Khi Trung tâm Cấp cứu 115 đến hiện trường, ghi nhận bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở, và tiến hành cấp cứu ngưng tuần hoàn, đặt nội khí quản, bóp bóng liên tục 20 đến 25 phút rồi chuyển đến Cấp Cứu tại BV Đà Nẵng.
Tại phòng Cấp cứu, BV Đà Nẵng ghi nhận bệnh nhân chưa có tuần hoàn trở lại, người bệnh được tiếp tục cấp cứu, ép tim, bóp bóng qua nội khí quản, đồng thời bác sĩ trực liên hệ Khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ) tiến hành khởi động quy trình báo động đỏ cấp cứu ngừng tuần hoàn ECMO (chạy tim phổi nhân tạo). Bệnh nhân được chuyển vào Khoa hồi sức tích cực, nơi một ê kíp gồm các bác sĩ từ khoa hồi sức tích cực – chống độc, khoa ngoại tim mạch và đơn vị phòng mổ thuộc khoa gây mê hồi sức đã sẵn sàng kết nối V-A ECMO (ECMO tĩnh mạch – động mạch) trong vòng 10-15 phút.
Theo BSCKII Bùi Văn Dung, Trưởng ê kip thực hiện ECMO cho bệnh nhân: Với sự quyết liệt khởi động nhanh quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn ECMO và chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện thời gian ngừng tim từ hiện trường đến thực hiện được kỹ thuật ECMO của bệnh nhân trong vòng 60 phút.
Tại Khoa HSTCCĐ bệnh nhân có biểu hiện tình trạng rất nặng: suy tuần hoàn cấp, suy hô hấp cấp, tổn thương thiếu oxy não sau ngừng tuần hoàn, hiện tượng thoát dịch ra khỏi lòng mạch nặng, tổn thương đa cơ quan.
Sau hơn 100 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân phục hồi tuần hoàn bệnh nhân cai được VA ECMO và tiếp tục được điều trị nội khoa tích cực.
10 ngày sau điều trị, bệnh nhân cải thiện hô hấp cai thở máy và được rút nội khí quản.
Theo BSCKII Hà Sơn Bình, Trưởng khoa HSTCCĐ, BV Đà Nẵng, đây là ca bệnh rất nặng, tưởng chừng như hết hy vọng ở giai đoạn 24 giờ đầu tiên, nhưng với sự quyết tâm, các bác sĩ đã dùng tất cả biện pháp hiện đại nhất của chuyên ngành HSTCCĐ, “chạy đua” với biến chứng của bệnh nhân từng giờ, từng phút, người bệnh được hồi sinh ngoạn mục từ cõi chết và sau 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt các chức năng và bệnh nhân được ra viện.