Khoảng 1 tuần trở lại đây, tại nhiều địa phương giá quả cau tươi tăng kỷ lục. Giá cau thương lái đang thu mua tại tỉnh Nam Định đạt mức giá kỷ lục 90.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay.
Ở tỉnh Đắk Lắk, trừ các trường hợp đặc biệt thì giá sầu riêng chưa bao giờ đạt được mức phổ biến 85.000 đồng/kg như giá cau tươi hiện nay. Chính vì lẽ đó, nhiều nhà vườn ở Đắk Lắk nói vui “Quên giá sầu riêng đi, giá cau tươi mới là nhất”.
Người dân vui mừng vì cau được mùa, được giá. Ảnh: Tin tức Việt Nam.
Quả câu và lá trầu là thứ không thể thiếu trong các ngày lễ tết, ngày tuần, và đặc biệt quả cau, lá trầu là thứ đầu tiên, không thể thiếu trong các lễ ăn hỏi cưới xin của người Việt. Quả cau còn gắn liền với tập tục ăn trầu.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong dân gian quả cau còn có nhiều công dụng chữa bệnh, tẩy giun, sán…
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, GS.TS. Phùng Hòa Bình – Nguyên Trưởng bộ môn Dược cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội cho hay, tên khoa học của quả cau là Areca catechu L.. Trong y học dân gian, quả cau có rất nhiều công dụng.
“Vỏ ngoài cùng có màu xanh và trắng của quả cau có công dụng giúp lợi tiểu. chữa bệnh phù thũng (phù nề); hạt cau có công dụng tẩy giun, sán trong cơ thể”, GS.TS. Phùng Hòa Bình cho hay.
GS.TS. Phùng Hòa Bình cũng cho biết thêm, để sử dụng cau là thuốc chữa các bệnh nói trên người ta thường sẽ phơi khô và tán nhỏ, sau đó sử dụng 1 lượng thích hợp.
“Hạt cau có chứa chất độc arecolin nên cần phải thận trong khi sử dụng. Nhiều người ăn trầu mà bị “say”, chính là do chất độc arecolin có trong hạt cau gây nên. Arecolin làm tê liệt giun, sán, đặc biệt là sán, nếu sử dụng liều nhỏ thì không ảnh hưởng đến cơ thể, nhưng sử dụng nhiều sẽ gây ngộ độc cho con người. Chính vì vậy, khi sử dụng hạt cau, cần có chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc, người dân tuyệt đối không nên tự ý sử dụng”, GS.TS. Phùng Hòa Bình nói.
Quả cau có nhiều công dụng chữa bệnh. Ảnh: T.Lộc.
Cũng theo GS.TS. Phùng Hòa Bình, ngoài quả cau thì rễ cau cũng có tác dụng chữa bệnh. Rễ cau thường được dùng là thuốc cường dương, sinh tinh. Để sử dụng, người dân cũng cần được sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Ngoài quả cau và rễ cau, BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 3) còn cho biết, hoa cau có tác dụng bổ tim, gan, dạ dày, trị ho, thanh nhiệt, thông khí, tán ứ trệ khí ở dạ dày… Trong hoa cau có vitamin A, vitamin C và có nhiều chất xơ. Người dân có thể lấy 0,5 lạng hoa cau hầm với thịt lợn để ăn và điều trị các tình trạng kể trên.
Trong dân gian, hoa cau còn được dùng làm bài thuốc bổ dạ dày, bổ tỳ. Người dân có thể lấy 4 lạng hoa cau, 2,5 lạng sườn, muối đủ dùng để nấu ăn và bồi bổ cơ thể. Cách chế biến như sau: Hoa cau cắt đoạn nhỏ, bỏ cuống, ngâm rửa sạch với nước muối, vớt ra để ráo. Cho sườn và hoa cau nấu chín cùng nhau và thưởng thức.
Ngoài ra, hoa cau hầm cùng thịt lợn khi ăn cũng có thể giúp giảm đau tức ngực, tê đau khớp.