1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh tiêu chảy do ký sinh trùng Cryptosporidium
Ký sinh trùng Cryptosporidium là những sinh vật đơn bào nhỏ bé, sống ký sinh trong thành ruột. Khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng sẽ gây ra các triệu chứng tiêu chảy, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Con đường lây nhiễm chính Cryptosporidium là qua đường tiêu hóa như: Uống nước không đảm bảo vệ sinh có chứa ký sinh trùng; Ăn thực phẩm bị ô nhiễm như ăn rau sống, trái cây chưa rửa kỹ, thực phẩm chế biến không đảm bảo chứa nang của ký sinh trùng. Ký sinh trùng Cryptosporidium cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân của người hoặc động vật nhiễm bệnh.
Theo BSCKI. Phạm Thị Việt Anh, Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8, khi ký sinh trùng Cryptosporidium xâm nhập vào cơ thể, chúng di chuyển đến ruột non và ký sinh tại thành ruột, cuối cùng theo phân đào thải ra ngoài.
Các triệu chứng bệnh thường khởi phát đột ngột, người bệnh bị tiêu chảy phân toàn nước không kiểm soát, đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, sốt, khó chịu. Lúc này, người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến khi khỏe hẳn. Ở hầu hết những người khỏe mạnh, bệnh do Cryptosporidium dẫn đến tiêu chảy cấp và thường tự khỏi trong vòng 1 -2 tuần.
Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh tiêu chảy do ký sinh trùng Cryptosporidium. Do tiêu chảy gây mất nước và các chất điện giải quan trọng như kali, natri nên cần có chế độ ăn uống phù hợp để bù lại những chất dinh dưỡng này, ngăn ngừa tình trạng mất nước nghiêm trọng và các biến chứng khác.
Người bệnh tiêu chảy thường bị suy nhược, chán ăn nên chế độ ăn phải giàu năng lượng giúp cung cấp đủ nhiên liệu cho cơ thể hoạt động và phục hồi. Ngoài protein, carbohydrate cần bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương ở niêm mạc ruột và cải thiện sức đề kháng của cơ thể.
Chế độ ăn hợp lý giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định hơn, giảm nguy cơ tái nhiễm ký sinh trùng. Người bệnh nên ăn thực phẩm dễ tiêu, ít chất xơ giúp giảm kích ứng đường ruột, giảm tần suất tiêu chảy và hỗ trợ quá trình hồi phục của niêm mạc ruột.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho người bệnh
BSCK2 Nguyễn Thị Thu Hậu, Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết: Tiêu chảy cấp có thể do virus, vi trùng, độc tố của các vi sinh vật… gây ra rối loạn hấp thu và bài tiết nước, điện giải tại ruột. Do đó, hậu quả là gây ra mất nước, mất Na, K, tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến suy dinh dưỡng, xâm nhập của tác nhân gây bệnh và vi khuẩn khác trong đường ruột gây ra nhiễm trùng lan rộng trong cơ thể.
Đa số tác nhân gây ra bệnh tiêu chảy và bệnh tả xâm nhập cơ thể và lây lan theo con đường phân- miệng, nghĩa là nguồn bệnh vào cơ thể từ miệng, theo phân của bệnh nhân thải ra môi trường và tiếp tục lây sang bệnh nhân khác theo con đường này. Vai trò của dinh dưỡng đúng cách trong tiêu chảy cấp và bệnh tả là bù đủ nước, muối khoáng, tiếp tục cung cấp dưỡng chất cho cơ thể để mau lành bệnh.
Khi bị tiêu chảy do ký sinh trùng Cryptosporidium, cơ thể mất đi rất nhiều nước và các chất điện giải quan trọng. Do đó, việc ăn uống đủ chất và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình bị bệnh là vô cùng cần thiết để giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Dưới đây là những dưỡng chất mà người bệnh cần đặc biệt chú ý:
Nước và chất điện giải
Mất nước là vấn đề cấp bách cần giải quyết khi bị tiêu chảy. Chất điện giải như natri, kali giúp cân bằng lượng nước, duy trì chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Người bệnh tiêu chảy cần nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn.
Người bệnh nên uống các loại nước như: nước lọc, nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi… Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, súp cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.
Protein
Protein giúp sửa chữa các tế bào bị tổn thương, tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau khi ốm. Nguồn thực phẩm giàu protein lành mạnh bao gồm: thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt, sữa, sữa chua…
Carbohydrate
Carbohydrate cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp duy trì hoạt động bình thường. Sau khi chúng ta ăn, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate thành đường để cung cấp năng lượng cho các tế bào.
Người bệnh tiêu chảy nên ăn các thực phẩm chứa tinh bột dễ tiêu hóa như: Gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây nghiền, chuối chín, táo chín…
Vitamin và khoáng chất
Các vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin B, đặc biệt là kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng. Những người bị rối loạn tiêu hóa sẽ khó hấp thụ và giữ lại kẽm từ thực phẩm họ ăn, do đó cần chú ý bổ sung kẽm. Vì ngoài giúp tăng khả năng miễn dịch, kẽm còn giúp cơ quan tiêu hóa lập lại quá trình hấp thu của đường ruột bị rối loạn trong khi bị tiêu chảy.
Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm: thịt bò, thịt lợn nạc, thịt gà, lòng đỏ trứng, hàu, cua, giá đỗ, đậu nành, cà rốt…
3. Lưu ý trong ăn uống đối với người bệnh tiêu chảy do ký sinh trùng Cryptosporidium
Ăn nhiều bữa nhỏ: Chia nhỏ bữa ăn để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày sẽ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Chọn thức ăn dễ tiêu: Ưu tiên ăn các món giàu dinh dưỡng, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như các loại cháo: cháo thịt gà, cháo sườn, cháo thịt lợn nạc nấu với cà rốt… giúp dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.
Nếu buồn nôn, nôn: Nên dùng một số món giúp làm dịu cơn buồn nôn như: nước dùng, nước luộc gà hoặc nước hầm rau củ…
Các loại thực phẩm nên ăn:
- Tinh bột: Gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây nghiền…
- Protein: Thịt nạc xay nhuyễn, cá hấp, trứng, sữa chua không đường…
- Trái cây: Chuối chín, táo chín, chuối chín, bơ…
- Rau củ: Cà rốt luộc, bí đỏ hấp, khoai lang…
Thực phẩm cần hạn chế:
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường
- Thức ăn chưa chín kỹ, gỏi, nem, rau sống, thực phẩm không an toàn
- Thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng
- Đồ uống: cà phê, nước ngọt có gas…
Những thực phẩm này có thể gây kích thích, làm tổn thương đường tiêu hóa và khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn. Đồ uống quá ngọt, có chứa caffeine hoặc làm từ sữa có thể làm trầm trọng thêm cảm giác khó chịu, buồn nôn.
Xem thêm: