1. Thực phẩm siêu chế biến ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như thế nào?
Ngày nay việc sử dụng thực phẩm đã qua chế biến, thậm chí là thực phẩm siêu chế biến ngày càng phổ biến đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Nhóm thực phẩm siêu chế biến là kết quả của các quy trình sản xuất chuyên sâu, bao gồm đường, dầu, chất béo và muối. Chúng cũng có các thành phần lấy từ các loại thực phẩm khác như: casein, lactose, gluten, váng sữa, dầu hydro hóa, protein cô lập, maltodextrin, xi-rô ngô…
Thực phẩm siêu chế biến rất tiện lợi, thường có thể ăn ngay mà không cần chuẩn bị nhiều như đồ ăn nhẹ đóng gói, nước ngọt, các bữa ăn đông lạnh chế biến sẵn… Tuy nhiên chúng thường chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo ngọt, nhuộm màu, hương vị bổ sung hoặc các thành phần khác làm thay đổi kết cấu hoặc hình thức của thực phẩm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa một số loại thực phẩm chế biến và kết quả sức khỏe kém, đặc biệt là thực phẩm siêu chế biến ít chất dinh dưỡng có chứa thêm đường, muối dư thừa và chất béo không lành mạnh. Những người thường xuyên ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nguy cơ cao hơn dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ, tử vong sớm.
Một nghiên cứu được trình bày tại Hiệp hội Tim mạch châu Âu năm 2023 đã theo dõi 10.000 phụ nữ Úc trong 15 năm cho thấy, những người ăn lượng thực phẩm siêu chế biến cao nhất trong chế độ ăn uống có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 39% so với những người có mức thấp nhất.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu chứng minh chế độ ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe bao gồm các bệnh mạn tính và tử vong sớm, trong đó có bệnh tim.
2. Loại thực phẩm siêu chế biến có hại nhất cho tim
Theo nghiên cứu mới nhất do các nhà khoa học Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan dẫn đầu, đã phát hiện ra loại thực phẩm siêu chế biến có hại cho tim nhất là đồ uống có đường và thịt chế biến.
Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất và dài nhất về thực phẩm siêu chế biến và sức khỏe tim mạch được công bố ngày 5 tháng 9 trên tạp chí The Lancet Regional Health-Americas.
Tác giả đầu tiên, Kenny Mendoza, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Dinh dưỡng và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu sức khỏe từ hơn 200.000 người lớn được thu thập trong hơn 30 năm. Các phát hiện được kết hợp với dữ liệu từ 19 nghiên cứu khác để phân tích thêm khoảng 1,25 triệu người lớn.
Quá trình xem xét tổng thể các loại thực phẩm siêu chế biến, họ phát hiện ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều thực phẩm này và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ cao hơn. Khi họ chia thực phẩm siêu chế biến thành 10 loại, có hai loại có liên quan đến nguy cơ sức khỏe tim mạch cao hơn là đồ uống có đường và thịt chế biến.
Nghiên cứu trước đó của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho thấy, việc uống thêm một loại đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng khoảng 18% bất kể người đó tập thể dục nhiều như thế nào. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy ngay cả những người tiêu thụ đồ uống có đường nằm trong top 25% về mức độ hoạt động thể chất cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Bằng chứng về thịt chế biến có liên quan đến các vấn đề sức khỏe kém, bao gồm bệnh tim, đái tháo đường type 2 và một số dạng ung thư cũng được đề cập trong nhiều nghiên cứu. Các loại thịt chế biến như thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa, loại chất béo có thể gây viêm và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Trong các loại thịt chế biến, theo Giáo sư Dinh dưỡng và Dịch tễ học Frank Hu, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng tại Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan thì thịt gia cầm, cá chế biến có hàm lượng chất béo bão hòa thấp hơn thịt bò, thịt lợn.
Thịt chế biến có khả năng gây ung thư và tất cả các loại thịt chế biến thường chứa nhiều natri. Do đó, Giáo sư Frank Hu khuyên nên thận trọng khi xử lý tất cả các loại thịt chế biến và hạn chế tiêu thụ.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, chúng ta nên hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chứa nhiều muối, đường; Hạn chế tối đa uống rượu bia và không hút thuốc lá…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên duy trì lượng chất béo bão hòa ở mức dưới 10% lượng calo hàng ngày. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng khuyên mọi người nên ăn thực phẩm có chất béo không bão hòa thay vì chất béo bão hòa. Cả chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa đều có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.
Xem thêm video đang được quan tâm:
10 lời khuyên của bác sĩ giúp phòng bệnh tim mạch hiệu quả.