Công tác giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế đang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại một số địa phương, việc giải ngân vốn đầu tư công đang được đốc thúc để đạt tiến độ. Tại tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh đã sử dụng ngân sách Trung ương và nguồn vốn nước ngoài năm 2024 để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài lên đến 50 tỷ đồng. Đây là nguồn ngân sách vốn bổ sung cho 2 dự án đã đủ điều kiện để triển khai nhanh chóng giúp đáp ứng hiệu quả nhu cầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ y tế tuyến cơ sở phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc, người dân vùng nông thôn.
Trong số nguồn vốn nước ngoài do ngân sách Trung ương cấp phát, tỉnh đã điều chỉnh giảm 46,5 tỷ đồng từ 6 dự án khác để chuyển sang bố trí cho 4 dự án y tế cùng với chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế – xã hội của địa phương. Các dự án trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả khi được bổ sung vốn để triển khai, với ngành y tế có Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho 98 trạm y tế tuyến xã, đồng thời nâng cấp, đầu tư và mở rộng thêm một số TTYT tuyến huyện.
Tại huyện Vân Hồ (Sơn La), trong năm 2024 được giao tổng số vốn kế hoạch 310 tỷ 678 triệu đồng. Cho đến nay, huyện đã phân bổ chi tiết 276 tỷ 548 triệu đồng, bằng 90% kế hoạch vốn. Hiện tại, địa phương đang tích cực tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cũng như giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao năm 2024. Với các dự án trọng điểm xây dựng hạ tầng và công trình phục vụ dân sinh đang được đẩy nhanh tiến độ trong đó có công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Hồ với khối lượng thi công hoàn thành 80%; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ dự toán hơn 16 tỷ đồng đã hoàn thành 90%…
Bên cạnh những địa phương đã triển khai giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt hiệu quả thì hiện tại vẫn còn có một số địa phương đang gặp vướng mắc khi thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Như tỉnh Gia Lai, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Sở Y tế nằm trong 6 sở ngành chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp với tỷ lệ 3%. Còn tại Quảng Nam, vốn đầu tư công năm 2024 không bao gồm các dự án do trung ương quản lý đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 40,79%. Trong đó, các dự án của ngành y tế gặp khó liên quan đến công tác thẩm định giá thiết bị…
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường hiệu quả việc giải ngân đầu tư công, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án:
– Tổ chức giao ban định kỳ với chủ đầu tư nhằm đôn đốc công tác giải nhân cũng như tháo gỡ các khó khăn; thực hiện dự án, thực hiện thi công theo 3 ca 4 kíp nhằm sớm đưa công trình đi vào hoạt động; triển khai công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán theo đúng quy định.
– Tiếp tục tăng cường chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị cũng như chủ đầu tư nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra và xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm gắn liền với khen thưởng hàng năm.
– Khẩn trương rà soát, xử lý khó khăn và vướng mắc trong công tác thực hiện để tăng cường giải ngân vốn đầu tư công đồng thời cam kết số vốn sẽ giải ngân và số vốn có khả năng không giải ngân để có thể điều chuyển cho các dự án khác có khả năng giải ngân.
– Phối hợp cùng các địa phương để giải quyết vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng của dự án
– Tổ chức giám sát, kiểm tra đầu tư các dự án nhằm đốc thúc tiến độ thực hiện cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Tính đến ngày 20/5/2024, Bộ Y tế đã giải ngân được 8,4% tổng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Y tế phấn đấu đến hết năm 2024 giải ngân cơ bản hết số kế hoạch vốn được giao sau khi các dự án chuyển tiếp được cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn; các dự án khởi công mới được duyệt dự toán và các dự án được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Xem thêm video được quan tâm:
Phẫu thuật thành công búp ngón tay đứt rời cho bé gái bị kẹp tay vào cửa | SKĐS