Tác dụng của đậu bắp
Trong Đông y, đậu bắp còn được gọi với tên thu quỳ. Theo Trung Hoa bản thảo, đậu bắp có vị nhạt, tính lạnh, có các công dụng lợi hầu họng, thông lâm, hạ nhũ, điều kinh nên thường được dùng trong điều trị các bệnh hầu họng sưng đau, tiểu tiện đau, buốt, phụ nữ sau sinh ít sữa, kinh nguyệt không đều.
Các nghiên cứu y học hiện đại cũng chứng minh nhiều tác dụng của đậu bắp đối với sức khỏe.
- Đậu bắp có tác dụng giúp kiểm soát đường huyết chủ yếu nhờ vào polysaccharide và flavonoid, các chất này có khả năng làm chậm quá trình tăng đường huyết và tăng cường hấp thu glucose, đồng thời bảo vệ tế bào đảo tụy khỏi tổn thương do các gốc tự do, ức chế các enzym ảnh hưởng đến đường huyết và cải thiện tình trạng viêm mạn tính.
- Loại quả này còn chứa nhiều canxi, có thể thúc đẩy sự phát triển của xương ở trẻ em. Đối với người lớn, chất nhầy trong đậu bắp có tác dụng bôi trơn khớp, thành phần vitamin K và folate trong đậu bắp giúp phòng bệnh loãng xương, giúp hệ xương khớp chắc khỏe hơn.
- Đậu bắp còn chứa nhiều selen và sắt, đây là những chất có thể ngăn chặn sự hình thành của tế bào ung thư, đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư vú, ung thư dạ dày.
- Vitamin A có trong đậu bắp giúp bảo vệ thị lực và ngăn ngừa bệnh quáng gà. Đậu bắp còn là loại rau có chứa nhiều vitamin C, loại vitamin này có tác dụng chống oxy hóa mạnh và làm trắng da.
- Đây cũng là loại quả có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa thông qua tác dụng điều hòa sự hấp thu ở ruột non, nhuận tràng, tạo môi trường nuôi dưỡng các vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa.
- Ngoài ra, loại đậu này cũng được các nghiên cứu chứng minh là có tác dụng giúp tái tạo máu, phòng và điều trị bệnh hen suyễn, giúp giảm cân, giảm lượng cholesterol trong máu, cải thiện hệ miễn dịch và ngăn ngừa các khuyết tật ở thai nhi.
Đậu bắp có nhiều giá trị với sức khỏe.
Lưu ý khi ăn đậu bắp
Mặc dù đậu bắp theo cả y học hiện đại và y học cổ truyền nhận định là loại rau có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng khi sử dụng chúng ta cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Khi chế biến đậu bắp không nên nấu quá kỹ để bảo toàn các chất dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này.
- Do đậu bắp có tính hàn rất thích hợp với người có thể trạng nóng, những người có vị nhiệt với các triệu chứng như hôi miệng, táo bón hoặc thích ăn đồ béo ngậy có thể ăn nhiều hơn. Nhưng những người có tỳ và vị yếu, thể trạng yếu, hàn theo Đông y, với những biểu hiện như thường xuyên bị khó tiêu, tiêu chảy, sợ lạnh, người già, trẻ em không nên ăn nhiều.
- Ngoài ra, quả non của đậu bắp có nhiều lông tơ nhỏ, nếu xử lý không đúng cách khi ăn có thể gây cảm giác kích thích, và người có dạ dày yếu sẽ gặp phải triệu chứng này nặng hơn, nên tránh sử dụng.
- Nghiên cứu hiện đại cho thấy đậu bắp chứa nhiều kali, vì vậy những bệnh nhân bị bệnh thận, người bệnh suy thận hoặc bệnh nhân chạy thận không nên ăn đậu bắp.
- Đậu bắp còn chứa nhiều axit oxalic, không phù hợp cho những người bị sỏi thận. Nếu muốn ăn đậu bắp, những người này chỉ nên ăn lượng vừa phải và cần chần qua trước khi nấu để giảm lượng axit oxalic.
-
Đậu bắp chứa vitamin K, đây là loại vitamin liên quan đến cơ chế đông máu. Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, cần cẩn trọng khi ăn đậu bắp.
- Đậu bắp có thể làm giảm mức đường huyết, nếu bạn đang dùng thuốc hạ đường huyết, nên theo dõi xem mức đường huyết có quá thấp hay không.
Một số cách chế biến đậu bắp
Đậu bắp ngoài việc chế biến thành món ăn còn có thể chế biến thành các dạng khác, thông qua các cách chế biến này mà công dụng của đậu bắp cũng được phát huy tốt hơn.
Trà đậu bắp
Nguyên liệu: Đậu bắp tươi (khoảng 5 – 6 quả), nước lọc (khoảng 500ml), chanh hoặc mật ong.
Cách làm:
- Rửa sạch đậu bắp, cắt bỏ đầu và đuôi.
- Cắt đậu bắp thành lát mỏng.
- Đun sôi nước, sau đó thả đậu bắp vào nước sôi.
- Đun nhỏ lửa trong khoảng 10 – 15 phút cho đến khi nước chuyển màu vàng nhạt.
- Tắt bếp, để trà nguội bớt, có thể thêm chút chanh hoặc mật ong nếu muốn.
- Lọc bỏ bã đậu bắp và rót nước ra cốc để uống.
Trà đậu bắp là thức uống rất hiệu quả giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm cholesterol và kiểm soát đường huyết.
Trà đậu bắp hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát đường huyết.
Nước đậu bắp
Nguyên liệu: Đậu bắp tươi (2 – 3 quả), nước lọc (khoảng 200ml).
Cách làm:
- Rửa sạch đậu bắp và cắt bỏ phần đầu và đuôi.
- Cắt đậu bắp thành từng khúc nhỏ.
- Ngâm đậu bắp trong nước lọc khoảng 8 giờ hoặc để qua đêm.
- Sau khi ngâm, bạn sẽ thấy nước có độ nhớt. Lọc bỏ đậu bắp và uống nước.
Đây là cách chế biến giúp đậu bắp phát huy được tác dụng cải thiện độ nhờn cho khớp, tăng cường hệ miễn dịch và giải độc cơ thể.
Trà đậu bắp khô
Nguyên liệu: Đậu bắp khô, nước lọc.
Cách làm:
- Đậu bắp tươi rửa sạch, cắt thành lát mỏng và phơi khô dưới nắng hoặc sấy khô bằng lò nướng ở nhiệt độ thấp.
- Khi đậu bắp đã khô hoàn toàn, bảo quản trong hộp kín.
- Mỗi lần pha trà, lấy một ít đậu bắp khô cho vào nước sôi, đun nhỏ lửa trong khoảng 10 phút.
- Lọc bỏ xác đậu bắp và rót nước ra cốc để uống.
Với cách chế biến này, đậu bắp sẽ giúp tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, bổ sung khoáng chất và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Mời bạn xem tiếp video:
Đậu bắp được ví như ‘nhân sâm xanh’ nhờ 5 tác dụng này | SKĐS