1. Vì sao thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung?
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, trọng lượng cơ thể dư thừa được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 11% các ca ung thư ở phụ nữ và khoảng 5% các ca ung thư ở nam giới tại Hoa Kỳ, cũng như khoảng 7% tổng số ca tử vong do ung thư.
Mặc dù cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định rõ mối liên hệ giữa cân nặng cơ thể và bệnh ung thư nhưng lượng mỡ dư thừa có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách ảnh hưởng đến tình trạng: Viêm trong cơ thể; Sự phát triển của tế bào và mạch máu; Khả năng sống lâu hơn bình thường của tế bào; Mức độ của một số hormone nhất định, ví dụ như insulin và estrogen, có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào; Các yếu tố khác điều chỉnh sự phát triển của tế bào; Khả năng lan rộng (di căn) của tế bào ung thư.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ nhấn mạnh, béo phì là một yếu tố nguy cơ mạnh đối với ung thư nội mạc tử cung và liên quan đến những thay đổi về hormone. Buồng trứng của phụ nữ sản xuất hầu hết estrogen trước khi mãn kinh. Nhưng mô mỡ có thể biến đổi một số hormone khác (gọi là androgen) thành estrogen. Điều này có thể ảnh hưởng đến mức estrogen, đặc biệt là sau khi mãn kinh. Có nhiều mô mỡ hơn có thể làm tăng mức estrogen của phụ nữ, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
So với những phụ nữ duy trì cân nặng khỏe mạnh, ung thư nội mạc tử cung phổ biến gấp đôi ở những phụ nữ thừa cân (BMI từ 25 đến 29,9) và phổ biến hơn gấp 3 lần ở những phụ nữ béo phì (BMI > 30).
Tình trạng tăng cân khi già đi và tình trạng tăng cân theo chu kỳ (tăng và giảm cân nhiều lần trong đời) cũng có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn sau thời kỳ mãn kinh.
Chế độ ăn nhiều chất béo cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư nội mạc tử cung. Vì thực phẩm béo cũng là thực phẩm có hàm lượng calo cao dẫn đến béo phì. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là cách chính mà chế độ ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Thực phẩm béo cũng có thể có tác động trực tiếp đến cách cơ thể sử dụng estrogen, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
2. Giảm cân có giúp giảm nguy cơ ung thư không?
Nghiên cứu về cách giảm cân giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư còn hạn chế. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú (sau thời kỳ mãn kinh) và ung thư nội mạc tử cung.
Một số thay đổi của cơ thể xảy ra do giảm cân cho thấy nó thực sự có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Ví dụ, những người thừa cân hoặc béo phì cố gắng giảm cân đã làm giảm mức độ của một số hormone liên quan đến nguy cơ ung thư như insulin, estrogen và androgen.
Bên cạnh việc có thể giảm nguy cơ ung thư, việc giảm cân có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác như giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường. Giảm một lượng cân nhỏ cũng có lợi cho sức khỏe và là một khởi đầu tốt.
Để giúp giảm nguy cơ ung thư
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, mọi người nên cố gắng đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh trong suốt cuộc đời. Cách tốt nhất để duy trì cân nặng khỏe mạnh là cân bằng mức năng lượng ăn vào với mức độ hoạt động. Nếu thừa cân, cách tốt nhất để đạt được cân nặng khỏe mạnh là hạn chế lượng calo nạp vào và đốt cháy nhiều calo hơn thông qua hoạt động thể chất.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Chúng ta có thể giảm lượng calo nạp vào bằng cách ăn những thực phẩm lành mạnh hơn; ăn ít thức ăn hơn (khẩu phần nhỏ hơn); hạn chế ăn vặt giữa các bữa ăn; hạn chế thực phẩm và đồ uống có nhiều calo, chất béo và/hoặc đường bổ sung. Thực phẩm chiên, bánh quy, bánh ngọt, kẹo, kem và nước ngọt thông thường nên được thay thế bằng rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và đồ uống ít calo hơn.
Vận động cơ thể: Đối với người lớn nên tập luyện cường độ vừa phải từ 150 – 300 phút hoặc cường độ mạnh từ 75 – 150 phút mỗi tuần (hoặc kết hợp cả hai). Nếu tập luyện nhiều hơn thì càng tốt. Trẻ em và thanh thiếu niên nên tập luyện cường độ vừa phải hoặc mạnh ít nhất 1 giờ mỗi ngày.
Đối với những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ ung thư tái phát sau khi điều trị và làm giảm cơ hội sống sót của nhiều loại ung thư.
Những người bị thừa cân hoặc béo phì khi họ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tùy tình trạng khác nhau của mỗi người, có thể chọn chờ cho đến khi kết thúc quá trình điều trị để thực hiện những thay đổi về lối sống giúp giảm cân; hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ về việc có nên cố gắng giảm một lượng cân vừa phải trong quá trình điều trị hay không, với điều kiện là việc này được theo dõi chặt chẽ và không ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Trong và sau khi điều trị ung thư, mọi người nên cố gắng đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh bất cứ khi nào có thể. Một số người bệnh ung thư có thể bị suy dinh dưỡng và thiếu cân cần được tư vấn chăm sóc dinh dưỡng tốt để tăng hoặc duy trì cân nặng.
Xem video đang được quan tâm:
Lý do quan hệ tình dục sớm làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.