiêu điều trị PrEP, trong đó chủ yếu rơi vào 6 tỉnh mới tham gia dự án. Số bệnh nhân điều trị ARV người lớn và trẻ em chủ yếu vấn thuộc nguồn Dự án bao phủ.
Giải pháp nào để thực hiện tốt Dự án trong giai đoạn tiếp theo
Giai đoạn 2024-2026, Dự án quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV được triển khai tại 39 tỉnh/thành phố. Để tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ này, PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho biết:
– Tiếp tục nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách, tháo gỡ và vận dụng để tránh chính sách/cơ chế là rào cản không thể thực hiện được hoạt động. Việc này đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm của các CDC, bệnh viện bệnh nhiệt đới tỉnh/thành phố, sở y tế và hệ thống dự phòng các cấp hiểu và cảm thông, chung tay gánh vác trách nhiệm, chia sẻ rủi ro.
– Đảm bảo các dịch vụ phải thông suốt từ lĩnh vực dự phòng, giám sát – xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS, PrEP, viêm gan C; đảm bảo các yếu tố sẵn có, sẵn sàng tiếp cận được, hiệu quả cao, chi phí rẻ.
– Tiếp tục vận dụng các mô hình, các kinh nghiệm hay của Việt Nam, của dự án các giai đoạn trước, các mô hình do các tổ chức chuyển giao để giảm bớt thời gian mò mẫm, để đi tắt đón đầu trong việc thực hiện các hoạt động.
– Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong các trại giam/trại tạm giam/ trại giáo dưỡng, đảm bảo tính nhân văn của Y tế Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với VUSTA để phát huy thế mạnh của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và làm rõ các cơ chế phối hợp, cùng chịu trách nhiệm khi thực hiện…
Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục là đầu mối điều phối các nguồn lực hiệu quả, tránh trùng lắp đầu tư giữa các nguồn lực, mở rộng diện bao phủ, đầu tư để tránh thiệt thòi đối với một số vùng, địa phương ít nhận được các dự án, đầu tư… Bên cạnh đó, Dự án tiếp tục tham mưu, đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ mới trong giai đoạn mới để tiếp tục thành công trong việc thực hiện nguồn tài trợ mọt cách hiệu quả.
Tại hội thảo các đại biểu đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc và bàn giải pháp để thực hiện tốt Dự án trong giai đoạn tiếp theo.