1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh chân voi
Để điều trị và kiểm soát bệnh chân voi, người bệnh cần dùng thuốc chống ký sinh trùng và áp dụng các liệu pháp giúp giảm sưng, khó chịu, xơ hóa, giảm nguy cơ viêm mô tế bào để cải thiện chức năng cơ thể và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe bệnh cho người mắc bệnh chân voi. Người bệnh cần có chế độ ăn giàu protein, vitamin và khoáng chất, ưu tiên thực phẩm chống viêm để kiểm soát cân nặng, cải thiện lưu thông máu và bạch huyết, giảm viêm và giảm sưng phù…
Việc giảm cân giúp giảm áp lực lên hệ thống bạch huyết, từ đó giảm thiểu tình trạng phù nề. Cân nặng hợp lý giúp cải thiện lưu thông máu và bạch huyết, hỗ trợ quá trình đào thải độc tố.
Chế độ ăn giàu chất xơ cải thiện chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên hệ thống bạch huyết. Thực phẩm lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng tại các vùng da bị tổn thương.
Khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh chân voi cần lưu ý hạn chế muối để giảm tình trạng phù nề. Uống đủ nước để duy trì độ ẩm cho cơ thể, hỗ trợ quá trình đào thải độc tố. Ăn nhiều trái cây, rau xanh cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Tăng cường thực phẩm giàu kali giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể. Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ uống có gas vì những thực phẩm này có thể gây viêm và tăng cân. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người mắc bệnh chân voi
Để cơ thể khỏe mạnh và phục hồi tốt, người bệnh cần được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết và lưu ý bổ sung các dưỡng chất sau:
Protein
Protein là chất dinh dưỡng chứa nhiều acid amin cần thiết cho sức khỏe cơ, xương và hệ miễn dịch. Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể. Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng.
Đối với người mắc bệnh phù chân voi, việc bổ sung các thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá, trứng, đậu, các loại hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa… sẽ giúp xây dựng và sửa chữa các mô bị tổn thương, đặc biệt là các mô ở chân.
Các vitamin và khoáng chất
- Vitamin C: Tăng cường hệ miễn dịch, giúp vết thương mau lành.
- Vitamin E: Chống oxy hóa, bảo vệ tế bào.
- Vitamin K: Cần thiết cho quá trình đông máu.
- Kẽm: Hỗ trợ quá trình lành vết thương.
- Selen: Chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch.
- Nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất bao gồm: Trái cây, rau xanh (đặc biệt là các loại có màu đậm), các loại hạt, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt…
Chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, ngăn ngừa táo bón, giảm áp lực lên hệ thống bạch huyết. Chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
3. Thực phẩm giúp chống viêm, giảm sưng, tốt cho hạch bạch huyết
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, chế độ ăn uống đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tiến triển của phù bạch huyết. Mặc dù đến nay chưa có chế độ ăn uống đặc biệt nào được chứng minh là thực sự hiệu quả nhưng các cách ăn uống cụ thể có thể giúp làm giảm tình trạng phù nề của bệnh nhân bị phù bạch huyết.
Thực phẩm chống viêm hiện đang được nghiên cứu tích cực về vai trò của chúng trong phù bạch huyết. Căng thẳng oxy hóa, một khía cạnh quan trọng khác của bệnh sinh phù bạch huyết, có thể được giảm thông qua dinh dưỡng có chứa một số chất chống oxy hóa tự nhiên.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh có tác dụng tốt trong việc phân hủy độc tố. Chúng chứa chất diệp lục, có tác dụng giải độc và hỗ trợ làm sạch mạch máu và hạch bạch huyết, đồng thời thúc đẩy lưu thông bạch huyết, giúp các hạch bạch huyết xử lý nhiễm trùng một cách hiệu quả.
Nhiều loại rau lá xanh chứa nhiều nước giúp cũng cung cấp độ ẩm tối ưu. Rau lá xanh cũng mang lại những lợi ích sức khỏe khác như hỗ trợ phòng ngừa ung thư, cải thiện sức khỏe xương và tăng cường hệ miễn dịch.
Các loại hạt
Các loại hạt cũng nằm trong danh sách thực phẩm chống viêm giúp làm giảm tình trạng viêm của các hạch bạch huyết. Việc tiêu diệt độc tố trong hạch bạch huyết và sau đó loại bỏ các chất có hại đòi hỏi một lượng acid béo hợp lý trong cơ thể. Các loại hạt chứa nguồn acid béo lành mạnh omega-3 và protein.
Chúng cũng có hàm lượng chất xơ cao, rất tốt cho việc loại bỏ các hóa chất có hại ra khỏi cơ thể và điều chỉnh nhu động ruột. Các loại hạt nên được thêm vào chế độ ăn uống của người bị suy yếu hệ thống hạch bạch huyết bao gồm: hạt chia, bí ngô, hạt lanh, hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều…
Cá béo
Thực phẩm giàu acid béo omega-3, đặc biệt là cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá cơm, cá trích) có đặc tính chống viêm mạch có thể giúp giảm sưng và cải thiện chức năng bạch huyết.
Tỏi
Tỏi rất cần thiết để tăng cường hệ thống miễn dịch và có đặc tính dược liệu mạnh. Nó có thể chống lại các vi khuẩn và đại thực bào có hại trong cơ thể đồng thời cải thiện lưu thông và giải phóng độc tố khỏi cơ thể.
Tỏi tự nhiên tăng cường hoạt động của các hạch bạch huyết và giúp chống lại nhiễm trùng. Tỏi cũng mang lại những lợi ích quan trọng khác như giảm huyết áp và cholesterol, cải thiện sức khỏe tim mạch do hỗ trợ lưu thông chất lỏng.
Gừng
Gingerol là hợp chất hoạt tính sinh học chính trong gừng có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Gừng có tác dụng làm dịu cơn buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa và lưu thông máu, điều này làm giảm tải cho các hạch bạch huyết trong việc loại bỏ độc tố và chất thải.
Cách đơn giản nhất là sử dụng gừng tươi, bột gừng như một loại gia vị trong các món ăn hằng ngày hoặc uống trà gừng, không nên dùng gừng hương liệu.
Nghệ
Giống như gừng, nghệ là một gia vị có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, giúp giảm viêm và hỗ trợ lưu thông máu,. Tất cả các đặc tính này góp phần vào hoạt động thiết yếu của hạch bạch huyết và hệ thống miễn dịch.
Trái cây họ cam quýt
Trái cây họ cam quýt như cam, quýt, bưởi… rất giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy vết thương mau lành. Các enzyme và chất chống oxy hóa mạnh trái cây họ cam quýt có thể hỗ trợ loại bỏ độc tố và chống lại nhiễm trùng.
Xem thêm: