Đây là lời ‘giới thiệu’ về BVĐK Đồng Nai của BS Ngô Đức Tuấn – Giám đốc bệnh viện với Đoàn công tác của Bộ Y tế khi đoàn đến làm việc tại đây.
Làm chủ nhiều kỹ thuật cao, tiến đến năm 2025 sẽ ghép thận
Chia sẻ với đoàn công tác, BS Ngô Đức Tuấn cho hay, BVĐK Đồng Nai hiện có quy mô 1.100 giường bệnh, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.000 lượt khám chữa bệnh. Số lượt điều trị nội trú luôn quá tải, hiệu suất sử dụng giường bệnh trên 100%. Mỗi ngày bệnh viện phẫu thuật từ 120-150 ca. Tổng thu mỗi năm của bệnh viện trên 1,1 ngàn tỷ đồng.
“Vừa rồi, chúng tôi đã mổ được một khối u rất lớn (10kg) ở ngực cho người phụ nữ 35 tuổi, trước đó cũng cứu ngoạn mục một em bé đã ngưng tim 15 phút. Sắp tới đây, bệnh viện sẽ thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành như Tim mạch, Nội tiết, về truyền thông y tế ở cơ sở, vùng đông dân cư…”- Giám đốc Ngô Đức Tuấn chia sẻ.
Ngoài làm chủ các kỹ thuật cao như đã kể trên, nói thêm về điều trị đột quỵ tại BVĐK Đồng Nai, BS Tuấn cho hay: Bệnh viện đã 3 lần đạt chứng nhận về công tác điều trị đột quỵ như: chứng nhận ‘tiêu chuẩn vàng’ của Hội đột quỵ châu Âu; chứng nhận ‘tiêu chuẩn bạch kim’, chứng nhận ‘tiêu chuẩn kim cương’ của Hội đột quỵ thế giới. “Đây là niềm vinh dự để để tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ”- BS Tuấn nói.
Toàn bệnh viện có gần 1,7 ngàn nhân viên với gần 400 bác sĩ. “So với các bệnh viện tuyến tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, BVĐK Đồng Nai được xem là bệnh viện có quy mô lớn nhất cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ nhân lực”- BS Tuấn tự hào nói và cho biết thêm: Chúng tôi đã và đang cố gắng đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động để đội ngũ nhân lực này yên tâm công tác, gắn bó lâu dài.
Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, giúp người dân không còn phải vất vả lên tuyến trên, BVĐK Đồng Nai đã cử đội ngũ y, bác sĩ đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề về ghép mô tạng, trước mắt để tiến tới năm 2025 sẽ triển khai kỹ thuật ghép thận.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đăng ký khám chữa bệnh
Chia sẻ thêm với đoàn công tác Bộ Y tế, BS Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, ngoại trừ TPHCM, BVĐK Đồng Nai là cơ sở tuyến tỉnh duy nhất ở miền Đông Nam Bộ có khoa Ung thư riêng biệt và nằm trong mạng lưới ung thư vùng.
Cụ thể, BVĐK Đồng Nai có hai khoa Ung bướu và Ung bướu y học hạt nhân, có thể thực hiện đầy đủ các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nhắm trúng đích, can thiệp giảm nhẹ… cho nhiều loại ung thư như phổi, vú, tuyến giáp, dạ dày…
Các chuyên khoa điều trị ung thư tại bệnh viện có tổng cộng khoảng 150 giường bệnh nội trú. Đây là điều kiện để bệnh nhân được chăm sóc, điều trị thuận lợi ngay tại địa phương, giảm vất vả và tốn kém.
Để giải quyết vấn đề quá tải, BVĐK Đồng Nai đã tìm cách tăng cường công suất làm việc, động viên tinh thần y bác sĩ phải làm sớm, làm thêm giờ, điều phối bệnh nhân sang các phòng khám theo yêu cầu… . Ngoài ra, bệnh viện cũng tìm các giải pháp để bổ sung, tăng cường bổ sung đội ngũ điều dưỡng, vốn là lực lượng rất quan trọng trong hệ thống điều trị.
Trước quan tâm của đoàn công tác Bộ Y tế và trả lời quan tâm của phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống về việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số y tế tại BVĐK Đồng Nai thế nào, kỹ sư Huy Bình – Trưởng phòng Công nghệ thông tin của bệnh viện cho hay, để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi đến thăm khám, BVĐK Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký chữa bệnh để tiết kiệm thời gian cho người dân.
Người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh ở kiot được đặt tại bệnh viện bằng căn cước công dân. Mỗi ngày có trung bình có khoảng trên 100 người đăng ký khám, chữa bệnh thông qua các kiot.
“Cùng đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực để triển khai bệnh án điện tử trong thời gian sớm nhất; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người dân thông qua đăng ký khám chữa bệnh bằng sinh trắc để nhanh chóng kết nối với ứng dụng VNeID”- Kỹ sư Huy Bình nói.
Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã làm việc tại TTYT huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) về công tác khám chữa bệnh và phát triển y tế cơ sở trên địa bàn.
Thông tin với đoàn công tác, BS Nguyễn Đức Phước, Giám đốc TTYT Trảng Bom cho biết, hiện Trung tâm có 250 giường bệnh trong khối điều trị, 2 cơ sở thuộc khối dự phòng, mỗi ngày tiếp nhận 500-700 lượt khám chữa bệnh.
Trung tâm được trang bị nhiều máy móc hiện đại như máy CT, máy lọc thận nhân tạo, máy nội soi, siêu âm, X-quang… Về nhân sự, Trung tâm luôn quan tâm vấn đề tuyển dụng, đào tạo nên không thiếu bác sĩ.
Tuy nhiên thời gian qua, một số bác sĩ Sản, Ngoại khoa của đơn vị đã nghỉ việc để ra ngoài làm, vì thu nhập cao hơn. Về dự phòng, Trung tâm làm tốt công tác phòng chống COVID-19, các dịch khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng đều giảm so với các năm trước, xử trí kịp thời các dịch sởi và dại…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TTYT huyện Trảng Bom kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, tham mưu có điều chỉnh về chính sách phụ cấp để các nhân viên y tế đều được hưởng chế độ phụ cấp dựa trên thực tế công việc, không phụ thuộc vào chức danh, bằng cấp.
Phản hồi các ý kiến trên, đại diện đoàn công tác cho biết, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và Quyết định 73/2011/QĐ-TTg của Chính phủ. Các quy định mới khi đi vào thực hiện sẽ giúp nhân viên y tế có sự hỗ trợ tốt nhất.
Đoàn công tác cũng đề nghị các đơn vị y tế của Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông các kết quả đã đạt, để người dân có sự tin tưởng, lựa chọn là nơi khám chữa bệnh.