Chăm sóc sức khỏe trước khi có thai
Để bà mẹ cũng như thai nhi có sức khỏe tốt, bà mẹ cần chăm sóc sức khỏe trước khi có thai bao gồm về dinh dưỡng, vitaminh, tiêm phòng… Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho phụ nữ trước khi có thai.Thực hiện chế độ ăn hợp lý, đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm, mỡ, đường, vitamin và muối khoáng) nhằm đạt chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường từ 18,5-24 hoặc có cân nặng ít nhất là trên 40 kg.
Uống bổ sung viên sắt và acid folic 400 mcg hàng ngày ít nhất trong 3 tháng trước khi có thai và viên đa vi chất để đề phòng chống thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vi chất. Sử dụng muối iôt, bột canh iôt hàng ngày; Tẩy giun; Tiêm vaccin phòng uốn ván cho phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi. Nên tiêm phòng cúm, rubella cho phụ nữ trước khi có thai ít nhất 3 tháng.
Thực hiện chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc với các chất độc hại, kể cả thuốc kháng sinh mạnh và các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Khám nội khoa định kỳ hàng năm và điều trị các bệnh huyết áp, tim mạch và các bệnh mãn tính (như đái tháo đường và một số bệnh khác), phát hiện các yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con khỏe mạnh.
Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng và điều trị thích hợp các bệnh phụ khoa, viêm nhiễm đường sinh sản và LTQĐTD. Trang bị kiến thức làm mẹ và chăm sóc con cho thai phụ.
Khi người phụ nữ muốn có thai có thể hướng dẫn xác định thời gian có khả năng thụ thai cao nhất theo chu kỳ kinh nguyệt, lập đồ thị biểu diễn nhiệt độ cơ thể, chú ý đến tiết chất nhầy âm đạo. Người chồng nên mặc những quần áo rộng rãi không bị chật và nóng để tinh hoàn sản xuất tinh trùng bình thường.
Quản lý thai nghén
Khi có thai việc khám thai vô cùng quan trọng, mặc dù những việc này luôn được thực hiện với mục đích tốt nhất, nhưng người mẹ có thể quên rằng bên cạnh việc khám bệnh chăm sóc sức khoẻ cho thai nhi, họ cũng phải lưu tâm đúng mức đến sức khoẻ bản thân. Cả hai việc này đều quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cách chăm sóc sức khoẻ tốt nhất trong thai kỳ là phải chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho cả mẹ và con.
Sức khỏe trong thời gian mang thai phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn chuẩn bị trước đó. Người phụ nữ trước khi có thai 1- 2 năm nên được tư vấn trước khi có thai và việc thăm khám trước khi có thai sẽ giúp phát hiện những nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thai kỳ. Qua tư vấn, người phụ nữ sẽ quyết định có mang thai hay không và thời điểm có thai thích hợp.
Giáo dục sức khỏe và tư vấn trước khi có thai nhằm thay đổi hành vi, khuyến khích thúc đẩy những việc cần làm cho phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ để chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi mang thai.
Quản lý thai là thai phụ được khám thai và cung cấp thông tin đầy đủ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ như chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai, vai trò của Vitamin và khoáng chất đối với sự hình thành và phát triển của thai cũng như sự thay đổi của cơ thể người mẹ khi mang thai, sự thay đổi về cơ thể khi mang thai, các bệnh nội khoa có thể phát sinh khi có thai, quan hệ tình dục khi có thai và các bệnh lây qua đường tình dục có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Quản lý thai, khám thai thường xuyên còn phát hiện kịp thời những bất thường ở thai nhi từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, khám thai còn dự kiến ngày sinh, tiên lượng cuộc sinh để thai phụ có kế hoạch chủ động khi chuyển dạ sinh đẻ.
Quản lý và khám thai để tư vấn trước khi có thai người phụ nữ muốn có thai dưới sự trợ giúp của các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm xác định:
Các yếu tố di truyền do đột biến nhiễm sắc thể hoặc đột biến đơn gen, di truyền đa yếu tố có thể gây sẩy thai, thai chết lưu và các dị tật bẩm sinh, đặc biệt ở các cặp vợ chồng lớn tuổi hoặc quá trẻ tuổi,béo phì, những người tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại, nhiễm chất độc da cam, sử dụng dược phẩm (các thuốc an thần, chống co giật, chống sốt rét…), mẹ bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng…
Không tương hợp miễn dịch giữa mẹ và con: yếu tố Rh, nhóm máu ABO… Nếu có vấn đề bất thường thì chuyển đến cơ sở chuyên khoa
Khuyến khích chủ động đi khám sức khỏe cả vợ và chồng để phát hiện các bệnh mạn tính tiềm ẩn nhằm điều trị bệnh kịp thời (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu, thalassemia(thể bệnh α-thal và β-thal.), đái tháo đường, viêm gan, viêm thận, lao, động kinh, rối loạn tâm thần, bất thường về cấu trúc hoặc chức năng cơ quan sinh dục….).
Tư vấn những yếu tố nguy cơ đặc biệt liên quan tới các tai biến sản khoa có nguy cơ tái phát (sẩy thai liên tiếp, thai lưu, đẻ non, băng huyết, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ…), nhiễm cúm và rubella, về việc sử dụng thuốc trong quá khứ, thói quen hàng ngày, nghề nghiệp, môi trường sống và làm việc, bệnh của người thân trong gia đình ( huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch…), các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD), đặc biệt nhiễm chlamydia, toxoplasma, lậu, giang mai, herpes sinh dục, Cytomegalovirus (CMV), HPV, HIV, viêm gan B…..
Dinh dưỡng đặc thù trong thời kỳ mang thai
Tuyên truyền dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất cho sức khỏe người phụ nữ và sự phát triển của bào thai. Những phụ nữ thiếu dinh dưỡng có nguy cơ đẻ con nhẹ cân và người mẹ sẽ không an toàn trong khi mang thai và trong khi đẻ.
Vận động uống bổ sung sắt và acid folic dự phòng thiếu máu. Dùng acid folic trước khi có thai ít nhất 3 tháng có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ống thần kinh của thai nhi. Tuyên truyền sử dụng muối iod trong các bữa ăn hàng ngày.
Giải thích cho phụ nữ trước khi có thai hiểu được việc cần thiết tẩy giun từ 6 tháng đến 1 năm 1 lần và thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay xà phòng), vệ sinh môi trường nhằm giảm khả năng tái nhiễm giun trở lại.
Vận động không uống rượu, không hút/nghiện thuốc lá, thuốc lào (kể cả tiếp xúc với khói thuốc lá), các chất gây nghiện khác ảnh hưởng đến thai, những chất này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới…
Khi có dấu hiệu chuyển dạ thai phụ cần đến cơ sở y tế để sinh, khi đó bác sỹ sẽ thăm khám để tiên lượng cuộc đẻ như thế nào và có kế hoạch phù hợp. Nếu sinh thường sẽ thực hiện các hỗ trợ đỡ đẻ, cắt khâu tầng sinh môn, chăm sóc sơ sinh, nếu cần can thiệp sẽ áp dụng các biện pháp y tế để can thiệp nhằm cuộc đẻ được an toàn.
Trong những trường hợp nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các phương tiện kỹ thuật thì sản phụ có thể có nguy cơ: Băng huyết khi đẻ từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể tử vong cả mẹ và con. Chuyển dạ kéo dài dẫn đến suy thai và tử vong thai nhi. Vỡ tử cung dẫn đến chảy máu, sốc vì đau, vì mất máu và có thể tử vong mẹ và thai.
Nhiễm khuẩn do không đảm bảo vô khuẩn dấn đến nhiễm trùng, nhiễm khuẩn mẹ, con từ nhẹ đến nặng là nhiễm trùng máu toàn thân và ccos thể gây tử vong mẹ và con. Nguy cơ Sản giật có thể gây tử vong mẹ và con. Uốn ván rỗn sơ sinh do không có phương tiện hoặc dụng cụ không đảm bảo từ đó có thể dẫn đến uốn ván rốn sơ sinh và có thể dẫn đến tử vong sơ sinh.
Tất cả những điều này đều có thể phòng tránh được nếu như thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.
Xem thêm video đang đươccj quan tâm:
4 dược liệu ‘lấy độc trị độc’ được Bộ Y tế đưa vào danh mục dược liệu độc làm thuốc | SKĐS