1. Biến chứng của HIV ở người cao tuổi
Sự kết hợp giữa nhiễm HIV và lão hóa làm tăng nguy cơ mắc:
- Bệnh tim
- Bệnh phổi (chủ yếu là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, COPD)
- Ung thư
- Bệnh gan, thận
- Loãng xương
- Rối loạn tâm thần như trầm cảm…
Những rối loạn liên quan đến tuổi tác này xuất hiện sớm hơn ở những người sống chung với HIV.
2. Biện pháp kiểm soát biến chứng HIV liên quan đến lão hóa
– Đừng bỏ qua các triệu chứng: Nhiều người lớn tuổi bỏ qua các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, sụt cân và nhiễm trùng thường xuyên… cho rằng đó là dấu hiệu của lão hóa.
Việc bỏ qua những triệu chứng này có thể gây hại. Người lớn tuổi thường ở giai đoạn cuối của nhiễm HIV khi được chẩn đoán. Hãy trao đổi với bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe.
Với những tiến bộ trong điều trị HIV, những người sống chung với HIV có cuộc sống lâu dài hơn.
– Bắt đầu điều trị sớm: Nhiễm HIV có liên quan đến sự xuất hiện sớm của một số rối loạn liên quan đến tuổi tác, bao gồm tiểu đường, ung thư, các bệnh về gan, thận, tim và phổi. Điều trị ART (liệu pháp kháng virus) sớm đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các biến chứng này của HIV.
Những người không bị nhiễm HIV có khả năng mắc một hoặc nhiều chứng bệnh này ở độ tuổi trung bình là 47. Ngược lại, những người sống chung với HIV có khả năng mắc một trong những chứng bệnh này sớm hơn. Điều trị ART sớm có thể thay đổi tình trạng này.
– Hãy điều trị thường xuyên: Liệu pháp ART làm giảm lượng virus trong máu, đôi khi xuống mức không thể phát hiện được. Điều trị ART hiệu quả giúp đảo ngược tổn thương hệ thống miễn dịch, kiểm soát tốt các biến chứng của HIV. ART không phải là thuốc chữa khỏi bệnh, nên cần phải dùng suốt đời.
ART cũng làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình không nhiễm HIV. Điều trị nhiễm HIV đúng cách là cách hiệu quả nhất để kiểm soát các biến chứng.
– Tránh nhiễm trùng cơ hội: Nhiễm trùng cơ hội lợi dụng khả năng miễn dịch suy giảm tấn công cơ thể. Chúng thường xuyên và nghiêm trọng hơn nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu do nhiễm HIV. Để tránh những bệnh nhiễm trùng này cần:
- Tránh thức ăn chưa nấu chín, thức ăn sống.
- Tránh xa nguồn nước không an toàn
- Không dùng chung kim tiêm, ống tiêm
- Phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Thực hiện theo bất kỳ lời khuyên cụ thể nào từ bác sĩ của bạn…
– Tuân thủ kế hoạch tập luyện: Tập thể dục có lợi với người nhiễm HIV theo nhiều cách như cải thiện sức mạnh và thể lực tổng thể, tăng cường sức khỏe xương, tim mạch, hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng, ngăn ngừa trầm cảm…
– Bỏ thuốc lá: Những người nhiễm HIV hút thuốc có nguy cơ cao hơn bị ung thư phổi và các loại ung thư khác, viêm phổi, bệnh tim, nhiễm trùng nấm và phản ứng kém với ART.
Tương tác thuốc là vấn đề cần quan tâm khi điều trị HIV ở người cao tuổi.
– Có lối sống lành mạnh: Nhiễm HIV làm tăng tốc độ lão hóa và suy yếu cơ thể. Duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp lão hóa một cách khỏe mạnh. Do đó, người nhiễm HIV nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng khỏe mạnh, đảm bảo giấc ngủ đủ và thư giãn, hạn chế sử dụng rượu…
– Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Những người sống chung với HIV thường dễ bị trầm cảm. HIV và một số bệnh nhiễm trùng cơ hội cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên khoa khi cần thiết.
– Tránh tương tác thuốc có hại: Khi già đi, bạn có thể cần dùng nhiều loại thuốc hơn để điều trị các bệnh mạn tính. Các loại thuốc thường dùng như thuốc điều trị béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và cholesterol cao… Những loại thuốc này có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang dùng để điều trị HIV, gây ra những tác dụng không mong muốn.
Do đó, cần thông báo cho bác sĩ điều trị HIV về các loại thuốc mà bạn đang dùng để có thể phòng ngừa và tránh tối đa các tương tác thuốc bất lợi này.