Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ báo cáo rằng trái cây tốt cho người mắc bệnh đái tháo đường, miễn là người đó không bị dị ứng với loại trái cây đó. Nên tiêu thụ từ 2 đến 4 phần trái cây mỗi ngày. Điều cần thiết là phải phân phối những khẩu phần này trong ngày để ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến.
Trên thực tế, các nghiên cứu như một nghiên cứu từ năm 2017 đã phát hiện ra rằng ăn nhiều trái cây hơn có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Tuy nhiên, có một số điều cần cân nhắc khi lựa chọn những loại trái cây tốt nhất. Trái cây tươi và trái cây đông lạnh không thêm đường cũng như trái cây đóng hộp đều có thể là những lựa chọn tốt. Điều quan trọng là phải đọc nhãn dinh dưỡng và chọn những lựa chọn có ít đường bổ sung nhất. Trái cây có chứa carbohydrate nên cần được tính vào kế hoạch bữa ăn.
1. Trái cây và mối liên quan với chỉ số đường huyết
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, một cách để xác định lượng carbohydrate trong thực phẩm là kiểm tra giá trị của chúng dựa trên chỉ số đường huyết (GI).
GI (chỉ số đường huyết) là điểm đánh giá thực phẩm theo thang điểm từ 1 đến 100. Điểm số cho biết thực phẩm có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh như thế nào. Nhìn chung, cơ thể hấp thụ thực phẩm có GI cao nhanh hơn thực phẩm có GI trung bình hoặc thấp.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, trái cây là lựa chọn tốt cho những người theo dõi chỉ số GI trong chế độ ăn uống. Hầu hết các loại trái cây thực sự có điểm GI thấp vì chúng chứa đường fructose và nhiều chất xơ. Một số ít có giá trị GI trung bình, chẳng hạn như dứa, dưa.
Ngoài ra, việc ăn các loại thực phẩm khác nhau cùng nhau sẽ làm thay đổi ý nghĩa của điểm GI. Ví dụ, kết hợp một quả táo với phô mai hoặc bơ đậu phộng – cả hai đều là nguồn cung cấp chất béo và protein tốt – sẽ làm giảm chỉ số GI của quả táo.
2. Loại trái cây tốt nhất cho người mắc bệnh đái tháo đường
Chọn trái cây có giá trị chỉ số đường huyết thấp hơn có thể giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Các loại trái cây tươi được khuyên dùng bao gồm: quả mọng (việt quất, dâu tây), quả táo, anh đào, bưởi, cam, lê, ổi, chanh dây…
Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh đã kết luận việc tiêu thụ các loại trái cây như táo, quả việt quất và nho có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.
3. Người bệnh đái tháo đường cần hạn chế trái cây nào?
Người mắc bệnh đái tháo đường nói chung không nên tránh trái cây vì đây là một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng. Mặc dù vậy, vẫn cần hạn chế một số loại trái cây có chỉ số GI cao và chú ý đến thời điểm ăn trái cây để không làm lượng đường trong máu tăng cao.
Một số loại trái cây được coi là “tệ” nhất với người đái tháo đường:
Những loại trái cây tệ nhất đối với người mắc bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát là những loại có nhiều đường nhưng lại ít chất xơ. Chúng bao gồm nho, chuối, xoài, trái cây sấy khô như nho khô và mơ. Các loại trái cây sấy khô thường giàu chất xơ, lượng đường cao. Do đó, người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn rất ít, ví dụ khoảng 2 thìa nho khô chứa 15g carbs. Lựa chọn trái cây nguyên quả thay vì nước ép trái cây thường là lựa chọn tốt hơn cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Mặc dù, những người mắc bệnh đái tháo đường có thể ăn đa dạng loại trái cây nhưng cần phù hợp với “ngân sách” carbohydrate trong chế độ ăn hàng ngày và không bị dị ứng với trái cây.
Trái cây chứa vitamin, khoáng chất và chất xơ cũng như carbs. Điều này làm cho trái cây trở thành sự thay thế tuyệt vời cho các món ăn nhẹ đã qua chế biến như bánh quy, khoai tây chiên và bánh nướng xốp vốn mang lại ít giá trị dinh dưỡng. Do đó, nên tập trung vào việc hạn chế ăn đồ ăn nhẹ đã qua chế biến hơn là cắt bỏ trái cây. Chọn nhiều loại trái cây khác nhau để hấp thụ các chất dinh dưỡng phù hợp.
Hạn chế lượng nước ép trái cây 100% trong thực đơn vì nó ít chất xơ có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh hơn. Khẩu phần được khuyến nghị cho nước ép trái cây 100%, khoảng 1/3 đến 1/2 cốc (80 – 120 ml).
Tốt nhất, người bệnh đái tháo đường nên đi khám định kỳ, hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về kế hoạch ăn uống của mình. Trái cây được coi là lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường nhưng cần có lựa chọn phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh nhân đái tháo đường có cần kiêng hoa quả ngọt?