Bài tập hạn chế tái phát cơn đau thắt ngực

1. Phân loại đau thắt ngực

Đau thắt ngực (angina pectoris) là tình trạng đau vùng ngực do giảm lưu lượng động mạch vành và giảm tưới máu tim.

Biểu hiện đau thường được mô tả với tính chất siết chặt, hoặc tức đau ở ngực. Thường người bệnh mô tả cảm giác đặc trưng của triệu chứng đau như có vật đè nặng trên ngực. Tuy nhiên một số người có thể nhầm với các triệu chứng tương tự như ợ nóng.

Có nhiều loại đau thắt ngực khác nhau, được phân loại dựa vào thời gian và yếu tố làm tăng giảm.

– Đau thắt ngực ổn định: Đây là dạng phổ biến nhất, thường khởi phát khi gắng sức như lên cầu thang hoặc đột ngột gặp môi trường lạnh; và giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc. Người bệnh có thể dự đoán được cơn đau thắt ngực ổn định trước khi gắng sức. Triệu chứng thường kéo dài vài phút hoặc ít hơn.

– Đau thắt ngực không ổn định: Đây là một tình trạng cấp cứu y tế. Cơn đau thường không thể đoán trước và có thể xảy ra cả khi nghỉ ngơi. Đau thắt ngực không ổn định thường kéo dài hơn 20 phút hoặc lâu hơn so với đau thắt ngực ổn định. Cơn đau không giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng các loại thuốc chống đau thắt ngực thông thường.

dau-that-nguc-2-1

Đau thắt ngực là tình trạng khá phổ biến trong cộng đồng.

2. Vai trò của tập thể dục với người bệnh đau thắt ngực

Nghiên cứu cho thấy rằng, tập thể dục thường xuyên có lợi cho những người bị đau thắt ngực ổn định vì liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và béo phì.

Đặc biệt, các bài tập aerobic giúp cải thiện lưu lượng máu và oxy đến mô tim khi nghỉ ngơi và khi sinh hoạt gắng sức nhẹ hàng ngày như leo cầu thang hoặc đi mua sắm. Tuy nhiên để tối ưu hóa lợi ích của việc tập thể dục, cần phải tuân theo một chương trình được thiết kế cho từng cá nhân và duy trì lâu dài.

Tập thể dục giúp bạn cải thiện tình trạng đau thắt ngực bằng cách:

  • Kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp…
  • Tăng khả năng gắng sức của tim.
  • Cải thiện lưu lượng máu đến tim.
  • Giảm stress và trầm cảm..
  • Cải thiện giấc ngủ.
  • Kiểm soát cân nặng.
  • Tăng sức mạnh cơ.
  • Tăng khả năng linh hoạt của cơ thể.

3. Một số bài tập tốt cho đau thắt ngực

3.1 Các bài tập giãn cơ

– Tư thế con cá: Nâng ngực trong tư thế con cá giúp thúc đẩy lưu thông máu, tăng cường sức khỏe tim mạch.

Các bước thực hiện:

  • Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng trên sàn, khép vào nhau.
  • Hai tay đặt xuống phía dưới mông.
  • Ưỡn ngực lên và ngửa cổ ra đằng sau, đồng thời dồn trọng lực lên khuỷu tay và hai cánh tay, mở rộng tối đa lồng ngực. Thực hiện 6 lần, lần cuối giữ lại trong 5 giây.
tư thế con cá

Tư thế con cá.

– Tư thế rắn hổ mang: Tư thế yoga này là tư thế có lợi giúp giảm căng thẳng, thúc đẩy lưu thông máu và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Cách thực hiện:

  • Nằm sấp.
  • Duỗi thẳng chân và đặt mu bàn chân lên thảm.
  • Đặt khuỷu tay dọc theo cơ thể và nâng phần thân trên lên, tập trung vào việc nâng ngực lên khỏi sàn.
  • Tự chống đỡ bằng cách đặt lòng bàn tay lên thảm.
  • Giữ tư thế này trong 15-20 giây hoặc lâu hơn nếu thấy thoải mái.
  • Khi đã sẵn sàng, nhẹ nhàng thả tư thế và trở về tư thế nằm ban đầu.

– Tư thế chiến binh 2: Tư thế yoga này giúp giảm căng thẳng và tăng cường lưu thông máu nói chung. Bên cạnh đó còn giúp kiểm soát nhịp tim, giảm nguy cơ phát triển loạn nhịp tim.

Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng, mặt hướng về phía trước.
  • Sau đó, bước dài chân trái ra sau, xoay ngang bàn chân trái ra ngoài 90 độ.
  • Uốn cong đầu gối phải phía trước và duỗi thẳng cả hai cánh tay sang hai bên so song song với vai.
  • Thở ra, xoay người ra phía trước và quay đầu về phía cánh tay phải.
  • Duy trì nhịp thở đều đặn và mở rộng cánh tay.
  • Nhẹ nhàng hạ thấp xương chậu và giữ nguyên tư thế với sức mạnh của một chiến binh.
  • Lặp lại chuỗi động tác ở phía bên kia với bàn chân phải ở phía trước.
  • Thực hiện bài tập này 3-4 lần, nghỉ một phút giữa mỗi lần lặp lại để thư giãn.

– Ngồi vặn nửa cột sống: Tư thế yoga này kích thích cơ tim, điều hòa nhịp tim và loại bỏ tình trạng cứng cột sống. Hơn nữa, tư thế này giúp ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol trong máu, giảm nguy cơ tắc nghẽn tim và đau tim.

Cách thực hiện:

  • Ngồi thẳng lưng với hai chân duỗi thẳng phía trước, hai bàn chân đặt sát nhau.
  • Gập chân phải và đặt cạnh hông trái.
  • Bắt chéo chân trái qua đầu gối phải.
  • Đặt tay phải lên bàn chân trái và tay trái ra sau.
  • Xoay eo, cổ và vai sang trái và nhìn qua vai trái.
  • Giữ nguyên tư thế trong khi hít thở bình tĩnh.
  • Dần dần trở lại vị trí ban đầu và lặp lại chuỗi động tác ở phía bên kia theo cách tương tự.
yoga-1578984036799345155733

Tư thế ngồi vặn nửa cột sống tốt cho người đau thắt ngực.

3.2 Tập aerobic

Một số bài tập aerobic an toàn với người bệnh đau thắt ngực gồm: Đi bộ, bơi, khiêu vũ

3.3 Tập tăng sức mạnh cơ

Một số bài tập sức mạnh cơ an toàn với người bệnh đau thắt ngực gồm: Tập với dây kháng lực, tập thể chất calisthenic…

4. Lưu ý khi tập luyện với người bệnh đau thắt ngực

Khi bắt đầu tập luyện:

– Trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện để có lời khuyên cụ thể, tuân thủ điều trị thuốc đã được chỉ định. Mục tiêu là hướng tới cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng sức mạnh và sức bền của cơ, cũng như cải thiện tầm vận động.

– Chọn các hoạt động có mức độ gắng sức vừa phải như đi bộ, đạp xe hoặc các bài tập dưới nước, liên quan đến các nhóm cơ lớn và có thể thực hiện liên tục.

– Nếu thể lực hạn chế, có thể khới đầu với thời gian ngắn hơn (10 – 15 phút) và tăng dần lên 20 – 60 phút, ba ngày trở lên mỗi tuần.

– Thực hiện bài tập đề kháng nhẹ và các bài tập cải thiện tầm vận động cho toàn thân từ hai đến ba ngày mỗi tuần.

– Theo dõi chặt chẽ cường độ tập và duy trì nhịp tim mục tiêu điều trị và nghỉ ngơi trong khi tập nếu cần.

hinh-2-1476350566

Người bệnh đau thắt ngực nên tập luyện gắng sức vừa phải như đi bộ, đạp xe…

Cách tập không gây hại sức khỏe:

  • Dừng tập ngay lập tức nếu xuất hiện cơn đau thắt ngực. Liên hệ với nhân viên y tế nếu bạn bị đau ngực, khó thở hoặc mệt.
  • Các bài tập phần thân trên thường khởi phát đau thắt ngực hơn các bài tập phần thân dưới.
  • Kéo dài thời gian khởi động và thả lỏng cơ bắp (thời gian tăng dần cường độ trước tập và giảm dần cường độ sau tập), có thể làm giảm nguy cơ đau thắt ngực hoặc biến cố tim mạch khác.
  • Luôn mang theo thuốc nitroglycerin nếu đã được kê đơn, đặc biệt là khi tập thể dục.
  • Tránh tập luyện trong điều kiện thời tiết xấu.

Mời bạn xem tiếp video:

Đau thắt ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim | SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *