Chăm sóc hệ miễn dịch là điều cần thiết đối với sức khỏe của mỗi chúng ta, vì hệ miễn dịch hoạt động như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại viêm nhiễm và bệnh tật. Lựa chọn lối sống và chế độ ăn uống có thể gây ra hậu quả đối với cách cơ thể chúng ta chống lại những tấn công từ bên ngoài.
Một số thói quen nhất định mà chúng ta cho là “lành mạnh” có thể vô tình gây hại cho chức năng miễn dịch. Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ những lời khuyên hữu ích để giúp cơ thể khỏe mạnh.
1. Tiêu thụ quá nhiều kẽm gây hại cho hệ miễn dịch
Kẽm là chất bổ sung phổ biến nên dùng khi bạn cảm thấy không khỏe. Kẽm trở nên phổ biến hơn khi các nghiên cứu cho thấy nó có thể có tác động tích cực đến việc mắc COVID-19. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng việc bổ sung thật nhiều kẽm cho cơ thể sẽ luôn mang lại điều kỳ diệu cho sức khỏe.
Chuyên gia dinh dưỡng Lisa Andrews tại Cincinnati, Hoa Kỳ giải thích: “Việc bổ sung quá nhiều kẽm có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt và đồng của cơ thể”. Chuyên gia này khuyên nên bổ sung kẽm một cách tự nhiên trong chế độ ăn uống bằng cách ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, quả hạch, các loại đậu, đậu lăng và thịt gia cầm. Bà cũng nhắc nhở hãy trao đổi với bác sĩ trước khi muốn bổ sung thêm kẽm.
2. Chế độ ăn ít chất béo
Chuyên gia dinh dưỡng Michelle Rauch cho biết: “Áp dụng một chế độ ăn ít chất béo có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng các chất béo lành mạnh lại rất cần thiết cho chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể“.
Chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hòa như chất béo có trong dầu ô liu, quả bơ và một số loại hạt và chất béo không bão hòa đa như chất béo có trong cá béo, hạt chia và các loại hạt (quả hạch). Hai loại chất béo không bão hòa đa, axit béo omega – 3 và omega – 6, rất quan trọng đối với khả năng miễn dịch.
3. Quá sạch sẽ
Giữ vệ sinh tốt là điều cần thiết để ngăn ngừa bệnh tật, nhưng vệ sinh quá mức có thể gây hại cho sức khỏe miễn dịch. Thường xuyên khử trùng môi trường và cơ thể có thể hạn chế việc tiếp xúc với nhiều loại vi sinh vật mà hệ thống miễn dịch của chúng ta học cách tự bảo vệ. Bù lại, vệ sinh tay đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng.
4. Tập thể dục quá mức
Mặc dù hoạt động thể chất thường xuyên rất quan trọng để duy trì hệ thống miễn dịch chức năng, nhưng tập thể dục quá mức có thể gây tác dụng ngược. Tập luyện cường độ cao hoặc tập luyện kéo dài mà không phục hồi đầy đủ có thể làm tăng mức độ hormone gây căng thẳng, chẳng hạn như cortisol.
Nồng độ cortisol cao có thể ức chế hoạt động của các tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật hơn. Ngoài ra, tập luyện quá sức cũng dẫn đến mệt mỏi và viêm nhiễm, điều này làm tổn hại thêm đến phản ứng miễn dịch của cơ thể.
5. Uống rượu
Việc tiêu thụ rượu vang, đặc biệt là rượu vang đỏ, thường được ca ngợi là có lợi cho sức khỏe. Nhưng việc tiêu thụ rượu quá mức hoặc thường xuyên lại có thể làm suy giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể dễ bị tổn thương hơn.
Nguyên nhân là do tác động có hại đến việc sản xuất tế bào miễn dịch và làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, điều này rất quan trọng để tạo ra phản ứng miễn dịch cân bằng. Vì vậy, những lợi ích sức khỏe tiềm tàng của rượu vang phải được cân nhắc cẩn thận trước những rủi ro của nó.
6. Chỉ dùng thực phẩm bổ sung
Thực phẩm bổ sung có thể cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu, nhưng chúng thường không chứa nhiều loại hợp chất phức có trong thực phẩm nguyên chất. Các hợp chất này, bao gồm flavonoid, polyphenol và chất chống oxy hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng miễn dịch bằng cách cải thiện khả năng chống nhiễm trùng và giảm viêm của cơ thể. Bỏ qua một chế độ ăn uống cân bằng giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có nghĩa là bạn đang tước đi những thành phần thiết yếu góp phần mang lại sức khỏe miễn dịch tối ưu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn uống thế nào để tăng cường miễn dịch phòng ngừa dịch bệnh và COVID-19? | SKĐS