Ngày 28/9, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các đơn vị liên quan tổ chức “Hội thảo chuyên đề Nhật Bản – Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam”.
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nhất trong việc xây dựng nền tảng sức khỏe, phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này, dinh dưỡng là yếu tố môi trường quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người. Các nhà khoa học đã xác định, 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi”.
“Dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian vàng này càng đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời”, PGS.TS Trần Thanh Dương nhấn mạnh. Giai đoạn này, sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng của trẻ và bà mẹ có liên hệ mật thiết nhất. “Dinh dưỡng tốt khi mang thai không chỉ bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, cho thai nhi, mà còn liên quan đến khả năng nuôi trẻ bằng sữa mẹ sau sinh và sức khỏe của trẻ sau này”, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết.
Cụ thể, dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành của trẻ. Nếu giai đoạn này trẻ được nuôi dưỡng tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/năm trong năm tiếp theo. Do đó, trong 2 năm đầu đời, em bé có thể tăng chiều cao tới 35cm. Chiều cao của trẻ giai đoạn này sẽ bằng một nửa chiều cao lúc trưởng thành. Thiếu hoặc thừa dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ và dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời của trẻ làm cho sự phát triển về thể chất, xã hội, tình cảm và nhận thức của đứa trẻ trở lên xáo trộn dẫn tới mất đi các cơ hội mà mỗi trẻ sinh ra có quyền được hưởng.
Việc đầu tư dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời là một trong các cách thức hiệu quả, chi phí thấp nhằm giảm tỉ lệ tử vong trẻ em và giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong của bà mẹ theo mục tiêu phát triển bền vững, là giải pháp hiệu quả trong giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn này không những bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ mà còn giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng về thể chất và trí tuệ, nâng cao trình độ học vấn và thành tích học tập của trẻ; giảm sự chênh lệch giữa các vùng về sức khỏe, giáo dục và tiềm năng thu nhập; giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính…
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam và chuyên gia từ Nhật Bản còn chia sẻ kiến thức về chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, hướng dẫn cho con bú và ăn dặm của Nhật Bản nhằm phổ biến kiến thức đến các cơ sở y tế và mỗi gia đình góp phần cải thiện sức khỏe của phụ nữ mang thai và cho con bú, hỗ trợ việc cho trẻ ăn bổ sung đúng cách, từ đó thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Việt Nam.