Vì sao tóc bết vào mùa đông?
Khi thời tiết lạnh, độ ẩm trong không khí thấp sẽ khiến cho mái tóc khô. Khi tóc khô, da đầu sẽ tăng tiết dầu để cân bằng độ ẩm cho tóc. Quá trình này khiến tóc vẫn bị khô mà da đầu lại thừa dầu, do đó tóc bết nhiều hơn.
Khi tắm gội, chúng ta thường có nhu cầu sử dụng nước nóng vào mùa đông, nhưng dùng nước nóng để gội đầu sẽ khiến da và tóc khô, làm kích thích da đầu tiết nhiều dầu hơn. Hơn nữa, do cảm thấy mái tóc khô xơ, nên đa số chị em lạm dụng dầu xả, với mong muốn giúp mái tóc mềm mượt. Những việc làm này đều mang lại hiệu quả ngược, khiến mái tóc nhanh bết dầu hơn.
Thói quen xõa tóc vào mùa đông và không đội mũ, nón bảo vệ tóc sẽ khiến tóc tiếp xúc nhiều hơn với môi trường khói bụi. Khi lượng dầu tiết da nhiều, tóc lại khô… sẽ khiến tóc dễ bị bám bụi bẩn, khiến mái tóc càng nhanh bị bết, ngứa ngáy, khó chịu.
Cách khắc phục tóc bết
– Bổ sung nước: Mặc dù mùa đông cơ thể không tiết ra mồ hôi như lúc trời nóng, nhưng do không khí hanh khô, nên cơ thể vẫn bị mất nước qua da. Do đó nhu cầu về nước của cơ thể trong mùa đông cũng không kém vào mùa hè. Trên thực tế, khi thời tiết lạnh chúng ta thường hay bị quên bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể, do không cảm thấy khát hoặc do ngại uống nước, nên cơ thể dễ bị thiếu nước dẫn đến da và tóc khô xơ.
Để tránh tóc khô, cần bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể. Để không bị quên uống nước, luôn để sẵn chai nước ngay trên bàn làm việc, tạo thói quen uống 1 ly nước ấm ngay sau khi thức dậy vào mỗi buổi sáng.
– Chế độ ăn: Chế độ ăn cũng góp phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng mái tóc. Ngoài các thực phẩm giàu protein như thịt bò, gà, lợn, cá… cần tăng cường các loại rau, củ, quả để bổ sung vitamin và khoáng chất.
Đừng vì thời tiết lạnh mà bỏ qua việc ăn trái cây cũng như các loại rau, đặc biệt là rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, rau bina… là những loại rau phổ biến trong mùa đông rất có lợi cho sức khỏe.
– Chỉ gội đầu với nước ấm: Không gội đầu với nước nóng vì như trên đã phân tích, cũng không gội đầu với nước lạnh, vì nguy cơ bị cảm lạnh, chỉ nên gội đầu với nước ấm, nhiệt độ nước vừa phải là cao hơn cơ thể 2-3 độ C; không nên gội đầu quá nhiều lần, số lần gội đầu phù hợp nên là 2-3 lần/tuần; không nên lạm dụng, sử dụng quá nhiều dầu xả và để dầu xả tiếp xúc trực tiếp với da đầu sẽ khiến tóc nhanh bết hơn.
– Sử dụng dầu gội phù hợp: Dầu gội là một sản phẩm mà chúng ta sử dụng nhiều nhất trên da đầu. Dầu gội đầu tác động không nhỏ tới sức khỏe cũng như vẻ đẹp của mái tóc, do đó cần lựa chọn loại dầu gội thích hợp với da đầu, tình trạng tóc, kiểu tóc…
Ví dụ, với type da khô vào mùa đông da đầu sẽ khô hơn, không nên sử dụng dầu gội đầu có chứa silicone hoặc sunfate, sẽ khiến da đầu khô hơn, tóc dễ bị gàu bết hơn. Đối với mái tóc có tạo kiểu, cần chọn loại dầu dành cho tóc có sử dụng hóa chất, phục hồi tổn thương tóc.
– Không chải tóc quá nhiều: Dù tóc dễ bị khô, cảm giác bị rối, nhưng cũng không nên chải tóc quá nhiều. Mỗi lần chải tóc sẽ kích thích da dầu tiết nhiều dầu hơn. Mỗi ngày chỉ nên chải tóc 2 lần bằng lược thưa. Không chải đầu khi tóc ướt để tránh gây tổn thương tóc. Luôn vệ sinh lược để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa của tóc bám trên lược.
– Không vuốt tóc quá nhiều: Ngoài việc hạn chế chải đầu, bạn cũng nên từ bỏ thói quen đưa tay lên vuốt tóc. Bàn tay là nơi dễ bị bẩn nhất, không phải lúc nào cũng tiện để rửa sạch. Do đó khi thường xuyên đưa tay lên vuốt tóc, vô tình khiến cho tóc cũng nhiễm bẩn, dễ bị bết hơn.
– Tránh sử dụng nhiệt độ cao lên tóc: Sau khi gội đầu xong, nên dùng khăn bông sạch, mềm để thấm, lau tóc cho khô bớt, sau đó mới dùng máy sấy có nhiệt độ ấm, tốc độ gió vừa phải để sấy tóc; nên sấy tóc khô khoảng 70% để tránh tóc bị khô, kích thích da tiết nhiều dầu hơn.
Đa số chị em cũng sẽ thường xuyên đi làm tóc vào mùa đông. Trong quá trình làm tóc cũng thường xuyên phải sử dụng nhiệt cao để tạo nếp cho tóc như uốn xoăn, duỗi thẳng, dập phồng… Cùng với hóa chất cho tóc và nhiệt độ cao sẽ càng gây hại khiến tóc khô xơ, da đầu nhiều gàu và tiết nhiều dầu hơn. Do đó để tránh tình trạng này, cần hạn chế sử dụng nhiệt độ cao lên mái tóc.
Mời độc giả xem thêm video:
Rụng tóc khi nào cần đi khám?| SKĐS