Tầm quan trọng của dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời

80% trọng lượng não bộ hình thành trong 2 năm đầu đời

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An), “1000 ngày đầu đời” của trẻ được tính từ khi người mẹ thụ thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng, được gọi là “1000 ngày vàng”.

BS.CKI. Phạm Thị Hoàng Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng CDC Nghệ An cho biết: “Ngay từ tên gọi, chúng ta đã thấy rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời. Nếu trong giai đoạn ‘1000 ngày vàng’ này, trẻ được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách, trẻ sẽ có sức đề kháng tốt hơn và phát huy tối đa tiềm năng về thể chất lẫn trí tuệ trong tương lai.”

Tầm quan trọng của dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời- Ảnh 1.

Dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành.

Dinh dưỡng đúng cách trong 1000 ngày đầu đời có thể giảm tới 20% nguy cơ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, đồng thời giúp trẻ phát triển trí thông minh vượt trội, học hành tốt hơn và sau này có thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Ngược lại, nếu chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này không hợp lý, sức đề kháng của trẻ sẽ yếu đi.

Dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ được chia thành ba giai đoạn quan trọng. Giai đoạn thứ nhất từ khi người mẹ mang thai cho đến khi sinh em bé. Giai đoạn thứ hai từ khi em bé chào đời đến khi được 6 tháng tuổi và giai đoạn thứ ba từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi. Mỗi giai đoạn sẽ có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Trong giai đoạn thứ nhất, chế độ dinh dưỡng của mẹ phụ thuộc vào thể chất, cơ địa và sức đề kháng của người mẹ. Mỗi bà mẹ sẽ có những khuyến cáo tăng cân phù hợp. Khuyến cáo chung là mẹ nên duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với lao động và nghỉ ngơi hợp lý để bảo vệ sức khỏe bản thân và đảm bảo sự phát triển tối ưu cho thai nhi. Ngoài ra, bà mẹ cũng nên bổ sung sắt, viên đa vi chất và canxi để phòng ngừa thiếu sắt, thiếu canxi và loãng xương.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời- Ảnh 2.

Dinh dưỡng tốt trong 1000 ngày đầu để phòng thấp còi, béo phì cho trẻ khi trưởng thành.

Trong giai đoạn thứ 2, các bà mẹ được khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, vì không có bất kỳ thức ăn hay loại sữa thay thế nào có thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất như sữa mẹ.

Đến giai đoạn thứ 3, khi trẻ đã bắt đầu bước vào độ tuổi 6 tháng, dinh dưỡng từ sữa mẹ không còn đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của bé. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục cho bé bú mẹ, nên bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung các thực phẩm phù hợp.

Cũng theo BS. Liên, mặc dù các bậc phụ huynh ngày nay có nhiều điều kiện hơn để chăm sóc trẻ, nhưng việc chăm sóc và bồi bổ trẻ một cách quá mức lại có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Trong giai đoạn trẻ ăn dặm (từ 6 tháng đến 24 tháng), nếu trẻ được chăm sóc quá mức với chế độ dinh dưỡng giàu chất béo và năng lượng, trẻ có thể bị thừa cân, béo phì, và trong tương lai sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

1000 ngày đầu đời quyết định tương lai trẻ

Theo BS.CKI. Phạm Thị Hoàng Liên, để giúp trẻ phát triển chiều cao tốt nhất trong giai đoạn này, cha mẹ cần chú trọng đến việc chăm sóc dinh dưỡng một cách khoa học.

Điều quan trọng là tạo điều kiện cho thai nhi phát triển khỏe mạnh ngay từ trong bụng mẹ. Để làm được điều này, bà mẹ mang thai cần có ý thức chăm sóc bản thân, bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ và sinh hoạt khoa học.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời- Ảnh 3.

Trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách trong 1000 ngày đầu đời sẽ mất cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ.

Cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời là điều kiện quan trọng giúp trẻ phát triển tốt. Sữa mẹ từ những người mẹ khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Ngoài chế độ dinh dưỡng, bà mẹ cũng cần được gia đình hỗ trợ để đảm bảo giấc ngủ đủ, nghỉ ngơi hợp lý và duy trì tinh thần thoải mái, điều này sẽ giúp mẹ có đủ sữa cho con bú.

Sau 6 tháng, khi bắt đầu cho bé ăn dặm, cha mẹ cần chú ý đến cả số lượng và chất lượng thức ăn. Bé nên được cho ăn dặm từ lúc tròn 6 tháng tuổi. Bữa ăn dặm của trẻ cần đảm bảo đầy đủ các nhóm dưỡng chất, như tinh bột bắt đầu từ bột hoặc cháo loãng, dần dần đặc lên (gạo, khoai tây…), đạm động vật như trứng, thịt, tôm, cua, cá…chất béo bổ sung dầu mỡ từ 2,5ml mỗi bữa khi mới bắt đầu ăn dặm, tăng lên 5ml sau vài tuần, và 10ml khi bé gần 1 tuổi. Bên cạnh đó, bé vẫn cần tiếp tục bú mẹ và uống đủ nước để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng toàn diện.

Tạo một môi trường sống tự nhiên, đầy đủ ánh sáng và không gian rộng rãi cho trẻ vui chơi và vận động là điều kiện quan trọng để kích thích sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, cần chú ý phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh đường hô hấp và tiêu hóa, vì đây là nguyên nhân chính gây cản trở sự phát triển chiều cao của trẻ. Những trẻ mắc các bệnh này thường biếng ăn, phải sử dụng nhiều kháng sinh, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của sụn xương.

Để trẻ phát triển tâm thần kinh tốt, cần đảm bảo tinh thần của trẻ ổn định, phấn chấn và có giấc ngủ sâu, giúp cơ thể tiết kiệm năng lượng. Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý cho trẻ đi ngủ sớm, trước 10 giờ tối, và duy trì giờ ngủ đều đặn, tránh tình trạng giờ giấc ngủ thất thường.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần thường xuyên cân đo cho trẻ mỗi tháng để phát hiện kịp thời nếu trẻ có dấu hiệu chậm lớn. Nếu bỏ qua giai đoạn 1000 ngày vàng đầu đời, trẻ sẽ bị thiệt thòi trong quá trình phát triển, đặc biệt là chiều cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần thực hiện đầy đủ những điều trên để giúp trẻ phát triển tối ưu trong giai đoạn quan trọng này.

Hoàng Trinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *