1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh viêm họng
Viêm họng gây ra các triệu chứng đau rát họng, khó nuốt khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Tập luyện không giúp chữa khỏi viêm họng, nhưng duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng cũng có thể giúp cơ thể nhanh hồi phục, tăng cường sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh.
Không những thế, thực hiện các bài tập thể dục chậm rãi, tập trung vào hơi thở sẽ giúp người ốm mệt cảm thấy nhẹ nhàng, thư giãn hơn. Cần lưu ý rằng, người bệnh chỉ nên tập thể dục khi các triệu chứng bệnh không quá nghiêm trọng. Tránh tập thể dục khi đang sốt, ho nhiều, tức ngực, khó thở…
Tùy vào thể trạng của mỗi người, có thể lựa chọn các hình thức vận động khác nhau như đạp xe với tốc độ vừa phải, tập khí công, yoga, đi dạo…
2. Những bài tập tốt cho người bệnh viêm họng
Trong trường hợp người bệnh viêm họng nhẹ với các triệu chứng như ho khan, đau đầu nhẹ, đau họng… thì vẫn có thể tập thể dục. Dưới đây là một số bài tập an toàn cho người bệnh viêm họng, tuy nhiên cần lưu ý nên giảm cường độ tập luyện.
2.1. Đi xe đạp
Đi xe đạp là bài tập vừa phải và an toàn nếu bị ốm nhẹ. Bạn nên tránh nơi đông đúc, ô nhiễm để giảm nguy cơ kích thích đường hô hấp, gây ho, khó thở, làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện có.
2.2. Khí công
Trong y học Trung Quốc, khí công giúp chữa lành và điều hòa cơ thể, tâm trí và tinh thần. Khí công giúp cải thiện lưu lượng máu, tăng năng lượng, giảm lo lắng và căng thẳng, giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Do đó, nếu bạn bị ốm nhẹ có thể tập khí công để tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhanh khỏi bệnh.
2.3. Đi dạo
Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng khả năng miễn dịch, giúp giảm các triệu chứng của viêm họng. Tuy nhiên, nên tránh các bài tập cường độ cao, chỉ nên vận động nhẹ nhàng. Việc vận động nhẹ nhàng như đi dạo cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh, giúp cơ thể thoải mái hơn.
2.4. Yoga
Các bài tập yoga có thể giảm viêm và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, việc kéo giãn nhẹ nhàng trong các bài tập yoga giúp giảm đau nhức liên quan đến cảm lạnh, viêm họng và viêm xoang.
– Tư thế em bé:
Cách thực hiện: Quỳ xuống và đưa các ngón chân cái lại gần với nhau. Ngồi trên gót chân và tách hai đầu gối rộng bằng hông. Thở ra và gập người về phía trước để đầu chạm đất. Hai tay thả lỏng và đưa về phía trước, trên đầu.
– Tư thế cây cầu:
Cách thực hiện: Nằm ngửa trên sàn, co đầu gối sao cho lòng bàn chân chạm đất. Siết chặt cơ mông và cơ bụng, sau đó nâng hông lên cao sao cho tạo thành đường thẳng từ đầu gối đến vai. Hít sâu, giữ tư thế trong 20 – 30 giây rồi hạ người để trở về vị trí ban đầu.
– Tư thế con bò:
Cách thực hiện: Chống người bằng hai tay và đầu gối, căn chỉnh sao cho cổ tay nằm bên dưới vai và đầu gối nằm bên dưới hông, cột sống là một đường thẳng nối vai với hông. Nhón các ngón chân, đẩy mông lên cao, lưng võng xuống hết mức có thể, mở ngực. Đầu ngẩng cao hướng lên trần nhà mà không di chuyển cổ.
– Tư thế con mèo:
Cách thực hiện: Tiếp tục từ tư thế con mèo, áp các ngón chân xuống sàn, đồng thời đẩy xương chậu về phía trước. Cong lưng hướng lên trên sàn hết mức có thể, siết hông. Đầu cúi xuống, ánh mắt hướng về phía rốn. Thở ra, đưa cột sống trở lại tư thế trung tính.
– Tư thế lạc đà:
Cách thực hiện: Ngồi thẳng người trên gót chân trên thảm, hông thẳng hàng với đầu gối. Nghiêng mình qua phải, dùng tay phải chạm hoặc nắm vào lòng bàn chân phải, sau đó thực hiện tương tự với bên trái, rồi ngửa đầu ra sau, thở ra. Đổ dồn lực vào cánh tay, đồng thời rướn người về phía trước sao cho bắp đùi vuông góc với sàn 1 góc 90 độ. Giữ tư thế 10 – 20 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
3. Những lưu ý khi tập luyện
Thời điểm tập tốt trong ngày
Để tăng cường sức khỏe, người bệnh viêm họng nên vận động nhẹ nhàng vào buổi sáng. Tùy theo thời tiết nóng hay lạnh mà bạn có thể lựa chọn khung giờ sao cho phù hợp. Ví dụ, trong mùa đông, thời tiết buổi sáng sớm thường rất lạnh, bạn có thể tập trong khung giờ từ 9-10 giờ sáng.
Việc tập luyện vào buổi sáng giúp cơ thể sản sinh ra các hormon endorphin, có tác dụng giúp tinh thần sảng khoái, giảm mệt mỏi. Không nên tập quá gần giờ đi ngủ vì có thể gây ra khó ngủ.
Không tập khi viêm họng đi kèm với sốt, ho có đờm hoặc tức ngực
Tránh tập thể dục khi viêm họng đi kèm với sốt, ho có đờm hoặc tức ngực. Nên ngừng tập thể dục và nghỉ ngơi hoàn toàn nếu việc tập thể dục làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Sau khi khỏi ốm, cần từ từ quay trở lại chế độ tập thể dục hàng ngày. Không nên tập luyện cường độ mạnh, thời gian dài… để tránh chấn thương.
Cách tập thể dục không gây hại sức khỏe
– Luôn khởi động hoặc giãn cơ trước và sau khi tập: Để hạn chế chấn thương và làm ấm cơ thể, cần đảm bảo khởi động kỹ trước khi tập luyện. Sau khi kết thúc bài tập, bạn nên dành thời gian giãn cơ, hạ nhiệt, tránh bị căng cơ.
– Giảm cường độ tập luyện: Việc giảm cường độ tập luyện giúp bạn tránh mệt mỏi vì cơ thể đã sử dụng rất nhiều năng lượng để chống lại tác nhân gây bệnh. Nếu bạn đang chạy bộ, khi bị ốm chỉ nên đi bộ nhanh.
– Tránh tập các bài tập cường độ cao: Những bài tập như tập cardio, nâng tạ nặng, nhảy dây… sẽ làm tăng nhịp tim, gây ảnh hưởng đến nhịp thở và có thể khiến bạn cảm thấy khó thở khi đang bị viêm họng.
– Uống đủ nước: Nên uống 2-2,5 lít nước/ngày hoặc hơn nếu cần thiết, nhất là khi bạn tập luyện trong thời gian bị ốm.
– Lắng nghe cơ thể mình: Trong quá trình tập luyện, bạn nên lắng nghe cơ thể mình và chỉ nên tập thể dục khi các triệu chứng không trầm trọng và lưu ý không tập quá sức.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
6 Cách giảm viêm họng tại nhà cực hiệu quả mà không cần dùng thuốc | SKĐS