Kiệt sức khi làm việc có dễ nhận ra không?
Kiệt sức trong công việc là một vấn đề nghiêm trọng, thường gặp nhất là kiệt sức do công việc quá tải, xảy ra khi bạn làm việc quá sức hoặc quá lâu. Từ đó dẫn đến căng thẳng quá mức, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân.
Kiệt sức khi làm việc có thể phát triển dần dần, khó nhận ra cho đến khi trở nên nghiêm trọng với các biểu hiện:
- Khó khăn khi thức dậy đi làm vào buổi sáng hoặc bắt đầu một nhiệm vụ mới.
- Giảm khả năng tập trung và nhiệt tình.
- Giảm sự hài lòng về thành tích, ngay cả sau khi đạt được những cột mốc quan trọng.
- Các triệu chứng về thể chất như đau đầu, căng cơ hoặc các vấn đề về dạ dày.
- Cơn cáu kỉnh hoặc thất vọng.
- Sự hoài nghi và xa lánh công việc hoặc đồng nghiệp.
- Giảm năng suất hoặc hiệu suất làm việc…
Có nhiều nguyên nhân gây kiệt sức khi làm việc như mất cân bằng giữa công việc, cuộc sống, làm việc nhiều giờ liên tục, bỏ giờ nghỉ hoặc mang công việc về nhà…
Kiệt sức khi làm việc có thể gây ra tình trạng mệt mỏi quá độ.
Hậu quả của tình trạng kiệt sức
Kiệt sức trong công việc có thể ảnh hưởng đáng kể đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần dẫn đến:
– Căng thẳng quá mức: Một trong những tác động tức thời nhất của tình trạng kiệt sức là mức độ căng thẳng cao, trạng thái căng thẳng liên tục sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như lo lắng, trầm cảm.
– Mệt mỏi: Ngoài tình trạng mệt mỏi thông thường, tình trạng kiệt sức có thể dai dẳng, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bạn ở cả nơi làm việc và ở nhà.
– Thiếu ngủ: Khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ là tình trạng thường gặp ở tình trạng kiệt sức. Rối loạn giấc ngủ tạo ra một vòng luẩn quẩn, khiến các triệu chứng kiệt sức trở nên trầm trọng hơn, khó kiểm soát hơn.
– Buồn bã hoặc cáu kỉnh: Kiệt sức ảnh hưởng đến tâm trạng, khiến bạn cảm thấy buồn bã hoặc cáu kỉnh bất thường mà không có nguyên nhân rõ ràng. Điều này ảnh hưởng đến các tương tác với người khác và chất lượng cuộc sống nói chung.
Kiệt sức khi làm việc có thể gây ra cáu kỉnh.
– Bệnh tim và tăng huyết áp: Căng thẳng do kiệt sức làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim như huyết áp cao, bệnh tim.
– Hệ thống miễn dịch suy yếu: Căng thẳng mạn tính do kiệt sức làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, cúm hơn.
– Các vấn đề về đường tiêu hóa: Căng thẳng, lo lắng cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa dẫn đến các vấn đề như đau dạ dày, khó tiêu hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn.
– Đau đầu và đau cơ: Đau đầu hoặc căng cơ thường xuyên, đặc biệt là ở cổ, vai… là biểu hiện vật lý của căng thẳng do kiệt sức gây ra.
Cách đối phó với tình trạng kiệt sức khi làm việc
Đối phó với tình trạng kiệt sức khi làm việc bao gồm việc thực hiện các bước chủ động để quản lý căng thẳng và cải thiện môi trường làm việc. Bạn nên bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ và dần dần xây dựng thành những điều chỉnh quan trọng hơn.
Tham gia các hoạt động giúp nạp lại năng lượng
Dành thời gian cho các sở thích, bài tập thể dục hoặc các hoạt động xã hội mang lại cho bạn niềm vui, sự thư giãn. Những điều này rất cần thiết cho quá trình phục hồi về mặt cảm xúc và thể chất.
Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm đáng kể mức độ căng thẳng, cải thiện tâm trạng, vì vậy hãy tìm một hoạt động mà bạn thích, biến nó thành một phần trong thói quen hàng ngày.
Đặt ra ranh giới rõ ràng giữa thời gian làm việc và thời gian cá nhân
Đặt ra giới hạn cho giờ làm việc để đảm bảo rằng thời gian cá nhân của bạn được dành cho việc nghỉ ngơi và các hoạt động không liên quan đến công việc.
Ưu tiên giấc ngủ và nghỉ ngơi
Ngủ đủ giấc mỗi đêm để giúp cơ thể và tâm trí của bạn phục hồi sau căng thẳng trong ngày. Bạn cũng có thể kết hợp chánh niệm hoặc thiền định vào thói quen hàng ngày của mình để giúp kiểm soát căng thẳng hiệu quả hơn.
Nghỉ giải lao ngắn, đều đặn trong ngày
Nghỉ giải lao giúp ngăn ngừa mệt mỏi, duy trì năng suất. Ngay cả năm phút đi bộ hoặc một khoảnh khắc duỗi người cũng có lợi.
Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng kiệt sức trong công việc, bạn nên tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát như lịch trình để giảm căng thẳng hoặc tìm kiếm cơ hội làm việc mới phù hợp hơn.