Gừng là một loại gia vị đa năng, quen thuộc với ẩm thực toàn cầu và y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ. Có hai loại gừng chính là gừng khô và tươi với những đặc tính riêng biệt khi nói đến cách sử dụng, dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe.
1. Dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe của gừng tươi và gừng khô
Khi nói đến dinh dưỡng, gừng tươi có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ vào dạng tự nhiên và sự hiện diện của các hợp chất hoạt tính như gingerol giúp tiêu hóa, giảm buồn nôn, đầy hơi và khó tiêu.
Mặc dù gừng tươi và gừng khô đều có hương vị độc đáo với những ứng dụng riêng trong thế giới ẩm thực nhưng chúng lại khác nhau về mặt dinh dưỡng. Cả hai dạng gừng đều đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau, việc lựa chọn giữa gừng tươi hay gừng khô phụ thuộc vào sở thích ẩm thực và món ăn cụ thể.
Gừng tươi
Gừng tươi có đặc tính chống viêm có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp và giảm đau cơ. Nó giàu chất chống oxy hóa và vitamin C, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ngoài ra còn được sử dụng để làm giảm ốm nghén trong thời kỳ mang thai.
Gừng tươi có vị cay nồng, được sử dụng như một thành phần cơ bản trong nhiều món ăn cả mặn và ngọt, các món kho, rang, xào, cà ri, súp và ướp thực phẩm… Gừng tươi cũng có thể được bào hoặc thái lát để tăng hương vị của trà, sinh tố hoặc nước chanh, kết hợp vào các loại bánh nướng để thêm một chút ấm áp và cay nồng.
Chất dinh dưỡng cho mỗi khẩu phần 1/4 cốc gừng tươi thái lát chứa:
- Lượng calo: 19
- Protein: Ít hơn 1 g
- Chất béo: Ít hơn 1 g
- Carbohydrate: 4 g
- Chất xơ: Ít hơn 1 g
- Đường: Ít hơn 1 g
Gừng khô
Còn gừng khô trong quá trình sấy khô có thể làm mất một số chất dinh dưỡng, tuy vậy gừng khô vẫn giữ được nhiều đặc tính có lợi như giúp giảm các tình trạng viêm như viêm xương khớp. Các hợp chất cô đặc của gừng khô có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại. Một số nghiên cứu cho thấy rằng gừng khô có thể giúp hạ đường huyết. Tương tự như gừng tươi, gừng khô có thể giúp làm giảm buồn nôn và say tàu xe.
Gừng khô thường được sử dụng ở dạng bột. Về cơ bản, nó là gừng tươi đã được khử nước và nghiền thành bột mịn. Quá trình này làm thay đổi đáng kể hương vị của nó và biến gừng khô thành một loại gia vị cô đặc. Gừng khô có tác dụng ấm áp cho cơ thể và đây là lý do tại sao nó thường được sử dụng trong thời tiết lạnh giá mùa đông. Loại gia vị này cũng được thêm vào một số món ăn giúp làm ấm cơ thể.
Một thìa gừng khô chứa:
- Lượng calo: 6
- Protein: Ít hơn 1 g
- Chất béo: Ít hơn 1 g
- Carbohydrate: 1 g
- Chất xơ: Ít hơn 1 g
- Đường: Ít hơn 1 g
2. Quan điểm của Ayurveda về gừng tươi và gừng khô
Ayurveda được phát triển cách đây hơn 5.000 năm ở Ấn Độ, là một trong những hình thức y học lâu đời nhất trên thế giới và vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Gừng không chỉ cải thiện hương vị và mùi vị của thức ăn mà còn được sử dụng trong Ayurveda để điều trị các rối loạn tiêu hóa, cảm lạnh và ho. Gừng tươi và gừng khô có các đặc tính khác nhau theo phương pháp y học cổ xưa.
Ayurveda cho rằng nước pha bột gừng khô nên được ưu tiên sử dụng để điều trị chứng đầy hơi và chướng bụng hơn là trà gừng tươi vì trà gừng tươi làm tăng Vata trong khi trà gừng khô giúp cân bằng. Vậy Vata là gì? Theo quan điểm của Ayurveda – Vata có nghĩa là thổi hoặc di chuyển như gió. Chứa các yếu tố như không khí và không gian, Vata quản lý mọi chuyển động trong tâm trí và cơ thể. Nó kiểm soát lưu lượng máu, đào thải chất thải, hơi thở và chuyển động của suy nghĩ qua não. Việc giữ Vata ở trạng thái cân bằng tốt là rất cần thiết.
Theo Ayurveda, nhai gừng tươi hoặc uống trà gừng tươi để chữa chứng đầy hơi, chướng bụng không tốt bằng uống nước gừng khô. Ngoài ra, Ayurveda còn cho rằng gừng khô tốt hơn gừng tươi khi điều trị một số rối loạn như:
Giảm chứng táo bón
Gừng khô là thuốc nhuận tràng nhẹ và rất tốt cho chứng táo bón. Nếu bạn thấy khó đi tiêu vào buổi sáng, hãy uống một cốc nước gừng khô.
Giảm chất nhầy
Nước gừng khô có tác dụng rất tốt trong điều trị cúm theo mùa, ho cảm lạnh và hầu hết các rối loạn đường hô hấp trên.
Cách sử dụng gừng khô dễ nhất là đun sôi 2 cốc nước với 1 miếng gừng khô cô lại còn 1 cốc và uống hết.
3. Cách làm gừng khô
Gừng khô thường được dùng trong các món ăn có thời hạn sử dụng lâu hơn. Trường hợp hết gừng tươi ở nhà, có thể sử dụng gừng khô như một sự thay thế hoàn hảo. Không giống hương vị cay nồng và mùi thơm của gừng tươi nhưng sấy khô gừng là cách hoàn hảo để giữ gừng được lâu.
Sấy gừng rất dễ. Đầu tiên, khi mua gừng, hãy thử bằng cách bẻ một miếng nhỏ. Nếu bẻ ra sạch, không có sợi xơ nào thì gừng còn tươi và sẽ thích hợp để sấy khô. Nếu có nhiều sợi thì rễ sẽ khó nghiền thành bột mịn hơn.
Để chuẩn bị gừng để sấy khô, hãy rửa sạch và gọt vỏ, sử dụng dao sắc, dụng cụ gọt rau củ hoặc chỉ cần thìa kim loại. Sau đó, thái gừng mỏng nhất có thể. Thái càng mỏng thì gừng sẽ khô càng nhanh và đều.
Sấy gừng
Cách đơn giản nhất để làm khô gừng là đặt gừng trên một chiếc đĩa cạnh cửa sổ có nhiều ánh nắng mặt trời phơi trong 3 đến 4 ngày. Hoặc cho những lát gừng vào máy sấy hoặc lò nướng ở nhiệt độ thấp (không nóng hơn 65 độ C). Kiểm tra gừng sau mỗi nửa giờ hoặc lâu hơn. Làm khô ở nhiệt độ 65 độ C trong khoảng 1 giờ rưỡi đến 2 giờ. Kiểm tra gừng sau mỗi 15 đến 20 phút để đảm bảo gừng không bị cháy.
Khi gừng đã khô, hãy lấy gừng ra khỏi lò nướng hoặc máy sấy và để nguội. Sau khi gừng nguội, hãy kiểm tra lại để đảm bảo gừng đã khô hoàn toàn. Nếu chưa khô, hãy cho gừng trở lại lò nướng hoặc máy sấy để làm nóng lại. Điều quan trọng là gừng phải khô hoàn toàn trước khi cất giữ hoặc xay vì bất kỳ độ ẩm còn sót lại nào cũng có thể gây ra nấm mốc.
Những lát gừng khô này để pha trà gừng rất tốt. Chúng có thể bảo quản tốt trong hộp kín trong 5 đến 6 tháng.
Làm bột gừng
Để làm bột gừng, hãy để gừng nguội đến nhiệt độ phòng sau khi sấy khô. Nghiền các lát gừng khô trong máy xay cà phê/gia vị cho đến khi có được bột mịn. Bảo quản trong hộp kín. Có thể nghiền gừng thành nhiều mẻ lớn hơn rồi bảo quản trong hộp kín trong tủ đông là một giải pháp tốt.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khám phá công dụng của gừng với chứng yếu sinh lý.