‘Chúng tôi không mong dân phải mua thuốc ngoài để được BHYT thanh toán’
Phát biểu tại hội thảo phổ biến Thông tư mới quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong các cơ sở y tế trong thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Thông tư 22 ban hành giải quyết các khó khăn vướng mắc cho người bệnh và các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo kết quả khảo sát từ hơn 600 bệnh viện, khoảng 30% thuốc hiếm mà bệnh viện đang thiếu không nằm trong danh mục thuốc hiếm được BHYT chi trả. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề mà Thông tư 22 chưa bao quát hết.
Đặt vấn đề về việc người bệnh có thể phải trả phần chênh lệch nếu mua thuốc ở ngoài, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), khẳng định: Thông tư này chỉ để giải quyết tình huống, trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế, cho nên không ai mong muốn phải áp dụng, nhưng phải ban hành để có cơ sở pháp lý xử trí khi xảy ra các tình huống này nhằm phần nào đó đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
“Đây chỉ là bước gỡ, là giải pháp tình thế trong giai đoạn ngắn. Thông tư 22 được ban hành trong bối cảnh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được trình Quốc hội. Khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có những cơ chế, chính sách thuận lợi hơn nữa, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo đó, Bộ Y tế đang đề xuất thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan BHXH thì cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan BHXH, để giảm thủ tục cho người bệnh”- bà Trang nói.
Vụ trưởng Vụ BHYT nhấn mạnh, khi kê đơn cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, người hành nghề khám chữa bệnh cần tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh hiểu về quy định thanh toán trực tiếp để họ có thể mua được thuốc, vật tư và được thanh toán với cơ quan BHXH sau đó theo quy định.
Đối với đề xuất mở rộng phạm vi thanh toán đối với các thuốc, vật tư, bà Trang cho biết đang tổng hợp để nghiên cứu thêm.
Mức thanh toán chi phí trực tiếp như thế nào?
Về mức thanh toán chi phí trực tiếp, theo hướng dẫn của Thông tư 22, cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo quy định như sau:
Đối với thuốc: Căn cứ để tính mức thanh toán là số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược. Trường hợp thuốc có quy định về tỷ lệ, điều kiện thanh toán thì thực hiện theo tỷ lệ, điều kiện thanh toán;
Đối với thiết bị y tế (bao gồm thiết bị y tế sử dụng nhiều lần): Căn cứ để tính mức thanh toán là số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở mua bán thiết bị y tế. Trường hợp thiết bị y tế có quy định mức thanh toán không vượt quá mức thanh toán theo quy định đối với thiết bị y tế đó.
Đơn giá thuốc, thiết bị y tế làm căn cứ để xác định mức thanh toán không được vượt quá đơn giá thanh toán tại thời điểm gần nhất đối với trường hợp thuốc, thiết bị y tế đã trúng thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đã khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp thuốc, thiết bị y tế chưa trúng thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đã khám bệnh, chữa bệnh, đơn giá làm căn cứ để xác định mức thanh toán BHYT là kết quả lựa chọn nhà thầu còn hiệu lực theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Kết quả mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc kết quả đàm phán giá; Kết quả mua sắm tập trung cấp địa phương trên địa bàn; Và kết quả lựa chọn nhà thầu thấp nhất tại thời điểm thanh toán của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập cấp chuyên sâu, cấp cơ bản hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn;
- Kết quả lựa chọn nhà thầu thấp nhất tại thời điểm thanh toán của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập cấp chuyên sâu, cấp cơ bản hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn TP Hà Nội, TPHCM.
Hồ sơ, thủ tục thanh toán trực tiếp gồm các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: Thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh; hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Thủ tục thanh toán trực tiếp: Người bệnh hoặc thân nhân (hoặc người đại diện hợp pháp) trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú. Cơ quan BHXH cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của người bệnh và lập giấy biên nhận hồ sơ. Những hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn bổ sung đầy đủ.
Để được thanh toán BHYT, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hợp lệ làm căn cứ thanh toán. Cơ quan BHXH có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí đã mua trong vòng 40 ngày. Trường hợp không thanh toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trường hợp người bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để khám và điều trị trước ngày thông tư này có hiệu lực nhưng kết thúc điều trị sau ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Thông tư này.