1. Mối liên hệ giữa thịt đỏ và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin khiến glucose trong máu tăng cao. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm. Nếu đường máu tăng cao kéo dài không được kiểm soát cùng một số yếu tố nguy cơ khác sẽ dẫn đến xuất hiện biến chứng ở nhiều cơ quan trong cơ thể làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí tử vong cho người bệnh.
Mặc dù chế độ ăn uống không trực tiếp gây ra bệnh đái tháo đường nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc. Các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan đã phát hiện ra mối liên hệ đáng kể giữa sắt heme có trong thịt đỏ và các sản phẩm động vật khác – trái ngược với sắt không phải heme, chủ yếu có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật – có liên quan đến nguy cơ bệnh đái tháo đường type 2 (T2D). Nghiên cứu được công bố ngày 13 tháng 8 trên tạp chí Nature Metabolism.
Mối liên hệ giữa sắt heme và T2D đã được báo cáo trước đây, nhưng những phát hiện của nghiên cứu này đã thiết lập và giải thích rõ hơn về mối liên hệ này. Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã đánh giá mối liên hệ giữa sắt và T2D bằng cách sử dụng 36 năm báo cáo chế độ ăn uống từ 206.615 người lớn tham gia Nghiên cứu sức khỏe của y tá I và II và Nghiên cứu theo dõi chuyên gia y tế.
Nhóm tác giả đã kiểm tra lượng sắt hấp thụ của những người tham gia dưới nhiều dạng khác nhau: (tổng lượng, sắt heme, sắt non-heme, chế độ ăn uống (từ thực phẩm) và bổ sung (từ thực phẩm bổ sung) và tình trạng T2D của họ, kiểm soát các yếu tố sức khỏe và lối sống khác.
Các nhà nghiên cứu cũng phân tích các cơ chế sinh học hỗ trợ mối quan hệ của sắt heme với T2D trong số các nhóm nhỏ hơn của những người tham gia. Họ đã xem xét các dấu ấn sinh học chuyển hóa huyết tương của 37.544 người tham gia, bao gồm các dấu ấn liên quan đến nồng độ insulin, lượng đường trong máu, lipid máu, tình trạng viêm và hai dấu ấn sinh học của quá trình chuyển hóa sắt.
Sau đó, họ xem xét các hồ sơ chuyển hóa của 9.024 người tham gia – mức độ huyết tương của các chất chuyển hóa phân tử nhỏ, là các chất có nguồn gốc từ các quá trình của cơ thể như phân hủy thức ăn hoặc hóa chất.
Nghiên cứu phát hiện ra mối liên hệ đáng kể giữa lượng sắt heme cao hơn và nguy cơ mắc T2D. Những người tham gia trong nhóm hấp thụ nhiều nhất có nguy cơ mắc T2D cao hơn 26% so với những người trong nhóm hấp thụ ít nhất. Ngoài ra, họ cũng phát hiện ra rằng sắt heme chiếm hơn một nửa nguy cơ mắc T2D liên quan đến thịt đỏ chưa qua chế biến và chiếm tỷ lệ vừa phải trong nguy cơ mắc một số chế độ ăn liên quan đến T2D.
Tác giả Frank Hu, Giáo sư Dinh dưỡng và Dịch tễ học cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh trong việc phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Việc giảm lượng sắt heme, đặc biệt là từ thịt đỏ và áp dụng chế độ ăn nhiều thực vật hơn có thể là những chiến lược hiệu quả để giảm nguy cơ mắc căn bệnh này”.
Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế bao gồm khả năng tính toán không đầy đủ các yếu tố gây nhiễu và lỗi đo lường trong dữ liệu dịch tễ học. Ngoài ra, các phát hiện – dựa trên quần thể nghiên cứu chủ yếu là người da trắng – cần được thực hiện ở các nhóm chủng tộc và dân tộc khác.
2. Nên ăn nhiều thực phẩm thực vật để giảm nguy cơ đái tháo đường
Theo các nhà nghiên cứu, ngoài lợi ích cho sức khỏe, việc hạn chế và thay thế thịt đỏ bằng nguồn protein thực vật lành mạnh hoặc một lượng vừa phải các sản phẩm từ sữa có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Mặc dù sắt heme (được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật) là dạng sắt được cơ thể dễ dàng hấp thụ hơn sắt không phải heme (non heme) có trong các loại thực phẩm thực vật, nhưng nguồn sắt non heme đồng thời cũng có hàm lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa cao có lợi cho sức khỏe tổng thể.
Nguồn protein thực vật lành mạnh có nhiều trong các loại ngũ cốc, rau, đậu đỗ và trái cây, bao gồm:
- Các loại đậu: đậu nành, đậu đen, đậu lăng, đậu gà, đậu Hà Lan…
- Các sản phẩm làm từ đậu nành: tempeh, đậu phụ, sữa đậu nành…
- Các loại rau: Súp lơ xanh, rau chân vịt, măng tây, nấm, khoai lang, ngô…
- Trái cây: ổi, mít, bơ, bưởi, chuối, mơ kiwi, anh đào…
- Các loại hạt và hạt giống: hạt điều, óc chó, hạnh nhân, hạt chia…
- Ngũ cốc: yến mạch, diêm mạch, cao lương…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh nhân đái tháo đường có nên kiêng hoa quả ngọt hay không?