Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, mô hình y học gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí BHYT, sử dụng hiệu quả BHYT.
Đóng góp cho dự thảo nghị quyết, TS. Bùi Thị An đánh giá cao ngành y tế Hà Nội đã triển khai Dự thảo nghị quyết ngay khi có Luật Thủ đô 2024. Theo TS. Bùi Thị An, cần rà soát lại chất lượng và việc cấp phép cho các mô hình hoạt động (đặc biệt là các bác sĩ được phép hoạt động) theo mô hình y học gia đình để đảm bảo quyền lợi cho người dân và phải tuyên truyền về mô hình y tế gia đình cho người dân hiểu thì mới đạt được mục tiêu của Nghị quyết: Chỉ đúng giá trị và đối tượng.
Ông Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế cho rằng, dịch vụ khám, chữa bệnh gia đình chưa được quỹ bảo hiểm thanh toán, nên ảnh hưởng đến việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy, nghị quyết này ban hành là rất cần thiết. Đồng thời, cần làm rõ đối tượng cần quan tâm, đối tượng được hưởng là ai, tất cả người dân hay chỉ một số đối tượng.
TS Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội cho biết trên thế giới mô hình bác sĩ gia đình phát triển rất tốt. Tuy nhiên, cần đánh giá nguồn lực về y học gia đình cũng như việc triển khai việc y học gia đình thế nào để thấy được mô hình, mức độ, trang thiết bị cấp cứu ngoại viện trên địa bàn ra sao sẽ có tính thuyết phục hơn.
Trong tờ trình nên đề cập tới công tác truyền thông để nâng cao hiệu quả của các mô hình y tế mới, công tác truyền thông, giáo dục cần được quan tâm để người dân hiểu và tham gia. Vấn đề tiếp theo là cần có đánh giá về công tác giao thông khi thực hiện dịch vụ y tế. Đề nghị bổ sung các dịch vụ về tư vấn, tâm lý tại nhà, đặc biệt đối với người già, người mắc bệnh mạn tính…
Dự thảo Nghị quyết dự kiến trình UBND Thành phố xem xét trình HĐND Thành phố vào kỳ họp thứ 18, khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Khi nghị quyết được HĐND Thành phố ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý để ban hành quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ BHYT thanh toán và 22 danh mục cấp cứu ngoại viện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình. Đồng thời, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiến đến tự chủ toàn phần, tính đúng, tính đủ các cấu phần của giá dịch vụ.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Sỹ Trường đề nghị Sở Y tế cần nghiên cứu kỹ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học tại hội nghị để rà soát, chỉnh sửa văn bản đảm bảo đúng quy định, đủ ý, đủ nội dung trước khi trình HĐND Thành phố quyết định ban hành.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sỹ Trường cũng đề nghị bổ sung và ghi rõ “các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn Thành phố đã được đăng ký theo đúng quy định” để đảm bảo không có tình trạng cở sở chui, hoạt động không phép. Đồng thời, Sở Y tế phải rà soát các cơ sở y học gia đình trên địa bàn Thành phố đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi đi khám bệnh.
Về các danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quy định trong Nghị quyết, ông Nguyễn Sỹ Trường đề nghị Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu lấy ý kiến các đơn vị khác như Hội Đông Y, Hội Y học cổ truyền, các bác sỹ y học gia đình… để hoàn thiện hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ngủ trưa như thế nào có lợi cho sức khỏe? |SKĐS