Gánh nặng chi tiền túi cho điều trị ung thư khá lớn
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu, trung bình mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm 180.000 người mắc ung thư mới, nghĩa là cứ khoảng 100.000 dân thì có 158,6 ca mắc ung thư mới. Ung thư cũng khiến cho khoảng 122.000 người tử vong mỗi năm, trung bình có 105,6 ca tử vong do ung thư trong tổng số 100.000 dân.
Tổ chức Y tế thế giới dự kiến đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4%, số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3%.
Phát biểu trong hội thảo Đối thoại chính sách “Ứng dụng đánh giá công nghệ trong ra quyết định chi trả đối với thuốc điều trị ung thư” do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế – Bộ Y tế tổ chức mới đây, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chi phí điều trị ung thư cũng là gánh nặng kinh tế lớn đối với toàn xã hội. Chi cho thuốc ung thư năm 2023 là 7.521 tỷ đồng, đứng hàng đầu trong tổng chi trả thuốc từ Quỹ BHYT.
Từ phía bệnh nhân, gánh nặng chi tiền túi cho điều trị ung thư là rất lớn. Theo thống kê từ các bệnh viện, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm, trong đó người bệnh phải tự chi trả tới 70%.
“Đứng trước những thách thức này chúng ta cần có những chính sách y tế phù hợp để hệ thống y tế đủ năng lực và nguồn lực đáp ứng hiệu quả và bền vững phòng chống bệnh ung thư” – Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Theo ThS Vũ Nữ Anh – Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, hiện có 69 thuốc điều trị ung thư trong danh mục thuốc trên tổng số 1037 thuốc của danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm được BHYT chi trả thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị tiên tiến thế hệ mới ra đời có hiệu quả điều trị cao đối với bệnh ung thư, đáp ứng yêu cầu của các chuyên gia lâm sàng cũng như sự mong đợi của người bệnh song chưa nằm trong danh sách thuốc được BHYT chi trả. Trước thực trạng này, trong một số ý kiến của cử tri gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội đã đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thuốc điều trị ung thư, bệnh hiếm vào danh mục…
Các nước ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong thanh toán thuốc ung thư thế nào?
Theo các chuyên gia xây dựng chính sách, trên thế giới, ứng dụng đánh giá công nghệ y tế là công cụ hữu ích cung cấp bằng chứng cho hoạch định chính sách, đặc biệt trong việc xem xét đưa các thuốc vào danh mục BHYT.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây ứng dụng đánh giá công nghệ y tế đã được quan tâm và bước đầu thể chế hóa đối với yêu cầu sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách y tế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với cơ cấu chi từ quỹ BHYT tại Việt Nam hiện nay, danh mục thuốc vẫn chiếm cơ cấu chi lớn nhất với hơn 30% tổng chi. Trong khi đó, tỷ lệ người dân phải chi tiền túi trong khám, chữa bệnh còn cao. Vì vậy, có thể sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế để lựa chọn mua sắm chi tiêu y tế phù hợp, nhằm giảm chi tiền túi của người dân.
Chia sẻ kinh nghiệm của Úc khi thực hiện việc ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong thanh toán thuốc ung thư, ThS. DS. Gregory O’Toole, chuyên gia tư vấn tiếp cận thị trường, nguyên giám đốc ứng dụng đánh giá công nghệ y tế của Ủy bản tư vấn PBAC cho biết việc ứng dụng đánh giá công nghệ y tế mang lại những lợi ích như giúp nhà quản lý: Ra quyết định nhất quán – quy trình thẩm định được áp dụng đồng bộ cho tất cả các loại thuốc, bất kể là điều trị ung thư, hen suyễn, tiểu đường hay các bệnh lý khác. Không có bệnh lý hoặc nhóm bệnh nhân nào bị đặt ưu tiên thấp hơn.
Việc này góp phần làm giảm nguy cơ chi trả cho một loại thuốc không hiệu quả; Đồng thời cung cấp cơ sở đàm phán giá thuốc – nếu một loại thuốc mới được chứng minh vượt trội so với các phương pháp điều trị hiện tại, điều này có thể biện minh cho mức giá cao hơn.
“Hệ thống ứng dụng đánh giá công nghệ y tế của Úc đã được sử dụng trong gần 30 năm để đảm bảo các phương pháp điều trị mới được cung cấp càng nhanh càng tốt, với mức giá mà người đóng thuế có thể chi trả” – ThS. DS. Gregory O’Toole nói và nhấn mạnh thêm: Áp dụng đánh giá công nghệ y tế một cách cẩn trọng, hợp lý và thấu hiểu là lý do lớn cho sự thành công của hệ thống này.
Về kinh nghiệm của Thái Lan ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong ra quyết định chi trả thuốc ung thư, TS Wanrudee Isaranuwatchai cho hay, sản phẩm dược phẩm áp dụng cho danh mục thuốc thiết yếu, sản phẩm vaccine áp dụng cho danh mục vaccine thiết yếu quốc gia; sản phẩm phi dược phẩm và không phải vaccine sẽ áp dụng vào gói quyền lợi BHYT toàn dân (UCBP) trong chương trình BHYT toàn dân (UCS)
TS Wanrudee Isaranuwatchai thông tin thêm: Thái Lan xem xét xây dựng ra một danh mục mới trong Danh sách Thuốc Thiết yếu Quốc gia (NLEM), gọi là “E3”, dành riêng cho các loại thuốc có chi phí cao, không có chi phí – hiệu quả, nhưng có hiệu quả cứu sống người bệnh và không có lựa chọn điều trị thay thế.
Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế cùng với các giải pháp tài chính khác nhau để tăng cường tiếp cận thuốc ung thư
Theo ThS Vũ Nữ Anh – Phó Vụ trưởng Vụ BHYT dẫn chứng từ thực tiễn cho thấy việc đẩy mạnh phòng ngừa và đưa thuốc mới vào sử dụng trong điều trị ung thư tại Liên minh Châu Âu chính là những lý do làm giảm 4.500 ca tử vong do ung thư ở trẻ em; giảm 4000 ca tử vong do u lympho (bệnh Hodgkin) mỗi năm ở khu vực này.
Các thuốc điển hình như Tamoxifen làm tăng 6%-11% thời gian sống thêm 10 năm; Imatinib có tỷ lệ đáp ứng 98%… “Những thuốc này góp phần làm giảm tác dụng không mong muốn, đồng thời làm tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư”- ThS Vũ Nữ Anh nói.
TS Ong Thế Duệ – Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng thuốc ung thư thường có giá cao do phản ánh chi phí cho quá trình nghiên cứu và phát triển kéo dài, bao gồm cả các loại thuốc thành công và không thành công; cùng đó giá thuốc ung thư ngày càng có xu hướng tăng.
TS Duệ cho biết giá trung bình hàng năm của các loại thuốc ung thư đã tăng từ 12.000 USD lên hơn 120.000 USD trong hai thập kỷ qua. Một số loại thuốc điều trị ung thư mới phát triển gần đây như liệu pháp CAR T-cell có chi phí điều trị lên tới 500.000 USD mỗi năm.
Cũng theo TS Duệ, nguồn ngân sách công gặp khó khăn trong chi trả cho thuốc ung thư, hạn chế sự tiếp cận của người bệnh với các phương pháp điều trị tiên tiến. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng việc hạn chế tiếp cận đối với thuốc ung thư không chỉ là vấn đề ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình mà còn ở cả các quốc gia thu nhập cao.
Năm 2011, chỉ có 15% người bệnh ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong ASEAN có thể tiếp cận thuốc ung thư; so với 55% người bệnh được tiếp cận ở Singapore.
“Do đó, mỗi quốc gia cần có chiến lược ứng dụng đánh giá công nghệ y tế, cùng với các giải pháp tài chính khác nhau để tăng cường tiếp cận đối với thuốc ung thư”- TS Duệ nói.
TS Ong Thế Duệ thông tin, một số công ty dược triển khai các chương trình hỗ trợ bệnh nhân trong đó tặng hoặc hỗ trợ các loại thuốc điều trị ung thư cho những bệnh nhân không thể chi trả với chi phí thấp hoặc miễn phí. Chương trình hỗ trợ bệnh nhân là một trong những cách phổ biến nhất để bệnh nhân có thể tiếp cận các loại thuốc điều trị ung thư có chi phí cao khi việc tiếp cận thông qua BHYT bị hạn chế.
Trong một nghiên cứu tổng quan hệ thống trên 176 nước, chương trình hỗ trợ bệnh nhân hiện được ghi nhận ở 97 nước (chiếm 55%), chủ yếu là các nước có thu nhập thấp và trung bình (chiến 48%).
Các giải pháp tăng cường tiếp cận đối với thuốc ung thư bao gồm: Áp dụng ngưỡng chi phí – hiệu quả cao hơn cho thuốc ung thư; Áp dụng trọng số lớn hơn cho QALY của ung thư; Quy trình xét duyệt riêng cho thuốc ung thư; Nguồn tài chính riêng cho thuốc ung thư; Thỏa thuận chia sẻ rủi ro; Chương trình hỗ trợ người bệnh.
“Tuỳ thuộc vào bối cảnh đặc thù, mỗi quốc gia có thể xem xét áp dụng kết hợp các giải pháp nêu trên để tăng cường tiếp cận đối với thuốc ung thư”- TS Duệ nói.