Bộ Y tế xác định việc triển khai cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ khám chữa bệnh. Thời gian qua các địa phương đã tích cực triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ…
Tại Hà Nội, Sở Y tế thường xuyên tiến hành các buổi tập huấn đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển hạ tầng số trong khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng… Ngoài ra các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hay sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeiD, dùng ứng dụng VNeID khi khám chữa bệnh… cũng được Sở Y tế tích cực triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Quảng Trị, TTYT huyện Cam Lộ đã đẩy mạnh giảm thiểu thủ tục hành chính cho người dân khi đến thăm khám và chữa bệnh. Trước đây người dân đến thăm khám tại TTYT cần làm nhiều thủ tục tuy nhiên hiện nay người bệnh chỉ cần thực hiện thủ tục tại một điểm duy nhất từ việc lấy số đến lấy mẫu và nhận kết quả. Cùng với đó TTYT huyện cũng triển khai thanh toán viện phí bằng mã QR, tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, khám chữa bệnh nhằm cải cách thủ tục hành chính giúp nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh công bố các danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung và cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, giám định y khoa, dược phẩm… như công tác giám định lần đầu do bệnh nghề nghiệp đối với người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc, đánh giá đáp ứng thực hành cơ sở phân phối thuốc, giám định để thực hiện chế độ hưu trí cho người trước tuổi khi tham gia BHXH bắt buộc… Sở Y tế tỉnh cũng tiến hành rà soát các thủ tục hành chính để tiến hành thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cung cấp và giải quyết các thủ tục giúp người dân giảm thời gian và công sức. TTYT của các huyện cũng đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip, quét mã QR để nhận/lấy thông tin. Điều này giúp người dân khi đến khám không phải chờ đợi kiểm tra giấy tờ, nhập thông tin… thời gian khám và lấy chỉ định, xét nghiệm được rút ngắn hơn nhiều.
Tại tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh cùng Sở Y tế đã tiến hành rà soát các kiến nghị về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí. Như thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc và huyện Tam Nông có đề xuất đơn giản thủ tục Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Dự kiến kinh phí ước tính trung bình sau đơn giản hóa là 10 triệu đồng. Cùng với đó ngành y tế tỉnh cũng thực hiện triển khai thực hiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại Sở Y tế với 28 đơn vị trực thuộc và 143 Trạm y tế xã/phường, thị trấn…
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính ở nhiều địa phương vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với những nhiệm vụ thường xuyên, một số việc còn chậm, còn chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị trên cơ sở đã xác định những tồn tại, các đơn vị cần rà soát lại để nhiệm vụ này tốt hơn trong thời gian tới.