- 1. Nguyên nhân bị nhau tiền đạo
- 1.1 Các loại nhau tiền đạo
- 1.2 Phát hiện nhau tiền đạo bằng cách nào?
- 2. Triệu chứng nhau tiền đạo
- 2.1 Dấu hiệu thường gặp
- 2.2 Biến chứng của nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào?
- 3. Điều trị nhau tiền đạo như thế nào?
- 3.1. Đối với trường hợp nhau tiền đạo khi chưa chuyển dạ
- 3.2. Đối với trường hợp nhau tiền đạo khi chuyển dạ
- 3.3 Đối với trường hợp biến chứng nhau cài răng lược
- 4. Phòng ngừa nhau tiền đạo bằng cách nào?
1. Nguyên nhân bị nhau tiền đạo
Nguyên nhân chính xác gây ra nhau tiền đạo vẫn chưa rõ ràng. Đối với thai kỳ bình thường, nhau thai bám vào thành tử cung của mẹ và dây rốn của thai nhi, được gắn vào phía trên, phía trước, bên hông hoặc phía sau tử cung. Một số ít trường hợp nhau thai có thể bám vào vùng tử cung dưới, thậm chí là ngay trên cổ tử cung, chính là nhau tiền đạo. Khi đó nhau thai che mất một phần hoặc che kín cổ tử cung, làm cản trở đường đi của thai nhi khi chuyển dạ và có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ.
Thống kê cho thấy nhau tiền đạo thường xuất hiện ở những trường hợp sau:
- Thai phụ mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi).
- Trải qua sinh nở nhiều lần.
- Sảy thai, nạo hút thai nhiều lần.
- Có nhau tiền đạo ở lần mang thai trước.
- Có sẹo mổ trên tử cung như sẹo mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung…
- Tiền sử bị viêm nhiễm tử cung.
- Nhau thai lớn do mang đa thai.
- Tử cung có hình dạng bất thường.
- Dây rốn bám màng.
- Thai phụ sử dụng chất kích thích, đặc biệt là hút thuốc lá.
1.1 Các loại nhau tiền đạo
Có 4 loại nhau tiền đạo, được phân loại dựa vào khoảng cách so với lỗ trong cổ tử cung:
Nhau bám thấp (Type 1): khi bờ dưới bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung nhưng chưa đến lỗ trong cổ tử cung, cách lỗ trong cổ tử cung <2cm.
Nhau bám mép (Type 2): bờ dưới bánh nhau bám đến sát lỗ trong cổ tử cung.
Nhau tiền đạo bán trung tâm (Type 3): bờ dưới bánh nhau phủ qua và che kín một phần lỗ trong cổ tử cung.
Nhau tiền đạo trung tâm (Type 4): bánh nhau phủ qua và che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.
Thông thường, những dấu hiệu đầu tiên của nhau bám thấp trong bệnh nhau tiền đạo sẽ thấy rõ trong lần siêu âm định kỳ thai 20 tuần. Khi tuổi thai lớn dần, tử cung phát triển về phía đáy, kéo theo bánh nhau lên cao sẽ cải thiện được vị trí bánh nhau. Một số trường hợp bánh nhau vẫn bám thấp quanh cổ tử cung cho đến khi sinh.
Khi nhau tiền đạo tồn tại ở 3 tháng cuối của thai kỳ, nó có thể gây xuất huyết nặng trong thai kỳ, khi chuyển dạ sinh con, đồng thời cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ.
1.2 Phát hiện nhau tiền đạo bằng cách nào?
Việc chẩn đoán nhau tiền đạo được thực hiện thông qua siêu âm. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả để phát hiện nhau tiền đạo. Qua đó có thể xác định được vị trí bánh nhau bám ở vùng nào của tử cung như mặt trước, mặt sau, đáy, thân, bám thấp, bán trung tâm hay nhau tiền đạo trung tâm.
Các phương pháp siêu âm cũng có ý nghĩa trong chẩn đoán nhau tiền đạo biến chứng nhau cài răng lược. Đây là tình trạng nhau thai phát triển lấn sâu, dính một phần hoặc hoàn toàn vào thành tử cung, dẫn đến mất máu sau sinh, nguy hiểm hơn là lấn xuyên thành tử cung gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Hình ảnh siêu âm cho thấy khoảng cách giữa bánh nhau và thành bàng quang thu hẹp lại, mạch máu xuyên qua thành cơ tử cung đến thành bàng quang trên phổ siêu âm doppler. Biến chứng này thường được khuyến cáo thực hiện siêu âm phát hiện sớm từ sau tuần thai thứ 28.
2. Triệu chứng nhau tiền đạo
2.1 Dấu hiệu thường gặp
Dấu hiệu nhau tiền đạo khác nhau tùy vào thể lâm sàng và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tuy nhiên, thai phụ có thể nhận biết tình trạng này thông qua các triệu chứng khi mang thai gồm:
- Sản phụ có nhau tiền đạo có thể biểu hiện triệu chứng ra huyết âm đạo đột ngột (máu có màu đỏ tươi, đôi khi có lẫn máu cục) ở thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, lượng ít hoặc nhiều, không kèm theo đau bụng. Đa số trường hợp, tình trạng ra huyết sẽ ổn định sau vài ngày. Theo quá trình phát triển của thai nhi ở 3 tháng cuối, ra huyết âm đạo có thể tái phát nhiều lần và lần sau thường ra huyết nhiều hơn lần trước.
- Một số thai phụ có thể đối mặt với tình trạng xuất huyết kèm các cơn đau bụng do tử cung co thắt.
- Tim thai thường không bị ảnh hưởng, trừ khi mất máu quá nhiều gây choáng hoặc có nhau bong non.
2.2 Biến chứng của nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào?
Nhau tiền đạo có thể dẫn đến tình trạng băng huyết trong thai kỳ và ngay cả khi sinh, gây nhiều nguy hiểm, đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi, cụ thể:
- Đối với thai phụ: Bệnh gây xuất huyết tái phát nhiều lần trong thai kỳ khiến thai phụ thiếu máu, dễ sinh non. Trường hợp nhau tiền đạo bám gần cổ tử cung, sau sinh bánh nhau bị bóc tách khiến cổ tử cung hở, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng. Thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung nếu bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung, không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung.
- Đối với thai nhi: Mẹ bị thiếu máu có thể khiến thai nhi suy dinh dưỡng, suy thai. Khi mẹ xuất huyết quá nhiều, để cứu cả mẹ và thai nhi bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai gấp mặc dù thai chưa đủ tháng, khiến trẻ sinh non có nguy cơ bị suy hô hấp, thậm chí tử vong. Thêm vào đó, việc bánh nhau thai nằm ở phần dưới tử cung khiến thai nhi khó xoay đầu xuống, dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược (ngôi mông hoặc ngôi ngang).
Trong số những trường hợp mắc bệnh, nguy hiểm nhất là nhau tiền đạo trung tâm bởi bánh nhau thai che mất hoàn toàn cổ tử cung.
Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu được nêu trên, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhau tiền đạo kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
3. Điều trị nhau tiền đạo như thế nào?
Không có biện pháp chữa khỏi nhau tiền đạo. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát và hạn chế chảy máu cho bà mẹ đến khi thai đủ tháng hoặc có khả năng sống được sau sinh.
Nguyên tắc chung của điều trị nhau tiền đạo là thực hiện cầm máu cứu thai phụ. Điều trị tình trạng này phụ thuộc vào số lượng máu chảy, liệu máu có ngừng chảy hay không, tuổi thai như thế nào, vị trí của nhau thai, sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Bác sĩ sẽ đánh giá khả năng nuôi dưỡng sơ sinh cũng như mức độ truyền bù máu phù hợp để chỉ định nên kéo dài tuổi thai hoặc mổ lấy thai.
3.1. Đối với trường hợp nhau tiền đạo khi chưa chuyển dạ
Trường hợp ít hoặc không chảy máu và thai chưa đủ tháng: Đối với những trường hợp nhau tiền đạo ít hoặc không ra máu, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thai phụ nghỉ ngơi vùng khung chậu. Tức là hạn chế đưa bất cứ thứ gì vào âm đạo khi mang thai để ngăn ngừa các biến chứng. Thai phụ cũng sẽ được yêu cầu tránh quan hệ tình dục và tập thể dục. Thực hiện chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Nếu ra máu trong thời gian này, thai phụ nên đi khám càng sớm càng tốt.
Sử dụng thuốc giảm co thắt tử cung như spasmaverine, salbutamol, progesterone theo chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp chảy máu nhiều: Trong trường hợp ra máu nhiều, bác sĩ và thai phụ nên lên lịch sinh mổ càng sớm càng tốt vì thời điểm sinh nở an toàn – tốt nhất là sau 36 tuần. Nếu cần phải lên lịch mổ sớm hơn, có thể sử dụng corticoid giúp phổi thai nhi trưởng thành sớm.
Trường hợp những thai nhi đủ tháng: Mổ lấy thai chủ động đối với những trường hợp nhau tiền đạo trung tâm, bán trung tâm hoặc mổ cấp cứu khi ra huyết âm đạo nhiều tiến triển. Còn những trường hợp khác có thể cân nhắc theo dõi đến lúc chờ chuyển dạ. Với trường hợp nhau bám thấp, thai phụ có thể sinh ngả âm đạo được nếu không có các chống chỉ định khác.
Trường hợp nhau thai xuất huyết nhiều, đe dọa tính mạng thai phụ: Thực hiện mổ lấy thai ở bất kỳ tuổi thai nào.
3.2. Đối với trường hợp nhau tiền đạo khi chuyển dạ
- Trường hợp nhau tiền đạo trung tâm hoặc bán trung tâm: Mổ lấy thai.
- Trường hợp nhau bám mép: Mổ lấy thai cấp cứu nếu thai phụ xuất huyết nhiều.
- Nếu thai phụ xuất huyết ít, ngôi thế và cổ tử cung thuận lợi: Thực hiện bấm ối và xé màng ối về phía không có bánh nhau để cầm máu. Sau khi xé màng ối nhưng vẫn ra máu thì mổ lấy thai, còn không ra máu thì theo dõi đường âm đạo.
- Trường hợp nhau bám thấp: Mổ lấy thai nếu ra nhiều máu. Nếu ra ít máu hoặc không ra máu nên theo dõi chuyển dạ.
3.3 Đối với trường hợp biến chứng nhau cài răng lược
Biến chứng nhau cài răng lược được xem là hình thái lâm sàng nặng nhất của nhau tiền đạo, lúc này mạch máu tăng sinh nhiều ở đoạn dưới tử cung, đâm xuyên vào bàng quang thường gặp ở những thai phụ có vết mổ đẻ cũ. Do đó, việc phẫu thuật rất khó khăn, mất rất nhiều máu và tổn thương đến bàng quang.
Trường hợp này cần mổ lấy thai chủ động khi thai đủ tháng. Bác sĩ sẽ mổ dọc thân tử cung phía trên chỗ bánh nhau thai bám hoặc ở đáy tử cung để lấy thai.
4. Phòng ngừa nhau tiền đạo bằng cách nào?
Để có một thai kỳ khỏe mạnh và quá trình sinh nở an toàn, tránh được những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, thai phụ nên:
- Hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi, không khuyến cáo mang thai khi đã có đủ con.
- Tuân thủ đúng các chỉ định mổ lấy thai để tránh sẹo tử cung không cần thiết.
- Không hút thuốc lá, cũng như tránh hít phải khói thuốc lá khi mang thai.
- Nên nghỉ ngơi, hạn chế đi lại nhiều, và ăn bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng.
- Khám thai theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế đối với một thai kỳ nguy cơ cao.
- Khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, thai phụ cần lưu ý đến tình trạng ra huyết âm đạo. Nếu có ra huyết âm đạo nhiều, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu.