Khoa Cấp cứu (Bệnh viện 19-8, Bộ Công an) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam nhập viện trong tình trạng mất ý thức. Qua khai thác, nhân viên y tế 115 cho biết bệnh nhân đang tập gym tại phòng thể hình thì đột ngột mất ý thức, ngã đập mặt vào vật cứng rồi bất tỉnh, mất ý thức. Sau đó bệnh nhân được chủ phòng tập ép tim và gọi 115 cấp cứu.
Nhân viên y tế xác định người bệnh đã ngừng tuần hoàn, tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng oxy mask trong suốt quá trình di chuyển đến bệnh viện. Được biết bệnh nhân đã từng rơi vào tình trạng tương tự cách đây 7 năm.
Sau 25 phút kể từ khi bất tỉnh, bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái, mạch cảnh mạch bẹn mất, monitor điện tim có hình ảnh nhanh thất đa hình thái.
Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, ép tim, đặt nội khí quản bóp bóng oxy, tiêm adrenalin và sốc điện khử rung nhiều lần. Sau khi có mạch trở lại, huyết áp tụt sâu phải duy trì vận mạch liều cao bệnh nhân được chuyển khoa Điều trị tích cực và Chống độc điều trị tiếp.
Tại đây, trên monitor theo dõi liên tục xuất hiện các cơn nhanh thất đa hình thái, các bác sĩ tiến hành siêu âm tim đánh giá nhanh tại giường không thấy các bất thường về bệnh lý cấu trúc, khả năng co bóp giảm chỉ còn 25%. Mặc dù đã hội chẩn khoa tim mạch, phối hợp điều trị sốc điện khử rung nhiều lần và sử dụng các thuốc chống loạn nhịp, tuy nhiên tình trạng vẫn không đáp ứng, các cơn nhanh thất vẫn kháng trị…
ThS.BS Bùi Nam Phong – Trưởng khoa Điều trị tích cực và Chống độc cho biết: “Thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn trước viện và trong viện khoảng 1 giờ được xem là rất dài. Tuy nhiên thời gian đó người bệnh được cấp cứu liên tục và bệnh nhân cũng còn rất trẻ nên cơ hội vẫn còn. Trong hoàn cảnh nguy kịch đó, chúng tôi quyết định báo cáo với PGS.TS.BS Hoàng Thanh Tuyền (Giám đốc Bệnh viện 19-8), giám đốc đã chỉ đạo kích hoạt ê-kíp hỗ trợ ECMO khẩn với quyết tâm cao độ dành mọi phương tiện kỹ thuật để cứu chữa người bệnh”.
Sau vào ECMO-VA (tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ tim), trong 3 ngày đầu monitor liên tục là nhịp nhanh thất, sau đó chuyển dần về nhịp xoang, huyết động được cải thiện và dừng hẳn các thuốc vận mạch, chống loạn nhịp. Sau 6 ngày điều trị với ECMO-VA, bệnh nhân được thử nghiệm cai thành công với các chức năng tim hồi phục. Tuy nhiên tổn thương phổi của bệnh nhân lại diễn biến theo chiều ngược lại, tiến triển ARDS nặng (hội chứng suy hô hấp cấp tính) với phim chụp phổi mờ toàn bộ 2 phế trường.
Qua hội chẩn, các bác sĩ đầu ngành hồi sức tích cực đến từ Bệnh viện Bạch Mai, thống nhất ý kiến chỉ định ECMO-VV (tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ phổi). Bệnh nhân được kết thúc ECMO tim, khâu động mạch, tiếp tục tiến hành chạy ECMO phổi.
5 ngày điều trị tiếp theo với ECMO phổi, thở máy bảo vệ phổi, các chỉ số về trao đổi oxy cũng như phim chụp phổi của bệnh nhân được cải thiện hơn, các bác sĩ kết thúc ECMO-VV.
3 ngày sau khi kết ECMO-VV, bệnh nhân tỉnh táo, được rút ống nội khí quản và hỗ trợ thở HFNC (oxy dòng cao). Các bác sĩ cho biết, trong quá trình điều trị, ngoài hỗ trợ tim phổi nhân tạo, bệnh nhân còn được áp dụng một số biện pháp hồi sức kỹ thuật cao khác như Kiểm soát thân nhiệt đích, Lọc máu liên tục hỗ trợ suy đa tạng sau ngừng tuần hoàn, Lọc máu ngắt quãng hỗ trợ tình trạng suy thận cấp trong 2 tuần. Bệnh nhân cũng được tiếp nhận các chăm sóc điều dưỡng tích cực như phục hồi chức năng hô hấp, tập vật lý trị liệu thần kinh-cơ.
Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục thần kỳ, tỉnh táo, đi lại sinh hoạt bình thường, các tạng suy đã ổn định, được xuất viện. Khi ra viện, bệnh nhân được hẹn tái khám khoa Tim mạch chờ đặt máy ICD (máy khử rung tim) dự phòng.
Xem thêm video được quan tâm:
Ca chia gan hy hữu hồi sinh sự sống cho hai người | SKĐS