Tác dụng của thân cây mơ lông
Theo các nghiên cứu y học hiện đại trong toàn cây mơ lông có chứa các chất như ginsenoside, alkaloid, oleanolic acid, dịch chiết của cây này khi tiêm vào khoang bụng chuột có tác dụng giảm đau rõ rệt, so với morphin thì tác dụng giảm đau đến chậm hơn nhưng kéo dài hơn.
Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống co giật, an thần, gây tê cục bộ, giảm áp suất và giải độc chất hữu cơ phosphate ở động vật. Cây cũng có tác dụng kháng khuẩn và kháng virus nhất định.
Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh được thân cây mơ lông có hiệu quả tốt trong điều trị các trường hợp viêm tủy xương mạn tính, ho gà, đau răng, chấn thương, nhọt, viêm mô tế bào, sa trực tràng ở trẻ em, viêm gan, vàng da…
Đây cũng là một vị thuốc được mô tả trong nhiều thư tịch Đông y. Theo Đông y, thân cây mơ lông được gọi với tên mao kê thì đằng, sau khi rửa sạch, phần thân cây được cắt thành đoạn, dùng tươi hoặc phơi khô.
Đây là loại thuốc có vị ngọt, đắng, tính hơi lạnh, quy vào kinh Tỳ, Vị, Can, Phế. Thân cây mơ lông có tác dụng trừ phong lợi thấp, tiêu thực hóa tích, chỉ khái, chỉ thống.
Cây mơ lông thường dùng để trị đau nhức xương khớp do phong thấp, chấn thương bầm dập, đau do chấn thương bên ngoài, đau quặn gan mật, dạ dày, viêm gan do vàng da, viêm ruột, kiết lỵ, tiêu hóa kém, trẻ em suy dinh dưỡng, ho ra máu do lao phổi, viêm phế quản, giảm bạch cầu do phản ứng phóng xạ, ngộ độc thuốc trừ sâu.
Ngoài ra, cây mơ lông còn được dùng ngoài để trị viêm da, chàm, mụn nhọt sưng tấy, có thể sắc uống với liều dùng 15 – 60g/ngày, hoặc dùng ngoài giã đắp hay sắc nước rửa.
Cây mơ lông có nhiều tác dụng với sức khỏe.
Ứng dụng chữa bệnh của thân cây mơ lông
Lá cây mơ lông điều trị các bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa
Lá cây mơ lông được ví như loại “kháng sinh tự nhiên” giúp giảm viêm dạ dày. Mơ lông giúp tiêu hóa thức ăn tích tụ, chữa đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy do ăn uống quá độ.
Lá cây mơ lông có tác dụng kháng viêm và giảm co thắt đường ruột lại có tính mát giúp làm dịu niêm mạc dạ dày và giảm viêm.
Lá cây mơ lông giảm các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và viêm đại tràng: Lấy khoảng 15 – 20 lá mơ lông tươi, rửa sạch, giã nát hoặc xay nhuyễn, sau đó vắt lấy nước uống. Uống mỗi ngày 1 – 2 lần trước bữa ăn.
Lá cây mơ lông được dùng chữa bệnh tiêu hóa.
Hóa đàm chỉ khái
Thân cây mơ lông giúp thanh nhiệt, hóa đàm và giảm ho, đặc biệt trong các trường hợp ho có đờm do nhiệt.
Lấy lá mơ lông tươi, rửa sạch, nấu lấy nước uống. Uống 1 – 2 lần mỗi ngày giúp giảm ho và cải thiện tình trạng viêm họng.
Thanh nhiệt giải độc
Dùng 30g lá mơ lông tươi, kết hợp với 20g rau diếp cá, 15g rau má. Các loại lá trên rửa sạch, giã hoặc xay lấy nước uống. Có thể uống 1 lần/ngày để tăng cường hiệu quả thanh nhiệt, giải độc.
Các loại rau này đều có tác dụng mát gan, lợi tiểu, và giúp giải độc, đặc biệt hữu ích khi cơ thể bị nhiệt độc hoặc bị mụn nhọt do nóng trong.
Điều trị các bệnh ngoài da
Khi dùng ngoài, thân cây mơ lông có thể điều trị các bệnh ngoài da như eczema, viêm da thần kinh, và ngứa da.
Lá mơ lông rửa sạch, giã nát lấy nước cốt, thoa nước cốt trực tiếp lên vùng da ngứa, nổi mụn hoặc dùng lá mơ lông nghiền nát, đắp vào khu vực mẩn ngứa.
Điều trị bệnh xương khớp, phong thấp
Lá mơ lông có chứa nhiều hoạt chất có khả năng kháng viêm, giảm đau có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, tăng cường sức khỏe sụn khớp, tăng cường tuần hoàn máu đến các khớp.
Có thể dùng lá, thân hoặc rễ cây mơ lông, cắt thành từng đoạn ngắn, sao vàng để dùng dần. Mỗi ngày dùng khoảng 50g sắc với nước uống hoặc ngâm với rượu để xoa bóp sau một thời gian đều sẽ thấy hiệu quả.
Lưu ý: Mơ lông là một loại thảo dược quen thuộc và tương đối an toàn, có hiệu quả trong điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, tránh những tác dụng không mong muốn, trước khi sử dụng chúng ta vẫn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc, chuyên gia để được tư vấn phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người.
Mời bạn xem tiếp video:
Những bài thuốc trị bệnh từ cây mơ lông | SKĐS