Mùa thu là thời điểm dễ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Sự thay đổi của thời tiết với không khí khô và se lạnh làm tăng nguy cơ ho, đau họng và viêm phế quản.
Triệu chứng thường gặp phổ biến nhất của các bệnh lý đường hô hấp là ho. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ho, nhưng thông thường nhất là ho do lạnh và ho do đờm.
Lạnh làm kích ứng đường hô hấp, cơ thể ngay lập tức phản ứng bằng cách tăng tiết dịch mũi để giữ ấm và ho để làm thông thoáng đường hô hấp; các trường hợp có đờm vít lấp đường hô hấp thì ho để tống đờm ra ngoài.
Trong y học cổ truyền, có nhiều vị thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng ho hiệu quả, không chỉ giúp làm dịu cơn ho mà còn tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể trong tiết trời thu hanh khô.
Trong bài viết này, xin giới thiệu một số vị thuốc y học cổ truyền nổi bật có tác dụng giảm ho trong mùa thu.
1. Cam thảo – vị thuốc giảm ho trong mùa thu
Cam thảo là một trong những vị thuốc phổ biến nhất trong y học cổ truyền với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trong điều trị ho. Cam thảo có tính ngọt, giúp làm dịu cổ họng, giảm tình trạng viêm nhiễm.
Ngoài ra, cam thảo còn có khả năng làm loãng đờm, hỗ trợ quá trình tống đờm ra ngoài, làm cho thông thoáng đường hô hấp.
Theo Đông y, cam thảo có khả năng điều hòa các vị thuốc khác trong các bài thuốc, vì vậy nó thường được kết hợp với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị ho.
Tuy nhiên, cần lưu ý không nên sử dụng cam thảo quá nhiều hoặc trong thời gian dài vì có thể gây ra tình trạng giữ nước và tăng huyết áp.
2. Tỳ bà diệp
Tỳ bà diệp hay còn gọi là lá tỳ bà, là vị thuốc thường được sử dụng trong các bài thuốc điều trị ho, đặc biệt là ho do phế nhiệt. Tỳ bà diệp có vị đắng, tính mát, giúp thanh nhiệt, hóa đờm và giảm ho hiệu quả.
Lá tỳ bà có thể được sử dụng trong các bài thuốc sắc uống hoặc dùng dưới dạng cao lỏng, siro… Các nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy tỳ bà diệp có tác dụng kháng viêm và chống vi khuẩn, giúp bảo vệ đường hô hấp khỏi các tác nhân gây hại từ bên ngoài.
3. Hạnh nhân
Hạnh nhân được mệnh danh là vị thuốc của đường hô hấp, rất hợp với thời tiết giao mùa. Hạnh nhân có tác dụng nhuận phế, chỉ ho và bình suyễn, rất hiệu quả trong các trường hợp ho khan, ho có đờm hoặc hen suyễn.
Hạnh nhân thường được sử dụng trong các bài thuốc trị ho do viêm phế quản hoặc ho kéo dài không dứt. Với tính ấm và vị ngọt, hạnh nhân giúp dưỡng phế và làm dịu đường hô hấp, hỗ trợ giảm cơn ho nhanh chóng.
4. Bách bộ
Bách bộ là một vị thuốc có tính ấm, vị ngọt, được sử dụng trong y học cổ truyền với tác dụng chỉ ho, nhuận phế và kháng viêm. Bách bộ thường được dùng trong điều trị các loại ho mạn tính, ho do lạnh, ho có đờm khó tan.
Ngoài ra, bách bộ còn có tác dụng kháng khuẩn bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Để sử dụng bách bộ trong điều trị ho, người ta thường sắc bách bộ cùng với các vị thuốc khác để uống hoặc có thể dùng dạng bột pha nước uống.
5. Gừng
Gừng là một vị thuốc quen thuộc trong dân gian, đặc biệt hữu ích trong điều trị ho do cảm lạnh. Gừng có tính ấm, giúp tán hàn, giải cảm và giảm ho hiệu quả. Khi bị ho do cảm lạnh, uống nước gừng nóng có thể làm dịu cơn ho, làm ấm cơ thể và thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi.
Ngoài ra, gừng còn có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm, hỗ trợ bảo vệ niêm mạc họng khỏi sự tấn công của vi khuẩn và virus gây bệnh. Gừng có thể được sử dụng dưới dạng trà gừng, hoặc kết hợp với mật ong và chanh để tăng cường hiệu quả trị ho.
6. Cát cánh
Cát cánh là một vị thuốc có tác dụng làm giãn phế quản, tăng cường lưu thông khí, làm giảm tình trạng ho do đờm ứ. Với tính đắng, vị cay, cát cánh có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, làm thông thoáng đường hô hấp.
Cát cánh thường được kết hợp với các vị thuốc khác như cam thảo, tỳ bà diệp, hay bách bộ để tăng cường hiệu quả điều trị ho.
7. Mạch môn đông
Mạch môn đông là một vị thuốc có tác dụng nhuận phế, trừ ho và thanh nhiệt rất tốt trong các trường hợp ho khan, ho kéo dài do viêm họng mạn tính. Mạch môn đông giúp dưỡng ẩm niêm mạc họng, giảm khô rát và giảm cơn ho hiệu quả.
Ngoài ra, mạch môn đông còn có tác dụng bổ âm, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về phổi và đường hô hấp do âm hư, phế nhiệt. Vị thuốc này thường được sắc nước uống hoặc có thể dùng trong các bài thuốc bổ phế, tăng cường sức đề kháng.
Các vị thuốc y học cổ truyền trên đây là những lựa chọn tự nhiên và hiệu quả để làm dịu cơn ho, thanh phế và bảo vệ sức khỏe đường hô hấp. Việc sử dụng các vị thuốc này đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng ho, đồng thời tăng cường sức đề kháng và cải thiện sức khỏe toàn diện trong mùa thu.
Để giảm ho hiệu quả người bệnh nên được bác sĩ y học cổ truyền thăm khám và tư vấn cụ thể, không tự ý dùng thuốc gây bất lợi cho sức khỏe.
Xem thêm video đang được quan tâm:
3 cách làm nước ép dứa chữa ho tại nhà | SKĐS