1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị viêm tụy
Những thực phẩm người bệnh viêm tụy ăn có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe vì đây là một tình trạng xảy ra khi cơ quan sản xuất enzyme tiêu hóa bị viêm.
Khi tuyến tụy bị viêm mạn tính, cơ thể không thể sản xuất đủ enzyme tiêu hóa giúp hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm người bệnh ăn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng hoặc bắt đầu sụt cân nhiều. Một chế độ ăn phù hợp có thể giúp tuyến tụy thực hiện công việc của mình tốt hơn, tuy nhiên những tác động này phụ thuộc vào việc bị viêm tụy cấp tính hay mạn tính.
Dinh dưỡng là một phần cực kỳ quan trọng trong điều trị cho bệnh nhân viêm tụy. Mục tiêu chính của việc quản lý dinh dưỡng cho bệnh viêm tụy mạn tính là:
- Ngăn ngừa suy dinh dưỡng và thiếu hụt dinh dưỡng.
- Duy trì lượng đường trong máu bình thường (tránh cả hạ đường huyết và tăng đường huyết).
- Ngăn ngừa hoặc quản lý tối ưu bệnh đái tháo đường, các vấn đề về thận và các tình trạng khác liên quan đến viêm tụy mạn tính.
- Tránh gây ra đợt viêm tụy cấp tính
Để đạt được những mục tiêu đó tốt nhất, điều quan trọng đối với bệnh nhân viêm tụy là ăn nhiều protein, chế độ ăn giàu dinh dưỡng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo và các nguồn protein nạc khác. Kiêng rượu và thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên rán rất quan trọng trong việc giúp ngăn ngừa suy dinh dưỡng, giảm đau đớn. Việc chú ý chặt chẽ đến chế độ ăn uống có thể giúp làm dịu cơn đau bụng, lựa chọn thực phẩm tốt, tuyến tụy được nghỉ ngơi và sớm phục hồi.
2. Các dưỡng chất quan trọng với người bệnh viêm tụy
Vitamin và khoáng chất
Bệnh nhân viêm tụy mạn tính có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng do kém hấp thụ và cạn kiệt chất dinh dưỡng cũng như do hoạt động trao đổi chất tăng lên. Suy dinh dưỡng có thể bị ảnh hưởng thêm do lạm dụng rượu và tình trạng đau sau khi ăn. Thiếu vitamin do kém hấp thụ có thể gây loãng xương, các vấn đề về tiêu hóa, đau bụng và các triệu chứng khác.
Do đó, bệnh nhân viêm tụy mạn tính phải được kiểm tra thường xuyên về tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Liệu pháp vitamin nên dựa trên các xét nghiệm máu hàng năm. Nhìn chung, có thể bổ sung thêm multivitamin, canxi, sắt, folate, vitamin E, vitamin A, vitamin D và vitamin B12, tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm máu.
Bổ sung enzyme
Nếu được kê đơn thuốc chứa enzyme tuyến tụy, điều quan trọng là phải dùng thuốc thường xuyên để ngăn ngừa bệnh bùng phát.
Tuyến tụy khỏe mạnh được kích thích giải phóng các enzyme tuyến tụy khi thức ăn chưa tiêu hóa đến ruột non. Các enzyme này kết hợp với mật và bắt đầu phân hủy thức ăn trong ruột non.
Vì tuyến tụy không hoạt động tối ưu sẽ không nhận được các enzyme tuyến tụy cần thiết để tiêu hóa thức ăn đúng cách. Việc dùng enzyme có thể giúp tiêu hóa thức ăn, do đó cải thiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của chứng phân mỡ (chất béo dư thừa trong phân hoặc kém hấp thụ chất béo). Điều này sẽ cải thiện khả năng ăn uống của người bệnh tốt hơn, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng.
Tăng lượng rau, trái cây
Chế độ ăn tốt cho tuyến tụy là chế độ ăn nhiều protein từ thịt nạc, ít chất béo động vật và đường đơn. Người bệnh viêm tụy nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, đậu lăng, các loại sữa ít béo hoặc không béo (sữa hạnh nhân hoặc sữa hạt lanh).
Việc ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt hơn sẽ hạn chế lượng cholesterol và tăng lượng chất xơ. Điều này làm giảm nguy cơ phát triển sỏi mật hoặc triglyceride cao, đây là một trong những nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp. Chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do trong cơ thể và giúp giảm viêm.
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau lá sẫm màu, quả mọng đỏ, quả việt quất, khoai lang, nho, cà rốt, quả óc chó và quả lựu cũng có lợi. Chú ý ăn bơ, dầu ô liu, cá béo, các loại hạt ở mức độ vừa phải.
Ngũ cốc nguyên hạt
Bổ sung một lượng vừa phải các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, hạt diêm mạch, yến mạch và bánh mì nguyên cám vào chế độ ăn uống sẽ có lợi vì chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ có lợi cho tuyến tụy.
Protein nạc
Ăn thực phẩm ít chất béo là điều cần thiết để giảm các triệu chứng viêm tụy, có thể trở nên tồi tệ hơn do giải phóng các enzyme tiêu hóa được kích thích bởi chất béo. Các nguồn protein nạc như thịt gia cầm không da, cá và đậu phụ có lợi cho tuyến tụy vì những protein này dễ xử lý hơn so với thịt nhiều chất béo. Đây là lựa chọn lý tưởng.
Chất béo lành mạnh
Bổ sung chất béo trung bình chuỗi (MCT) – chất béo thường có nguồn gốc từ dầu dừa hoặc dầu hạt cọ – cũng có thể giúp tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng trong trường hợp viêm tụy mạn tính. Điều quan trọng là phải hạn chế lượng chất béo tổng thể mà chúng ta nạp vào cơ thể, tuy nhiên, sẽ có lợi nếu bổ sung một số chất béo lành mạnh giàu acid béo omega-3 vào chế độ ăn uống như dầu ô liu, hạt lanh và cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi.
Sữa ít béo
Chọn các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo như sữa tách kem, sữa chua ít béo và phô mai ít béo. Những sản phẩm này sẽ cung cấp canxi và protein cần thiết mà không có thêm chất béo.
Thực phẩm bổ sung protein
Đối với những người bị viêm tụy cấp tính đặc biệt nặng hoặc đang trong giai đoạn điều trị, có thể cần dùng sữa lắc hoặc sinh tố protein như một phần trong chế độ ăn uống để đảm bảo mức dinh dưỡng phù hợp.
Điều quan trọng là phải chú ý đến phản ứng của cơ thể với thực phẩm, vì khả năng dung nạp của mỗi người là khác nhau. Nên duy trì nhật ký thực phẩm để ghi lại những gì người bệnh tiêu thụ và cách chúng ảnh hưởng đến các triệu chứng. Nếu nhận thấy bất kỳ phản ứng bất lợi nào với một số thực phẩm nhất định, hãy loại chúng ra khỏi chế độ ăn uống.
3. Những thực phẩm người bệnh viêm tụy nên tránh
Hãy tránh xa các loại thực phẩm chiên rán, nhiều chất béo cũng như các loại thực phẩm có nhiều đường… Lý do những thực phẩm này có hại vì tuyến tụy xử lý hầu hết chất béo bạn ăn, càng ăn nhiều, tuyến tụy càng phải làm việc nhiều hơn.
Thực phẩm có nhiều đường: Viêm tụy mạn tính cũng khiến tuyến tụy dần mất khả năng hoạt động bình thường và cuối cùng chức năng nội tiết sẽ bị mất. Điều này khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Thực phẩm nhiều chất béo và đường đơn cũng làm tăng mức triglyceride. Điều này làm tăng lượng chất béo trong máu và làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp. Do đó, bệnh nhân nên tránh đường tinh luyện và carbohydrate đơn giản như bánh ngọt, đồ uống có đường, sữa nguyên kem…
Thịt đỏ, nội tạng, thịt chế biến sẵn: Nghiên cứu cho thấy thịt chế biến và thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Thực phẩm cay: Nên tránh xa các loại thực phẩm có nhiều ớt, nước sốt cay hoặc các loại gia vị nồng khác vì chúng có thể kích hoạt hệ tiêu hóa, gây đau bụng hoặc khó chịu.
Rượu bia: Người bệnh viêm tụy nên kiêng rượu, nhất là nguyên nhân bị viêm tụy do uống rượu. Trong viêm tụy mạn tính, tình trạng viêm và kém hấp thụ đang diễn ra, bệnh nhân dần mất chức năng tiêu hóa và cuối cùng mất chức năng insulin vì vậy việc sử dụng rượu thường xuyên rất nguy hiểm.
Caffeine: Nên hạn chế hoặc tránh uống cà phê, trà và các loại đồ uống chứa caffeine khác vì caffeine có thể kích thích sản xuất acid dạ dày, có nguy cơ làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm tụy.
Hút thuốc: Những người bị viêm tụy nên tránh hút thuốc vì nó làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Xem thêm: