Rụng tóc sinh lý
Rụng tóc sinh lý là tình trạng rụng tóc theo chu kỳ. Thời gian tóc mọc ở nữ thường kéo dài hơn ở nam. Chu kỳ sinh trưởng của tóc, gồm:
- Giai đoạn 1 (anagen): Mầm tóc mọc dài lên, gọi là giai đoạn tăng trưởng.
- Giai đoạn 2 (catagen): Giai đoạn tóc sinh trưởng và chuyển đổi.
- Giai đoạn 3 (telogen): Là giai đoạn tóc nghỉ, thoái hóa, yếu dần và rụng đi.
Tổng cả 3 giai đoạn này, một sợi tóc sẽ có tuổi thọ từ 2 – 6 năm. Tóc của nữ giới sẽ sống lâu hơn tóc của nam giới.
Tại một thời điểm, có 85-95% sợi tóc đang ở giai đoạn mọc; 1-2% ở giai đoạn ngưng và 5-10% sợi tóc ở giai đoạn nghỉ, chờ rụng. Trung bình, mỗi ngày tóc có thể rụng từ 50-100 sợi hoặc có thể nhiều hơn. Khi sợi tóc này rụng đi thì sẽ có sợi tóc mới mọc thay thế, đây là hiện tượng tự nhiên và là phần không thể tránh khỏi trong chu kỳ sống của tóc. Hai quá trình này diễn ra song song nên mái tóc luôn có độ dày ổn định.
Dấu hiệu nhận biết rụng tóc sinh lý:
- Tóc rụng đều khắp da đầu, không gây ra các mảng hói rõ rệt.
- Số lượng tóc rụng mỗi ngày không quá nhiều.
- Tóc mới mọc lại nhanh, khỏe mạnh, không bị mỏng hoặc yếu.
- Không có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc ngứa da đầu.
Rụng tóc sinh lý không đáng lo ngại, không cần điều trị.
Rụng tóc bệnh lý
Khi cảm thấy số lượng tóc rụng nhiều bất thường, cần xem xét và nghi ngờ xem có rơi vào các trường hợp rụng tóc bệnh lý sau hay không. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rụng tóc bệnh lý là sự tổn thương của tế bào mầm tóc. Bất cứ điều gì tác động tiêu cực đến tế bào mầm tóc dẫn đến tóc suy yếu, dễ rụng, tóc mọc chậm, yếu ớt, không mọc… đều có thể nghĩ tới đó là rụng tóc bệnh lý.
Các yếu tố này có thể bao gồm:
- Di truyền
- Mắc bệnh tự miễn
- Stress
- Sử dụng hóa chất làm đẹp tóc
- Thiếu chất dinh dưỡng
- Thói quen giật tóc
- Nhiễm nấm, vi khuẩn…
Hiện tượng rụng tóc bệnh lý thường kéo dài liên tục trong thời gian dài. Dấu hiệu dễ nhận biết là mỗi khi gội đầu hoặc chải đầu, khi ngủ dậy thì tóc rụng từng nhúm một hoặc khi đưa tay vuốt tóc thấy tóc rụng nhiều, vướng vào các kẽ tay.
Tóc rụng nhưng không mọc lại, mái tóc thưa dần, sợi tóc yếu, xuất hiện mảng tóc thưa. Số lượng tóc con mọc lên ít, nhưng rất yếu và mảnh, có khi xoăn tít. Tóc rụng tập trung thành từng mảng, sau một thời gian, da đầu bị lộ ở vị trí tóc rụng.
Ngoài ra, hiện tượng tóc rụng có thể kèm theo da dầu bị bong tróc, ngứa ngáy. Đây có thể là tình trạng rụng tóc do nấm da đầu nên cũng cần đi khám chuyên khoa da liễu ngay để ngăn rụng tóc hiệu quả.
Do đó, để ngăn ngừa bệnh rụng tóc, cần biết nguyên nhân để tìm ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy tế bào mầm tóc phát triển bằng các dưỡng chất chuyên biệt riêng cho nam và cho nữ. Điều trị rụng tóc càng sớm càng tốt. Một số nguyên nhân gây rụng tóc bệnh lý có thể điều trị được và tóc sẽ mọc trở lại bình thường. Ví dụ như:
– Do thiếu chất: Cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng có lợi cho tóc.
– Do thay đổi hormone: Dùng các phương pháp để cân bằng hormone trở lại bằng chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi. Một số trường hợp có thể phải dùng thuốc.
– Do nhiễm nấm, vi khuẩn: Khi điều trị khỏi tình trạng nhiễm bệnh, tóc sẽ mọc trở lại mạnh khỏe bình thường.
– Nếu do thói quen giật tóc hoặc bị stress, cần thay đổi lối sống và từ bỏ thói quen để bản thân thoát khỏi thói quen xấu.
– Hạn chế sử dụng hóa chất cho tóc, lựa chọn dầu gội đầu phù hợp với tình trạng của tóc, có thể sử dụng dầu gội thảo dược kích thích mọc tóc.
– Các trường hợp mắc bệnh tự miễn hoặc rụng tóc di truyền thì điều trị khá phức tạp, cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Mời độc giả xem thêm video:
Khắc phục nỗi ám ảnh rụng tóc ở phụ nữ | SKĐS