Một số ứng dụng chữa bệnh của canh cá diếc
Trong Đông y, cá diếc có tên gọi tức ngư. Tức ngư có vị ngọt tính bình, không có độc, quy kinh vị, tỳ, đại trường. Cá diếc có các tác dụng tư bổ, lợi thủy, chủ trị các trường hợp tỳ vị hư nhược, vị thống nôn mửa, thủy thũng, đau răng…
Cũng theo các tài liệu cổ cá diếc có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, hòa trung khai vị, hoạt huyết thông lạc, ôn trung hạ khí, rất tốt cho người tỳ vị hư nhược, phù thũng, loét, viêm phế quản, hen suyễn, đái tháo đường. Cụ thể:
Bổ hư, kích sữa: Cá diếc có tác dụng thông sữa, cá diếc hầm canh giúp phụ nữ sau sinh vừa bổ hư, vừa kích thích sữa. Những người sau sinh, sau phẫu thuật hoặc bị suy nhược cơ thể nên ăn cá diếc để nhanh phục hồi.
Làm đẹp, dưỡng nhan: Cá diếc ít chất béo, thịt mềm không gây ngán, thích hợp cho phụ nữ muốn làm đẹp nhưng sợ ăn nhiều chất béo. Protein trong cá diếc có tác dụng tốt trong việc tăng cường độ đàn hồi của sợi collagen cho da.
Bổ can, dưỡng mắt: Cá diếc chứa retinol và vitamin A, giúp cải thiện thị lực. Ăn trứng cá diếc vừa phải có thể giúp bổ can, dưỡng mắt.
Kiện não, ích trí: Đầu cá diếc chứa nhiều lecithin, bổ sung dưỡng chất cho não, giúp tăng cường trí nhớ.
Tăng cường khả năng kháng bệnh: Protein chất lượng cao trong cá diếc dễ tiêu hóa và hấp thụ, là nguồn bổ sung dinh dưỡng tốt, giúp tăng cường khả năng kháng bệnh.
Một số cách chế biến cá diếc ngon, có lợi cho sức khỏe
Canh cá diếc sữa trứng
Nguyên liệu: 1 con cá diếc, 5 hạt tiêu, 20g sữa trứng (bao gồm sữa, kem sữa và lòng đỏ trứng đánh đều), 10g gừng, 10g hành, muối, mì chính vừa đủ.
Cách làm:
- Mổ cá diếc rồi rửa sạch.
- Để cá vào dầu nóng vừa, chiên sơ để khử mùi tanh.
- Thêm nước và gia vị vừa đủ, hầm lửa nhỏ trong 40 phút.
- Trước khi nhấc nồi ra, thêm ít sữa trứng để canh có màu trắng đục, vị thơm ngon hơn.
Canh cá diếc có tác dụng kiện sữa, dưỡng nhan.
Canh cá diếc măng khô
Nguyên liệu: 3 con cá diếc sông, 200g măng khô, 2 hộp đậu phụ, 200g nấm tươi, gia vị.
Cách làm
- Măng khô cắt hình thoi, đậu phụ cắt thành 7 phần, nấm tươi cắt đôi, rửa sạch, cho vào nồi đất chờ dùng.
- Gừng, tỏi thái lát, hành, ớt ngâm cắt thành miếng.
- Cá diếc làm sạch vảy, bỏ mang và nội tạng, chiên vàng cả hai mặt trong dầu rồi vớt ra.
- Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu, cho gừng, tỏi, hành, ớt ngâm vào xào thơm. Thêm nước dùng, cho cá diếc, mì chính, bột gà, rượu, hạt tiêu vào, đun sôi, vớt hết bọt, đổ vào nồi, dọn lên bàn và dùng ngay.
Canh cá diếc đậu phụ sữa trắng
Nguyên liệu: 1 con cá diếc, 1 miếng đậu phụ lớn, 1 nắm hành lá, 1 miếng gừng nhỏ, một ít muối.
Cách làm:
Cá diếc sau khi mua về làm sạch, bỏ vảy, nội tạng, lau khô cá bằng giấy nhà bếp.
- Cắt đậu phụ thành từng miếng vuông nhỏ, hành lá chia thành hai phần, một phần cột thành bó, một phần thái nhỏ, gừng thái lát.
- Chiên cá diếc đến khi hai mặt vàng giòn. Sau khi cá diếc đã vàng giòn, cho thêm gừng thái lát vào đảo thơm.
- Đổ nước sôi vào nồi. Nước cần đổ ngập cá vài cm, thêm bó hành lá.
- Đậy nắp, đun lớn lửa trong 5 phút, sau đó hạ lửa vừa và đun tiếp 10 phút, lúc này nước canh đã có màu trắng sữa.
- Thêm đậu phụ vào nồi, tiếp tục đun nhỏ lửa trong 10 phút, thêm muối vào trước khi tắt bếp.
- Vớt bó hành ra, tắt bếp, rắc hành lá thái nhỏ lên.
- Canh cá diếc với đậu phụ mềm mịn, vị cá thơm ngon, hòa quyện tạo thành món ăn ngon miệng.
Lưu ý: Không nên ăn nhiều cá diếc khi bị cảm cúm, sốt. Không nên ăn cá diếc cùng với mật ong, gan lợn, thịt gà, thịt gà rừng, thịt nai, sườn lợn, và các vị thuốc Đông y như mạch môn, hậu phác, sa sâm. Không nên uống trà trước và sau khi ăn cá.
Mời bạn xem tiếp video:
8 loại cá giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe | SKĐS